“Thập kỷ mất mát” của Nhật Bản, những bài học rút ra

Update: 1095 lượt xem

Trong suốt thập kỷ 1990, Nhật Bản đã trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, khi các sự kiện tiêu cực liên tiếp xảy ra và đẩy nền kinh tế nước này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Thời kỳ này được gọi là “Thập kỷ mất mát = 失われた10年“, vì Nhật Bản đã trải qua một chuỗi sự kiện kinh tế tiêu cực, bao gồm sự suy thoái kinh tế, sụp đổ của các công ty và ngân hàng kèm theo tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, từ những thất bại này, Nhật Bản đã rút ra nhiều bài học và đưa ra những cách tiếp cận đổi mới để vượt qua khủng hoảng kinh tế. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu những bài học quý giá mà chúng ta có thể học được từ thập kỷ mất mát của Nhật Bản.

Thập kỷ mất mát của Nhật Bản

Trong những năm 1985, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đứng thứ hai thế giới với 1.380 tỷ USD, sau Mỹ với GDP lên tới 4.340 tỷ USD. Thời đó, tổng GDP toàn thế giới là 12.400 tỷ USD, Mỹ chiếm khoảng 35% và Nhật Bản ở vị trí thứ hai cũng chiếm khoảng 12%. Nhưng sự huy hoàng đó đã kết thúc vào đầu những năm 1990, khi bong bóng kinh tế bùng nổ và rơi vào một cuộc suy thoái trầm trọng.

Thập kỷ mất mát của Nhật Bản được gọi là “失われた10年”, là một thời kỳ kinh tế khó khăn kéo dài từ năm 1990 đến năm 2001. Thập kỷ này bắt đầu sau khi thị trường tài sản tăng trưởng quá nóng vào những năm 1980, khi Nhật Bản trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã giảm khoảng 60% trong khoảng thời gian từ cuối năm 1989 đến tháng 8 năm 1992. Ngoài ra, giá bất động sản cũng giảm liên tục trong những năm 1990, vào năm 2001 giá bất động sản ở Nhật đã giảm khoảng 70% đáng kinh ngạc.

Thập kỷ mất mát này đã gây ra nhiều tác động xấu cho đất nước Nhật Bản, bao gồm tăng mức thất nghiệp và giảm lợi nhuận của hàng loạt các công ty, ảnh hưởng đến nền kinh tế của Nhật Bản trong nhiều năm sau đó. Từ năm 1991 đến năm 2003, nền kinh tế Nhật Bản (tính theo GDP) chỉ tăng trưởng trung bình khoảng 1,14% mỗi năm, thấp hơn nhiều so với các quốc gia công nghiệp hóa khác.

Nguyên nhân xảy ra thập kỷ mất mát của Nhật Bản

Có thể nói nguyên nhân chính xảy ra “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản đó là do “bong bóng kinh tế”, chỉ số chứng khoán Nikkei đã tăng liên tục trong 2 năm 1988 – 1989. Vậy tại sao “bong bóng kinh tế” không tồn tại lâu dài và lại sụp đổ vào thời điểm đó?

1. Chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhật Bản

Trên thực tế, ngay trước bong bóng kinh tế, nền kinh tế Nhật Bản đã phải hứng chịu một cuộc suy thoái chưa từng có do đồng yên tăng giá, giai đoạn từ năm 1986 đến khoảng mùa hè năm 1987. Sau “Hiệp định Plaza” đồng yên tăng giá một cách mạnh mẽ, khiến các công ty lớn ở Nhật Bản như Toyota và Sony mất khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Thời điểm đó, chính phủ và giới kinh doanh vô cùng lo lắng rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ suy sụp nếu tình trạng này tiếp diễn. Do đó, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một loạt các biện pháp kinh tế, đồng thời Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) cũng đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn vào năm 1986.

thập kỷ mất mát của nhật bản
Chính sách tiền tệ của BOJ được cho là không hợp lý tại thời điểm đó

BOJ đã hạ lãi suất từ 5% (năm 1985) xuống còn 3% thông qua 4 lần giảm 0.5% vào các tháng 1,3,4 và tháng 11 năm 1986. Từ đó, việc vay tiền trở nên dễ dàng hơn, các quỹ thặng dư được tạo ra bằng cách tiếp tục vay tiền, các công ty bắt đầu mua đất đai và cổ phiếu một cách đầu cơ để kiếm lời, thay vì đầu tư vào hoạt động kinh doanh chính của họ. Bởi vì có quá nhiều người mua nên đất đai, cổ phiếu và giá cả đều tăng vọt lên, chỉ trong năm 1986, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã tăng gần 50%. Và kể từ đó bong bóng kinh tế Nhật Bản đã xuất hiện.

