Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi CPI (không bao gồm thực phẩm tươi sống) trong tháng 3 năm 2022 do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố là 100,9 điểm tăng 0,8% so với cùng tháng năm trước. Do điều kiện giá cả thị trường tăng cao và đồng yên mất giá, nên tốc độ và phạm vi tăng giá đối với thực phẩm (không bao gồm thực phẩm tươi sống) và năng lượng ngày càng mở rộng. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1 năm 2020 của chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi.
Chỉ số CPI tổng thể của Nhật Bản trong tháng 3 tăng 1,2% so với cùng tháng năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Giá thực phẩm tăng 2%
Giá thực phẩm nói chung (không bao gồm thực phẩm tươi sống) trong tháng 3 tăng 2,0%, tăng từ 1,6% của tháng trước, mức tăng cao nhất kể từ tháng 12 năm 2015. Cà phê hòa tan tăng 9,8% do giá hạt thô tăng và đồng yên giảm giá.
Dầu ăn tăng 34,7% do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và khô hạn ở khu vực sản xuất chính là Canada. Giá rau sạch tăng 11,3% trong đó nổi bật nhất là hành tây tăng 74,9%. Ngoài ra, do đồng yên giảm giá, giá các sản phẩm nhập khẩu như thịt bò đã tăng 10,4% so với tháng 3 năm trước.
Phí di động giảm 52,7%
Mặt khác, cước phí liên lạc đã giảm 52,7% đóng góp vào tổng CPI là âm 1,42 điểm, do các hãng điện thoại lớn trong nước giảm giá cước. Biên độ âm so với cùng kỳ năm trước được thu hẹp so với mức 53,6% của tháng trước, điều này đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi tăng lên.
Bộ Nội vụ và Truyền thông cho rằng nếu không có tác động này, nếu tính toán sơ qua chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi CPI của Nhật Bản trong tháng 3 có thể sẽ tăng hơn 2%.
Giá năng lượng tăng 20,8%
Giá năng lượng nói chung trong tháng 3 tăng 20,8%, tiếp tục tăng so với mức tăng 20,5% trong tháng trước. Đây là mức tăng giá kỷ lục được ghi nhận kể từ tháng 1 năm 1981. Giá điện tăng 21,6%, đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3 năm 1981, trong khi mức độ tăng trưởng của giá xăng đã thu hẹp lại so với mức 22,2% của tháng trước và tăng 19,2% so với tháng 3 năm 2021.
Đối với lĩnh vực năng lượng, chính phủ đã trợ cấp cho các nhà buôn xăng dầu với mức 25 yên/lít nên mức độ tăng giá đã được thu hẹp lại so với tháng trước.
Tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản, một trong những yếu tố mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ xem xét trong cuộc họp chính sách vào tháng 4, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương đề ra. Với bối cảnh giá cả trì trệ sau nhiều thập kỷ đang diễn ra ở Nhật Bản như hiện tại, BOJ vẫn cam kết thực hiện các “chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo” vì họ tin rằng lạm phát hiện tại là hiện tượng xảy ra nhất thời do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhật Bản.
Theo: Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản