Sát nhập Honda với Nissan: Bước ngoặt ngành ô tô Nhật Bản

Postdate: 183 lượt xem

Ngày 23 tháng 12 năm 2024, hai ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản là Honda và Nissan đã công bố kế hoạch sát nhập, thông qua hình thức thành lập một công ty cổ phần chung. Đây được xem là sự kiện mang tính lịch sử, không chỉ trong nội bộ ngành ô tô Nhật Bản mà còn tác động sâu rộng đến thị trường toàn cầu. Với doanh thu dự kiến lên tới 33 nghìn tỷ yên, liên minh này có thể trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Toyota và Volkswagen.

Yếu tố thúc đẩy thương vụ sát nhập giữa Honda và Nissan

  • Cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc và Tesla
  • Tái cấu trúc doanh nghiệp
  • Thúc đẩy từ chính phủ Nhật Bản

1. Cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc và Tesla

Honda đã đặt mục tiêu đến năm 2040, toàn bộ các mẫu xe mới của hãng sẽ là xe điện (EV) và xe sử dụng pin nhiên liệu. Dù dự kiến đầu tư một khoản khổng lồ lên tới 10 nghìn tỷ yên vào năm tài chính 2030, nhưng cơ cấu quản lý vẫn chưa được củng cố vững chắc.

Dù sở hữu tỷ suất lợi nhuận cao trong lĩnh vực xe máy, nơi Honda giữ vị trí dẫn đầu thị phần toàn cầu, nhưng mảng xe ô tô vẫn gặp nhiều khó khăn. Lợi nhuận kinh doanh hợp nhất của Honda trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2024 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng riêng mảng xe ô tô lại giảm tới 14%.

Honda và Nissan đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng xe điện (EV) Trung Quốc như BYD và các nhà sản xuất xe điện Mỹ, đặc biệt là Tesla. Các đối thủ này không chỉ vượt trội về công nghệ mà còn có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ về giá cả. Chủ tịch Toshihiro Mibe của Honda cho rằng sự hiện diện của các công ty Trung Quốc có sức cạnh tranh cao về giá cả và các công ty mới nổi như Tesla tại Mỹ là lý do chính thúc đẩy việc sát nhập với Nissan. Chủ tịch Mibe còn cảnh báo thêm, nếu không nâng cao hiệu quả quản lý và tăng tốc độ hoạt động, “trong vòng 5 đến 10 năm tới, cục diện có thể thay đổi đáng kể”.

2. Tái cấu trúc doanh nghiệp

sát nhập honda nissan

Nissan đang gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính, với lợi nhuận ròng giảm 94% trong nửa đầu năm tài chính 2024 so với cùng kỳ năm trước. Công ty này hiện đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu, với hiệu suất sử dụng nhà máy ở một số địa điểm dưới 50%, trong khi mức tối ưu là 80%. Để vượt qua khủng hoảng, Nissan đã công bố kế hoạch cắt giảm 7% lực lượng lao động toàn cầu (tương đương 9.000 nhân viên) và giảm 20% năng lực sản xuất.

Vào tháng 3 năm nay, Nissan đã công bố kế hoạch tăng doanh số bán hàng toàn cầu lên 4,5 triệu xe trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, do tình trạng kinh doanh không khả quan, mục tiêu này đã bị rút lại. Giám đốc Uchida của Nissan nhấn mạnh: “Trước tiên, cần tái thiết công ty để có thể đạt được lợi nhuận ngay cả ở mức doanh số 3,5 triệu xe (con số đưa ra vào năm 2023).”

Nissan hiện có tổng cộng 23 cơ sở sản xuất tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các khu vực khác, với năng lực sản xuất toàn cầu khoảng 5 triệu xe. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đang hoạt động dưới công suất, thậm chí có nơi dưới 50%, trong khi tỷ lệ sử dụng công suất cần thiết để đạt điểm hòa vốn thường là khoảng 80%.