Tuy nhiên, việc giá bất động sản và chứng khoán tăng giá quá nóng đã gây ra nhiều vấn đề xã hội, chẳng hạn như thuế thừa kế tài sản đã tăng theo giá đất đai. Giữa hàng loạt các điều kiện kinh tế ở trên, vào năm 1989 BOJ đã thay đổi chính sách tiền tệ một cách đột ngột từ trạng thái nới lỏng sang thắt chặt tiền tệ, đến tháng 8 năm 1990 lãi suất đã tăng lên mức 6%, mức cao nhất vào thời điểm đó.

2. Chính sách kinh tế: Siết chặt tín dụng bất động sản

Cùng với việc BOJ thay đổi chính sách tiền tệ đột ngột, vào tháng 3 năm 1990 Bộ Tài chính Nhật Bản cũng đã ban hành và áp dụng biện pháp “Siết chặt tín dụng bất động sản = 不動産融資総量規制” đối với các tổ chức tài chính trên toàn Nhật Bản. Mục đích là để kiềm chế sự gia tăng của các khoản vay đổ vào giao dịch bất động sản, nhằm hạ nhiệt sự đầu cơ bất thườnghạn chế sự phát triển quá nhanh của thị trường bất động sản. Biện pháp “Siết chặt tín dụng bất động sản” bao gồm hai nội dung chính như sau:

  • Siết chặt tổng lượng (総量規制): Giữ tốc độ tăng trưởng việc cho vay bất động sản thấp hơn tốc độ tăng trưởng tổng lượng cho vay, áp dụng từ ngày 27/3/1990.
  • Quy định 3 ngành (三業種規制): Yêu cầu báo cáo thực trạng cho vay đối với ngành bất động sản, ngành xây dựng và tổ chức phi ngân hàng.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng đã ban hành “Luật đất đai cơ bản” hay còn gọi là luật đất đai lần đầu tiên vào cuối năm 1989 và sau đó họ cho biết sẽ áp dụng thuế giá trị đất (LVT) để đánh thuế quyền sở hữu đất đai kể từ năm 1991.

Hệ quả là giao dịch bất động sản, chứng khoán đột ngột đình trệ, trên thị trường lúc đó chỉ có người bán mà không có người mua. Đến năm 1990, giá đất và giá chứng khoán giảm mạnh, chỉ số chứng khoán Nikkei đã giảm đột ngột gần 50% và kể từ đó bong bóng kinh tế Nhật Bản đã nổ tung. Biện pháp siết chặt tín dụng bất động sản đã không mang lại hiệu quả như đã kỳ vọng, do đó Bộ Tài chính đã huỷ bỏ biện pháp này vào ngày 20/12/1991, sau khoảng 1 năm 9 tháng siết chặt tín dụng. Nhưng đã quá muộn, các ngân hàng đồng loạt ngập trong nợ xấu, giá cả giảm liên tục đã khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào khủng hoảng và trì trệ.

3. Thị trường lao động

Từ nửa cuối những năm 1990, để cải thiện hiệu suất hoạt động kinh doanh (trả các khoản vay nợ có lãi nhanh nhất có thể) nhiều doanh nghiệp đã ngưng tuyển dụng nhân viên mới trong nhiều năm, đồng thời cắt giảm nhân sự hoặc cắt giảm thời gian làm việc của nhân công. Điều này đã gây ra việc mất cân bằng cung cầu trên thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Từ năm tài chính 1993 đến năm 2002, những sinh viên mới tốt nghiệp (đại học, cao đẳng, chuyên môn) đã phải trải qua một đợt “Kỷ băng hà việc làm“. Việc tìm kiếm việc làm đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết và thị trường lao động bị ảnh hưởng mạnh mẽ trong suốt giai đoạn này.

thập kỷ mất mát của nhật
Các yếu tố liên quan đến Thập kỷ mất mát của Nhật Bản (Graph: reitei.go.jp)

Nhìn vào biểu đồ phía trên, có thể thấy rằng “sự biến dạng của đầu vào lao động” là một trong những yếu tố bóp méo nền kinh tế Nhật Bản lúc đó. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của đất nước này đã giảm sút đáng kể. Trong giai đoạn từ năm 1991-2000, tỷ lệ tăng trưởng trung bình của GDP bình quân đầu người ở Nhật Bản chỉ ở mức 0,5% mỗi năm (giai đoạn từ năm 1980-1988 tăng trưởng trung bình 3%).

