Mỹ áp thuế 25% toàn bộ ô tô nhập khẩu, Nhật Bản thiệt hại 0.2% GDP

Postdate: 263 lượt xem

Ngày 26/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế bổ sung 25% lên ô tô nhập khẩu, bao gồm cả xe từ Nhật Bản, không có bất cứ ngoại lệ nào. Biểu thuế mới có hiệu lực từ 0h01 ngày 3 tháng 4 (giờ Mỹ, tức 13h01 cùng ngày theo giờ Nhật), áp dụng cả với động cơ và linh kiện cốt lõi. Với thuế suất tăng từ 2.5% lên 27.5% đối với xe con, các nhà phân tích ước tính GDP Nhật Bản có thể giảm khoảng 0,2%.

Tổng thống Trump đã ký văn bản chỉ đạo tăng thuế, tuyên bố trong cuộc họp báo: “Đây là khởi đầu cho Ngày Giải phóng của nước Mỹ.” Phía chính quyền Trump cũng cho biết, việc tăng thuế lần này sẽ giúp ngân sách Mỹ có thêm hơn 100 tỷ USD mỗi năm (khoảng 15 nghìn tỷ yên). Tuy nhiên, trên thực tế các loại thuế nhập khẩu có thể khiến giá xe ô tô đắt thêm hàng nghìn USD với người tiêu dùng, từ đó sẽ kéo tụt doanh số bán xe và khiến nhiều người thiệt nghiệp!

Nhật Bản ảnh hưởng lớn, kéo GDP giảm 0,2%

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính Nhật Bản, năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt mức kỷ lục 21.295 tỷ yên. Đáng chú ý, ngành công nghiệp ô tô tiếp tục khẳng định vị thế then chốt khi đóng góp tới 6.026 tỷ yên (chiếm 28,3% tổng giá trị xuất khẩu), trong khi linh kiện và phụ tùng ô tô cũng góp mặt với 1.231 tỷ yên (5,8%).

mỹ áp thuế ô tô nhật
Trích ảnh từ cán cân thương mại của Bộ Tài chính

Theo số liệu mới nhất từ công ty nghiên cứu GlobalData, thị trường ô tô Mỹ năm 2024 có tới 46% là xe nhập khẩu. Trong đó, Mexico dẫn đầu với 2,5 triệu xe, chiếm 16% thị phần. Hàn Quốc đứng thứ hai với 1,4 triệu xe (9%), trong khi Nhật Bản xếp ngay sau với 1,37 triệu xe (8%).

Các số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Nhật Bản (日本自動車工業会) và Bộ Tài chính Nhật Bản, tiết lộ những thông tin đáng quan tâm:

  • Số lượng ô tô xuất khẩu từ Nhật sang Mỹ đạt 1,37 triệu xe
  • Con số này chiếm hơn 30% tổng sản lượng xuất khẩu ô tô toàn cầu của Nhật Bản
  • Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất của Nhật Bản

Nếu thuế nhập khẩu tăng, giá bán xe cũng sẽ tăng theo, khiến sức cạnh tranh của xe Nhật giảm sút so với xe Mỹ. Theo phân tích của Nomura Securities, chỉ cần giá xe mới tăng 1% sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ giảm tới 2%. Với việc Mỹ áp đặt mức thuế nhập khẩu ô tô thêm 25%, các hãng xe Nhật đối mặt nguy cơ mất thị phần vào tay đối thủ Mỹ, đồng thời chịu áp lực giảm lợi nhuận nghiêm trọng.

Ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn của Nhật, tạo việc làm cho 10% lực lượng lao động toàn quốc. Nhóm kinh tế gia Nhật Bản (Nomura Research, Dai-ichi Life Research) cảnh báo rằng: “Thuế quan 25% này có thể trực tiếp kéo GDP của Nhật Bản giảm 0.2%, nếu tính hiệu ứng lan tỏa có thể lên tới 0.52%.

Công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities cũng ước tính, thuế quan 25% đối với ô tô Nhật Bản sẽ khiến doanh thu của các công ty Nhật Bản, bao gồm cả các công ty trong các ngành khác ngoài ô tô, có thể giảm tới 1,75 nghìn tỷ yên.