Về phía Honda, hãng xe này cũng đã phải từ bỏ tư duy “tự thân vận động” truyền thống và quyết định hợp tác với Nissan để tăng tốc phát triển EV và các công nghệ liên quan.

3. Thúc đẩy từ chính phủ Nhật Bản

Theo Nikkei và một vài nguồn tin khác, chính phủ Nhật Bản đã đóng vai trò thúc đẩy thương vụ sát nhập giữa Honda với Nissan này, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô quốc gia trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Năm 2023, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, khiến các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản lo ngại về sự tụt hậu của nền công nghiệp ô tô trong nước.

Một lý do khác khiến việc hợp nhất phải gấp rút là thông tin tập đoàn Hon Hai Precision Industry (Foxconn) của Đài Loan đang có động thái mua cổ phần của Nissan. Mặc dù giám đóc Nissan, ông Uchida Makoto, đã phủ nhận những tin đồn này, nhưng tờ Financial Times (FT) đã chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy Hon Hai thực sự có tiếp xúc với Nissan. FT đề cập rằng ông Jun Seki, cựu lãnh đạo của Nissan và hiện đang phụ trách mảng kinh doanh EV tại Hon Hai, đã đến thăm Nhật Bản, điều này càng củng cố nghi vấn về mối quan hệ giữa hai bên. Điều này có thể cũng khiến chính phủ Nhật Bản tăng cường áp lực lên cả hai bên để đạt được thỏa thuận, nhằm ngăn cản thâu tóm đến từ nước ngoài.

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp Nội các vào ngày 24/12, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp ông Yoshiharu Muto nói: “Tôi hy vọng rằng thương vụ sát nhập này sẽ dẫn đến việc tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.”

Lịch trình sát nhập như thế nào?

Một công ty mẹ dự kiến sẽ được thành lập và niêm yết vào khoảng tháng 8 năm 2026, trong đó cả Honda và Nissan sẽ trở thành các công ty con trực thuộc, nhưng thương hiệu của hai hãng xe này vẫn sẽ được giữ nguyên. Mitsubishi Motors (công ty mà Nissan là cổ đông lớn nhất), dự kiến cũng sẽ đưa ra quyết định tham gia vào kế hoạch này vào cuối tháng 1 năm 2025.

sát nhâp honda nissan
Lịch trình sát nhập Honda và Nissan

Honda và Nissan cũng đã ký hợp đồng thỏa thuận cơ bản để hướng tới việc sáp nhập, đồng thời thành lập ủy ban chuẩn bị để tiếp tục đàm phán, với mục tiêu hoàn tất hợp đồng cuối cùng vào tháng 6 năm 2025.

Sau khi thông qua nghị quyết tại cuộc họp cổ đông (株主総会) vào tháng 4 năm 2026, cả hai công ty sẽ hủy niêm yết vào khoảng cuối tháng 7 đến tháng 8 cùng năm. Đồng thời, công ty mẹ sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo phân khúc Prime Market.

Giám đốc điều hành của công ty mẹ sẽ được chọn từ các thành viên hội đồng quản trị do Honda chỉ định. Các giám đốc nội bộ và giám đốc độc lập bên ngoài cũng sẽ được Honda chỉ định quá bán. Những vấn đề như tên gọi, địa điểm đặt trụ sở của công ty mẹ đang được xem xét. Tỷ lệ sáp nhập sẽ được quyết định trong thời gian tới. Vốn hóa thị trường gần đây cho thấy Honda đạt 6,7 nghìn tỷ yên, trong khi Nissan đạt 1,6 nghìn tỷ yên, cho thấy sự chênh lệch lớn giữa hai bên.