Học được gì từ thập kỷ mất mát của Nhật Bản

Thập kỷ mất mát của Nhật Bản là một thời kỳ khó khăn trong lịch sử kinh tế của đất nước này, nhưng nó cũng đã giúp Nhật Bản và Thế Giới học được nhiều bài học quan trọng.

1. Cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn khủng hoảng

Với bối cảnh lạm phát tăng cao, đặc biệt là lạm phát giá tài sản đã vượt ngoài tầm kiểm soát, cuối cùng BOJ đã chịu can thiệp, thực hiện tăng lãi suất vào tháng 5 năm 1989 (1 tháng sau khi chính phủ Nhật Bản áp đặt thuế tiêu dùng 3%). Nhưng ở nhiều khía cạnh, việc thắt chặt tiền tệ là quá ít và quá muộn. Đến cuối năm 1989, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã tăng vọt lên gần ¥39.000 (ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại) và giá đất ngoại thành Tokyo vẫn tiếp tục tăng cho đến ít nhất là năm 1991.

Đến tháng 8 năm 1990, khi BOJ thực hiện đợt tăng lãi suất lần thứ năm, chỉ số Nikkei đã giảm mạnh khoảng 50% so với mức đỉnh trước đó. Giá đất bắt đầu sụt giảm vào năm 1991, với giá thương mại, nhà ở và công nghiệp trung bình trên 6 thành phố lớn của Nhật Bản giảm 15,5% trong năm.

Đến tháng 7 năm 1991, khi nhận thấy nền kinh tế đang bất ổn và sụp đổ, BOJ chuyển trạng thái từ thắt chặt sang nới lỏng và thực hiện giảm lãi suất lần thứ nhất với 0,5% (từ 6% xuống còn 5,5%). Sau đó, các lần cắt giảm lãi suất tiếp theo đã được BOJ thực hiện vào tháng 11 (giảm 0,5% xuống 5%), tháng 12 (giảm 0,5% xuống 4,5%), tháng 4 năm 1992 (giảm 0,75% xuống 3,75%) và tháng 7 năm 1992 (giảm 0,5% xuống còn 3,25%). Một lần nữa, BOJ bị phê phán việc giảm lãi suất là quá muộn màng và tốc độ giảm lãi suất là không đủ.

2. Đòn bẩy tài chính không phải lúc nào cũng tốt

Thập kỷ mất mát của Nhật Bản đã cho thấy rằng quản lý tài chính và tín dụng là rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.

Cuộc khủng hoảng kinh tế Nhật Bản đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và đầu tư vào nước này trong suốt thập kỷ, dẫn đến thời kỳ giảm phát kéo dài. Xu hướng phá sản giảm dần vào cuối những năm 1980 đã đảo ngược mạnh vào đầu những năm 1990, với nhiều tập đoàn cho vay mua nhà ở được gọi là Jusen cũng phá sản.

Bằng cách cho vay tự do, vay quá mức vào những lĩnh vực như vậy trong thời kỳ thuận lợi, các ngân hàng đã phải gánh một núi nợ khổng lồ sau khi bong bóng tài sản nổ tung. Nhiều ngân hàng chịu tổn thất nặng nề do các công ty và nhà đầu tư có đòn bẩy tài chính cao không trả được nợ, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Nhiều ngân hàng buộc phải sáp nhập để gom các khoản nợ xấu này.

