Hàng loạt các doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận, nhờ chênh lệch tỷ giá yên so với đồng đô la. Nhiều doanh nghiệp cho rằng tỷ giá hối đoái sẽ ở mức khoảng 130 yên đổi 1 USD cho năm tài khoá 2023. Nếu tỷ giá hối đoái tiếp tục dao động quanh mốc 150 yên đổi 1 USD, 20 doanh nghiệp trụ cột trong nước sẽ chứng kiến lợi nhuận tăng thêm gần 2 nghìn tỷ yên (khoảng 13,3 tỷ USD).
Trọng tâm sẽ là liệu sự tăng trưởng lợi nhuận do đồng yên yếu này có thể dẫn đến việc mở rộng đầu tư tăng trưởng, hoàn trả lợi nhuận cổ đông và tăng lương cho nhân viên hay không. Mặc dù chi phí sẽ tăng lên đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hay chi tiêu hộ gia đình nhưng nhìn chung vẫn có một luồng gió thuận chiều đáng chú ý đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Theo công ty chứng khoán Daiwa Securities, việc đồng yên mất giá 1 yên so với đồng đô la và đồng euro sẽ đẩy lợi nhuận trước thuế của 200 công ty hàng đầu Nhật Bản lên khoảng 0,4% trong năm tài chính 2023.
Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi lớn
Tác động được ước tính dựa trên độ nhạy tỷ giá hối đoái và tỷ giá ước tính với 20 doanh nghiệp trụ cột ở Nhật Bản. Trong đó có 7 công ty ô tô, 7 công ty thiết bị, 3 công ty máy điện và 3 công ty máy móc/công nghiệp nặng. Theo tính toán của Nikkei, kể từ ngày 24/10 giả định tỷ giá 1 USD = 150 JPY và 1 EUR = 160 JPY, thì 20 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản sẽ tạo ra thêm được khoảng 2.000 tỷ yên (2兆円) nhờ chênh lệch tỷ giá.
Do đó, nếu không có gì bất ngờ, dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 20% cho năm tài chính 2023. Ngành nghề hưởng lợi lớn nhất đó chính là ô tô, 7 công ty lớn trong lĩnh vực này chiếm khoảng 1.600 tỷ yên. Trong đó, nổi bật nhất là tập đoàn Toyota, dự kiến họ sẽ thu về được 890 tỷ yên lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh của hãng sản xuất ô tô này sẽ tăng thêm 45 tỷ yên, nếu đồng yên mất giá 1 yên so với đồng đô la. Hiện nay thị trường đặt nhiều kỳ vọng cho sự cải thiện lợi nhuận của Toyota với dự báo lợi nhuận hoạt động kinh doanh lên đến 4 nghìn tỷ yên cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2024.
Theo QUICK, có đến 60% công ty niêm yết áp dụng mức tỷ giá trong phạm vi từ 130 – 134 yên đổi một đô la và 10% công ty áp dụng tỷ giá từ 125 – 129 yên đổi lấy một đô la, cho năm tài chính 2023. Nếu đồng Yên tiếp tục dao động ở mức hiện tại, dự kiến nhiều doanh nghiệp niêm yết trên phân khúc thị trường Prime sẽ ghi nhận mức lợi nhuận ròng cao kỷ lục năm thứ 3 liên tiếp.
Doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn
Mặt khác, việc đồng yên mất giá kéo dài có nguy cơ làm giảm hiệu quả kinh doanh của các công ty nhập khẩu do chi phí tăng lên. Theo tổ chức nghiên cứu Tokyo Shoko Research, tính từ đầu năm nay đến hết tháng 9 đã có tổng cộng 38 vụ phá sản liên quan đến việc đồng yên suy yếu. Hầu hết các công ty nhập khẩu đã đối phó bằng cách tăng giá sản phẩm, nhưng việc tăng giá hơn nữa có thể dẫn đến sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Đối với Nitori Holdings, công ty sản xuất và nhập khẩu 90% sản phẩm của mình ở nước ngoài, việc đồng yên mất giá 1 yên so với đồng đô la là một yếu tố khiến lợi nhuận trước thuế hàng năm giảm đi 2 tỷ yên.
Tập đoàn Sony phải đối mặt với những trở ngại trong một số hoạt động kinh doanh do đồng yên mất giá so với đồng đô la, nhưng lại tích cực so với đồng euro. Việc giảm giá 1 yên so với đồng euro sẽ làm tăng lợi nhuận thêm 8 tỷ yên ở ba lĩnh vực kinh doanh: trò chơi, chất bán dẫn và điện tử.
Sử dụng lợi nhuận như thế nào cho hợp lý?
Như đã đề cập ở đầu bài viết, các doanh nghiệp xuất khẩu hầu như được hưởng lợi lớn từ việc đồng yên mất giá, tuy nhiên việc họ sử dụng khoản lợi nhuận đó như thế nào đang là mối quan tâm của giới đầu tư.
Không chỉ lĩnh vực xuất khẩu mà tất cả các công ty niêm yết đều đang cố gắng nổ lực tăng lợi nhuận cổ đông để đáp ứng yêu cầu từ Sở giao dịch chứng khoán đề ra nhằm cải thiện tỷ lệ P/B. Dự kiến mức chi trả cổ tức cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2024 sẽ đạt mức cao kỷ lục với 15 nghìn tỷ yên.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản, tỷ lệ chi trả cổ tức và mua lại cổ phần (自社株買) trên tổng lợi nhuận ròng chỉ khoảng 40%, chỉ bằng một nửa so với ở Mỹ là 80% và thấp hơn nhiều so với châu Âu (khoảng 60%). Điều này có thể thu hút thêm nhà đầu tư từ nước ngoài đối với doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo các nhà phân tích của Nikkei News, ngoài các khoản đầu tư tăng trưởng như đầu tư vốn, chi phí R&D và M&A thì việc đầu tư vào con người như tăng lương và đào tạo lại kỹ năng giúp đảm bảo nguồn nhân lực tài năng cũng rất cần thiết. Nếu các công ty có thể tăng các khoản đầu tư như vậy ngay cả khi môi trường kinh doanh ngày càng trở nên bất ổn, điều đó có thể dẫn đến giá trị doanh nghiệp tăng lên và sự hồi sinh của nền kinh tế trong nước.
Xem thêm: Các bài học rút ra từ thập kỷ mất mát của Nhật Bản