Bước ngoặt lịch sử ngành ô tô Nhật Bản

Honda và Nissan đã ký thỏa thuận cam kết độc quyền, trong đó cả hai không được đàm phán với bên thứ ba. Nếu một trong hai bên hủy hợp đồng sau khi các thủ tục hợp tác với bên thứ ba được hoàn tất, bên vi phạm sẽ phải trả khoản phí phạt 100 tỷ yên.

sát nhập honda nissan

Nếu gộp doanh thu hợp nhất của cả hai công ty trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2024, con số này sẽ đạt khoảng 33 nghìn tỷ yên (tương đương với 213 tỷ USD, tỷ giá 155). Lợi nhuận kinh doanh của Honda là 1.3819 nghìn tỷ yên, còn Nissan là 568.7 tỷ yên, tổng cộng gần 2 nghìn tỷ yên. Thông qua thương vụ sáp nhập này, cả hai hãng xe đặt mục tiêu nâng cao hiệu suất sinh lời và hướng tới mức lợi nhuận trên 3 nghìn tỷ yên.

Về số lượng xe bán ra trên toàn cầu, tổng cộng hai công ty đạt 7.35 triệu xe (tính theo dữ liệu năm 2023). Nếu bao gồm cả Mitsubishi Motors, con số này sẽ là 8.13 triệu xe. Điều này đưa liên minh mới này lên vị trí thứ ba thế giới, sau tập đoàn Toyota (11.23 triệu xe, bao gồm Daihatsu và Hino Motors) và Volkswagen (VW) Group của Đức (9.23 triệu xe).

Nếu việc sáp nhập quy mô lớn này được thực hiện, nó sẽ trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp Nhật Bản. Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi lớn chưa từng thấy trong 100 năm, với sự chuyển dịch sang xe điện (EV) và sự phát triển của công nghệ tự lái dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).

Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu về EV đang chậm lại so với dự đoán ban đầu. Các nhà sản xuất ô tô đang phải đối mặt với yêu cầu đầu tư kép, vừa phát triển xe thế hệ mới như EV, vừa duy trì sản xuất xe hybrid (HV) hiện có trong thời gian dài. Việc sáp nhập giữa Honda và Nissan sẽ giúp chia sẻ chi phí phát triển khổng lồ này.

Đánh giá

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

chế độ thực tập sinh kỹ năng mới

Nhật Bản đề xuất chế độ “thực tập sinh kỹ năng” mới

Nhật Bản đề xuất chế độ thực tập sinh kỹ năng mới và bãi bỏ chế độ thực tập sinh kỹ năng hiện tại, với mục đính đảm bảo nguồn nhân lực.

đăng ký tạo tài khoản mercari

Cách đăng ký tài khoản Mercari để mua đồ cũ online ở Nhật

Mercari là ứng dụng thông minh cho phép người dùng mua, bán những món đồ cũ cũng như mới qua mạng internet dễ dàng.

lý do giá yên giảm mạnh

Lý do giá yên giảm mạnh, ưu và nhược điểm khi yên thấp

Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ kèm theo mức chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản với quốc gia khác ngày càng gia tăng, đã gây áp lực bán tháo đồng yên.

ứng dụng gọi taxi số 1 ở nhật

Japan Taxi – ứng dụng gọi taxi số 1 ở Nhật

Japan taxi là ứng dụng gọi taxi qua điện thoại số 1 ở Nhật. Bài viết này sẽ chỉ cho mọi người cách đăng ký và cách sử dụng ứng dụng japan taxi ở Nhật.

công nghệ mạng 5g rakuten

Rakuten xuất khẩu công nghệ ảo hóa mạng cho công ty viễn thông ở Đức

Tập đoàn Rakuten Group vừa thông báo với truyền thông họ sẽ xuất khẩu công nghệ ảo hoá mạng cho một công ty ở Đức với số tiền ước tính lên tới 200 tỷ yên.

Chào các bạn! Mình là Anh, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã ở Nhật hơn 10 năm, đang sống ở Saitama và công việc chính hiện tại của mình là SE . Sở thích của mình là chơi thể thao, đi du lịch và đọc sách. Câu nói mà mình yêu thích nhất:”Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà Hạnh Phúc là một con đường” của thiền sư “Thích Nhất Hạnh”. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người.

error: Xin đừng copy em !!!