“Lễ thành nhân = 成人の日” ở Nhật Bản là một ngày lễ quốc gia, được thành lập để chào mừng và tôn vinh những người trưởng thành mới.
Thông thường, cứ vào ngày thứ Hai của tuần thứ 2 trong tháng Giêng, chính quyền địa phương ở Nhật Bản sẽ tổ chức “lễ thành nhân” để chào đón các thanh niên vừa đủ 20 tuổi.
Vậy tại sao Nhật Bản lại duy trì lễ thành nhân hàng năm? Lễ thành nhân mang lại ý nghĩa gì cho các thanh niên mới trưởng thành? Bài viết dưới đây Japan Life Guide Blog sẽ giới thiệu và giải thích chi tiết về ngày lễ thành nhân này.
MỤC LỤC
Ngày lễ thành nhân là gì?
Ngày lễ thành nhân có tên tiếng Nhật「成人の日 = Seijin no hi」là một ngày lễ quốc gia được tổ chức hàng năm nhằm chào mừng những người đã tự giác được rằng mình đã trở thành người lớn và phải tự mình nỗ lực, cố gắng để tồn tại.
Ngoài ra, lễ thành nhân được tổ chức với mục đích động viên những thanh niên này ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình với tư cách là một thành viên trong xã hội.
Lễ thành nhân ở Nhật Bản thường được tổ chức vào ngày thứ Hai của tuần thứ 2 của tháng Giêng hằng năm và buổi lễ sẽ được tổ chức tráng lệ tại tất cả các tỉnh thành trên toàn nước Nhật. Người tham dự lễ thành nhân không chỉ là những người vừa đủ 20 tuổi mà còn có sự hiện diện của gia đình hay bạn bè của họ.
Thanh niên Nhật mặc gì trong ngày lễ thành nhân?
Trên thực tế không có quy định nghiêm ngặt nào về nghi phục trong ngày lễ thành nhân, tuy nhiên đây là một buổi lễ trang trọng nên hầu hết mọi người đều lựa chọn trang phục đẹp để không khiến người khác phải khó chịu.
Nói về lễ thành nhân, có hơn 90% nữ giới tham gia nghi lễ này đều mặc furisode hoặc kimono truyền thống. Số người mặc quần áo bình thường như váy không phải là không có, nhưng rất hiếm. Trang phục Furisode mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, giải trừ những điều xấu. Từ xa xưa hành động vẫy「振る = Furu」được cho là hành động để cầu khẩn thần lình và xua đuổi tà ma. Bằng cách vẫy tay áo dài, người ta mong muốn rằng nó sẽ giúp xua đuổi những điều xui xẻo, sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc, không có bệnh tật và tai ương.
Về phía nam giới, có nhiều sự lựa chọn hơn nhưng đa phần những bộ vest lịch lãm, trẻ trung sẽ là sự lựa chọn hàng đầu cho buổi lễ thành nhân.
Nguồn gốc của ngày lễ thành nhân ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản, các nghi lễ chào mừng người trưởng thành đã xuất hiện từ các thời cổ đại, các cậu con trai sẽ được tham dự lễ kỷ niệm “Genpuku shiki” và các bé gái sẽ được tham dự lễ “Mogi”. Lễ thành nhân ngày nay ở Nhật Bản có nguồn gốc từ nghi thức cổ xưa “Genpuku Shiki” thời kỳ Nara.
Nghi lễ “Genpuku Shiki“ là một buổi lễ thành nhân được tổ chức trong phạm vi giữa những người đàn ông thuộc dòng dõi quý tộc và gia đình Samurai. Ban đầu “Genpuku Shiki” không có quy định về độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên từ thời kì Nara (710 – 794) đến thời kỳ Heian (794-1192) nghi lễ “Genpuku Shiki” được tổ chức cho những chàng trai có độ tuổi từ 13 đến 16. Trong buổi lễ “Genpuku Shiki” các chàng trai sẽ được đội lên đầu một chiếc vương miện hoặc một chiếc “mũ Eboshi”, quần áo và tóc tai sẽ được điều chỉnh để phù hợp với độ tuổi trưởng thành.
Mặt khác, về phía nữ giới có một nghi lễ gọi là “Mogi” được tổ chức để chào đón những thiếu nữ đã đến tuổi trưởng thành giữa các quý tộc trong triều đình. Ở thời điểm đó, những cô gái trong độ tuổi 10x bắt đầu hành kinh, thì sẽ được tham gia nghi lễ này.
Sự ra đời của lễ thành nhân hiện tại
Lễ thành nhân hiện tại được diễn ra ngay sau khi chiến tranh Thế Giới thứ hai kết thúc. Vào năm 1946,「青年際 = Lễ hội thanh niên」được tổ chức lần đầu tại thị trấn Warabi (hiện nay là thành phố Warabi) tỉnh Saitama.
Lễ hội thanh niên được tổ chức để khuyến khích những người trẻ tuổi sẽ dẫn dắt đất nước trong tương lai. Lễ hội này đã được chào đón nồng nhiệt và thu sút sự quan tâm từ khắp nơi trên Thế Giới. Kể từ đó thành phố Warabi được gọi là nơi ra đời của “lễ thành nhân” ngày hôm nay.
Nhìn thấy điều này chính phủ Nhật Bản đã chính thức ghi nhận và cho phép tổ chức “lễ thành nhân” trên phạm vi toàn quốc, để mỗi bạn trẻ nhận ra rằng mình đã trở thành người lớn và là một thành viên có trách nhiệm trong xã hội.
“Lễ thành nhân” hoành tráng là một sự kiện quốc gia chỉ có ở Nhật Bản. Vì vậy hàng năm “lễ thành nhân” thu hút rất nhiều sự quan tâm đến từ nước ngoài.
Ý nghĩa của ngày lễ thành nhân ở Nhật Bản
Theo lịch sử, trong thời kỳ hậu chiến tranh Thế giới lần thứ hai, các loại hàng hóa và lương thực, thực phẩm đều rất khan hiếm và cái mà Nhật Bản cần nhất lúc đó chính là “nhân lực“.
Vì lợi ích quốc gia, nhiều thanh niên trẻ tuổi đã xông pha ra chiến trường và hy sinh tại đó. Lúc đó, các quan chức tin rằng để xây dựng một quốc gia phát triển trong tương tai, cần có sự tham gia và đóng góp của toàn dân.
Do đó, ngày lễ thành nhân được chính phủ Nhật Bản ban hành ngay sau Thế chiến thứ hai. Nó mang ý nghĩa đánh thức những thanh niên đã đến tuổi trưởng thành. Bất kỳ ai cũng có thể làm lãnh đạo đất nước trong tương lai, vì vậy phải sống có trách nhiệm với đất nước và điều quan trọng nhất là phải biết được những suy nghĩ của những người đã đi trước.