Hãng xe nào chịu thiệt nhiều nhất?

mỹ áp thuế ô tô nhật
Nhà máy sản xuất xe ô tô của Toyota (Ảnh: AFP通信)

Chuyên gia phân tích Seiji Sugiura từ Tokai Tokyo Intelligence Lab đưa ra những con số đáng kinh ngạc. Sáu tập đoàn ô tô lớn nhất Nhật Bản sẽ phải gánh thêm khoản thuế 1.420 tỷ yên. Khi tính cả những xe sản xuất tại Mexico và Canada, nơi các hãng Nhật có nhiều nhà máy, tổng thiệt hại có thể lên tới hơn 3.200 tỷ yên. Đáng chú ý, riêng Toyota phải chịu khoản thuế hơn 1.000 tỷ yên, tương đương một phần tư lợi nhuận cả năm của hãng.

Theo báo cáo tài chính mới nhất của các hãng xe, trong năm 2024, doanh số cụ thể của họ tại thị trường Mỹ như sau:

  • Toyota: Bán ra 2,33 triệu xe tại Mỹ (sản xuất tại chỗ 1,27 triệu, xuất từ Nhật 530.000)
  • Nissan: Bán ra 920.000 xe (sản xuất tại Mỹ 520.000, xuất từ Nhật 190.000)
  • Mazda: Bán ra 420.000 xe (sản xuất tại Mỹ 84.000 xe, 230.000 xe xuất từ Nhật)
  • Honda: Bán ra 1,42 triệu xe tại Mỹ (sản xuất tại Mỹ 1 triệu xe, xuất từ Nhật 5.379 xe, còn lại từ Mexico và Canada)
  • SUBARU: Bán ra 660.000 xe tại Mỹ (sản xuất tại Mỹ 360.000 xe, xuất từ Nhật 300.000 xe)

Nissan đang đối mặt với rủi ro lớn nhất khi thị trường Mỹ chiếm tới 30% tổng doanh số toàn cầu của hãng (khoảng 900.000 xe/năm). Mặc dù sở hữu hai nhà máy tại Mỹ, Nissan vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn xe nhập khẩu:

  • SUV Kicks – mẫu xe bán chạy nhất (chiếm 18% doanh số tại Mỹ) được sản xuất tại Mexico
  • Nissan Rogue và một số dòng SUV khác sản xuất tại Nhật Bản, chiếm khoảng 40% lượng xe Nissan bán ra tại Mỹ

Chủ tịch hãng xe Nissan, Makoto Uchida, cho biết mức thuế mới sẽ gây tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của hãng. Theo nguồn tin nội bộ, Nissan đang gấp rút xem xét việc thay đổi địa điểm sản xuất của các mẫu xe đang xuất khẩu sang Mỹ.

Khác với Nissan, Toyota có lợi thế lớn nhờ hệ thống 10 nhà máy tại Mỹ, sản xuất những mẫu then chốt, như Toyota Camry, RAV4 hay Tacoma. uy nhiên, dòng xe cao cấp Lexus (chiếm 20% doanh số Toyota tại Mỹ) vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Canada và Nhật Bản. Đáng chú ý, Toyota vừa công bố kế hoạch đầu tư 1,3 tỷ USD xây nhà máy Lexus tại Thượng Hải (Trung Quốc) – động thái được cho là nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng trước làn sóng bảo hộ thương mại.

Xem thêm: Toyota nâng mục tiêu ROE lên 20% trong năm 2030

Phản ứng của chính phủ Nhật

Đáp trả lại việc chính quyền Mỹ áp thuế 25 với ô tô Nhật Bản, trong phiên họp Ủy ban Ngân sách Thượng viện ngày 27, Thủ tướng Ishiba Shigeru tuyên bố: “Trước thông báo này, chúng tôi buộc phải cân nhắc các biện pháp đối phó thích hợp. Tất nhiên, mọi phương án đều sẽ được xem xét để bảo vệ lợi ích quốc gia”.

Khi được hỏi về khả năng áp dụng biện pháp trả đũa, thủ tướng Ishiba nhấn mạnh: “Việc đưa vào các lựa chọn chính là như vậy. Vấn đề cốt lõi là phải xem xét điều gì phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia Nhật Bản. Về phần mình, chúng tôi đã kiến nghị mạnh mẽ việc không áp dụng mức thuế 25% đối với Nhật Bản”.

Thủ tướng cũng nêu rõ: “Chúng tôi đã trình bày rõ với Mỹ rằng Nhật Bản đã thực hiện những khoản đầu tư đáng kể và tạo ra nhiều việc làm tại đây. Liệu có hợp lý khi đối xử tất cả các quốc gia như nhau? Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục làm rõ quan điểm này. Tôi tin rằng Chính phủ Mỹ và Tổng thống đã có sự thấu hiểu đáng kể về vấn đề này”.