Mặc dù các ngân hàng đã được cấp quỹ công để cơ cấu lại bảng cân đối kế toán của mình, nhưng họ đã không làm như vậy vì sợ bị kỳ thị liên quan đến việc tiết lộ những khoản lỗ được che giấu từ lâu và sợ mất quyền kiểm soát vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

3. Giữ chân khách hàng

Sau sự sụp đổ của bong bóng kinh tế Nhật Bản, các công ty sản xuất công nghiệp đã nhận ra rằng khách hàng là nguồn tài nguyên khan hiếm. Trong số những người đầu tiên nhìn thấy điều này là các công ty ô tô Nhật Bản, họ cho rằng “giữ chân khách hàng” là chiến lược cốt lõi đặc biệt có giá trị khi mà nhu cầu về ô tô mới đang giảm mạnh.

Tại thị trường nội địa, các hãng ô tô Nhật Bản chú trọng đến doanh thu hạ nguồn bao gồm: bảo hiểm, cho vay, kiểm tra, bảo trì, phụ tùng và phụ kiện. Những nguồn doanh thu đó, ổn định ngay cả trong thời kỳ suy thoái. Ở thị trường nước ngoài, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cung cấp những chiếc “xe chất lượng cao đã qua sử dụng” làm vũ khí chống lại những chiếc ô tô mới giá rẻ được giới thiệu bởi các đối thủ châu Á mới nổi.

Bằng cách thực hiện triệt để chiến lược “giữ chân khách hàng“, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản đã tạo ra nguồn doanh thu ổn định và có thể đứng vững trong suốt thập kỷ mất mát này.

Tóm tắt

Trong thập niên 1990, Nhật Bản đã trải qua một giai đoạn kinh tế khó khăn, được gọi là “thập kỷ mất mát“. Lý do chính là do các bong bóng tài sản, đặc biệt là bong bóng bất động sản và chứng khoán, đã phát triển quá mức. Kết quả là sau khi các bong bóng này vỡ, nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái và khó khăn trong nhiều năm. Thậm chí hệ quả của nó vẫn còn đọng lại cho đến ngày nay, khi mà chỉ số chứng khoán Nikkei chưa thể quay lại mức cao nhất lịch sử đã ghi nhận ở cuối năm 1989.

Tuy nhiên, thập kỷ mất mát của Nhật Bản đã mang lại cho Thế giới nhiều bài học quý giá về kinh tế, tầm quan trọng của sự ổn định tài chính.

Tài liệu tham khảo: BOJ, REITI, Shikiho

Đánh giá

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

đăng ký wifi con chó

Hướng dẫn đăng ký wifi con chó Softbank Air 2020

Softbank Air là loại mạng wifi di động chỉ cần sử dụng cục phát mà không phải thi công đường mạng hay kéo cáp. Đây là loại wifi mà rất đông đảo du học sinh người ngoại quốc đăng ký sử dụng vì tính năng tiện lợi và linh động của nó.

cách hẹn giao lại đồ của yamato

Hẹn giao lại đồ Yamato qua internet ở Nhật

Hướng dẫn cách hẹn ngày giờ giao lại đồ yamato ở Nhật qua internet dễ hiểu nhất.

cải cách thuế ở nhật

Cải cách thuế năm 2024 ở Nhật Bản, ai cũng nên biết

Chính phủ đã công bố đại cương cải cách thuế cho năm 2024 ở Nhật Bản. Nội dung gồm giảm thuế, tăng trợ cấp, nới rộng khấu trừ và tăng lương.

sàn giao dịch LINE NFT

LINE mở sàn giao dịch NFT, bán hơn 100 tác phẩm kỹ thuật số

LINE, công ty cung cấp ứng dụng tin nhắn sẽ bắt đầu cung cấp sàn giao dịch NFT kể từ ngày 14 tháng 3, dự kiến sẽ có 100 sản phẩm kỹ thuật số.

lỗi khi đăng ký nhận 10 man online

Những lỗi thường gặp khi đăng ký nhận trợ cấp 10 man online

Tổng hợp những lỗi thường gặp khi sử dụng thẻ My Number để đăng ký nhận tiền trợ cấp 10 man online.

Chào các bạn! Mình là Anh, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã ở Nhật hơn 10 năm, đang sống ở Saitama và công việc chính hiện tại của mình là SE . Sở thích của mình là chơi thể thao, đi du lịch và đọc sách. Câu nói mà mình yêu thích nhất:”Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà Hạnh Phúc là một con đường” của thiền sư “Thích Nhất Hạnh”. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người.

error: Xin đừng copy em !!!