Thủ tướng Ishiba cũng đã chỉ thị cho ông Hayashi Yoshimasa – Bộ trưởng Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, hãy tiếp tục đàm phán với Mỹ để loại trừ Nhật Bản khỏi đối tượng chịu thuế, đồng thời rà soát kỹ lưỡng tác động đến ngành công nghiệp và thị trường lao động Nhật Bản.

Tại cuộc họp báo, ông Hayashi khẳng định: “Chúng tôi đã một lần nữa bày tỏ với Chính phủ Mỹ rằng biện pháp này là cực kỳ đáng tiếc, đồng thời kiến nghị mạnh mẽ việc loại trừ Nhật Bản khỏi đối tượng chịu thuế. Căn cứ vào tầm quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản và mạng lưới chuỗi cung ứng rộng khắp, chúng tôi sẽ kiên trì thúc đẩy đối thoại chặt chẽ với Mỹ và thực hiện các biện pháp cần thiết”.

Trước đó, Thủ tướng Ishiba từng gặp Tổng thống Trump hồi tháng 2, quảng bá về đầu tư trực tiếp và tạo việc làm của Toyota, Isuzu tại Mỹ. Khi đó, Trump đã kêu gọi Nhật Bản nâng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP trong năm tài chính 2025.

Ngoài ra, Bộ trưởng Kinh tế Muto Yoji thăm Mỹ giữa tháng 3 nhưng không đạt được thỏa thuận miễn thuế!

Dữ liệu: Nikkei, JAMA, Bộ Tài chính

Đánh giá

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

giám đốc seven i

Seven & i HD thay giám đốc, mua lại cổ phần chấn động Nhật Bản

Vào ngày 6/3, Seven & i Holdings(TYO:3382) đã chính thức công bố bổ nhiệm ông Stephen Hayes Dacus (64 tuổi) làm Chủ tịch kiêm Giám đốc mới. Ông Dacus từng là CEO của Seiyu và là thành viên hội đồng quản trị bên ngoài của Seven & i. Trong khi đó, ông Ryuichi Isaka (67 tuổi), người hiện đang giữ chức Chủ tịch kiêm CEO, vẫn sẽ ở lại tập đoàn và đảm nhiệm vai trò Cố vấn đặc biệt. Trong bối cảnh Seven & i đang nhận được đề xuất mua lại từ một công ty cùng ngành tại …

cán cân thương mại nhật bản 2021

Cán cân thương mại năm 2021 của Nhật Bản thâm hụt 1.472 tỷ yên

Theo số liệu thống kê thương mại sơ bộ do Bộ Tài chính công bố, cán cân thương mại của Nhật Bản trong năm 2021 thâm hụt 1.472 tỷ yên.

nhà mạng ở nhật

Các nhà mạng di dộng ở Nhật tăng cường giữ chân khách hàng trung thành

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành viễn thông, ba nhà mạng lớn ở Nhật Bản – KDDI, SoftBank, và NTT Docomo – đang đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình giữ chân khách hàng trung thành, đặc biệt tập trung vào những người sử dụng nhiều dịch vụ trong hệ sinh thái kinh tế điểm thưởng. Thay vì chỉ chạy đua giảm giá cước, họ đang xây dựng các hệ sinh thái tích hợp giữa viễn thông và tài chính, tận dụng các chương trình hoàn tiền và điểm thưởng để nâng cao lòng trung thành …

cấu trúc thị trường chứng khoán nhật bản

Cấu trúc mới của thị trường chứng khoán Nhật Bản thay đổi như thế nào?

Kể từ tháng 4 năm 2022, cấu trúc thị trường chứng khoán tại Nhật Bản sẽ được thay đổi thành 3 phân khúc thị trường: Prime, Standard và Growth.

xe ô tô điện fiat 500e ở nhật

Xe ô tô điện mui trần Fiat 500e được bán ở Nhật Bản với giá từ 450 man

Mẫu xe ô tô điện chạy bằng pin Fiat 500e sẽ được bán ở Nhật kể từ ngày 25 tháng 6, giá bán dao động từ 4,5 triệu yên đến 4,95 triệu yên.

Chào các bạn! Mình là Ain, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã học tập và làm việc ở Nhật hơn 10 năm, hiện nay đang làm công việc tự do chủ yếu liên quan đến Fintech. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người!

error: Xin đừng copy em !!!
S