Mối quan hệ, ảnh hưởng của BOJ đến Thị trường chứng khoán Nhật

Postdate: 1422 lượt xem

Thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là nơi hấp dẫn để đầu tư tài sản và là phương tiện quan trọng để các doanh nghiệp huy động vốn. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và chính sách của Ngân hàng trung ương là một trong những yếu tố có tác động lớn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về mối quan hệ và ảnh hưởng của BOJ đến thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Tổng quan về Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)

日本銀行 – Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan = BOJ) là Ngân hàng Trung ương duy nhất ở Nhật Bản. BOJ là một tổ chức được cấp phép theo định nghĩa của “Đạo luật Ngân hàng Nhật Bản” và hoạt động hoàn toàn độc lập với chính phủ Nhật Bản.

Lịch sử hình thành ngân hàng Nhật Bản

ngân hàng nhật bản
Trụ sở chính của ngân hàng Nhật Bản (image: hshkさん)

Kể từ thời Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản đã tích cực theo đuổi chính sách thúc đẩy công nghiệp, nhưng nền tảng tài chính của chính phủ chưa được cũng cố vững chắc nên chỉ còn cách dựa vào việc phát hành tiền pháp định (Fiat Money) để huy động vốn. Trong hoàn cảnh đó, Chiến tranh Tây Nam (西南戦争 = Seinan Senso) đã xảy ra vào tháng 2 năm 1877, một lượng lớn tiền pháp định của chính phủ và tiền giấy ngân hàng quốc gia được phát hành để trang trải chi phí chiến tranh, khiến giá hàng hóa tăng mạnh và tình trạng lạm phát nghiêm trọng đã xảy ra.

Vào năm 1881, Masayoshi Matsukata (Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó), đã thành lập một ngân hàng trung ương để quản lý nguồn cung tiền. Sau đó vào tháng 6 năm 1882, Sắc lệnh Ngân hàng Nhật Bản được ban hành và vào ngày 10 tháng 10 cùng năm, Ngân hàng Nhật Bản đã chính thức bắt đầu đi vào hoạt động.

Nhiệm vụ và vai trò của BOJ trong kinh tế Nhật Bản

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có nhiệm vụ và vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế của Nhật Bản. BOJ đặt ra hai mục tiêu là “ổn định giá cả” và “ổn định hệ thống tài chính“.

  • Ổn định giá cả (物価の安定): là nền tảng thiết yếu để đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, và Ngân hàng Nhật Bản đóng vai trò đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế quốc gia.
  • Ổn định hệ thống tài chính (金融システムの安定):đóng góp vào sự ổn định của hệ thống tài chính (duy trì trật tự tín dụng) bằng cách đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động trơn tru và ổn định.

Để đạt được hai mục tiêu này BOJ tiến hành nhiều hoạt động khác nhau, như sau.

1. Phát hành, lưu thông và quản lý tiền giấy

BOJ với tư cách là tổ chức tài chính duy nhất phát hành tiền giấy tại Nhật Bản, họ có nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung tiền giấy ổn định thông qua việc tiếp nhận và thanh toán tiền giấy từ các tổ chức tài chính. BOJ cũng tiến hành các hoạt động để đảm bảo niềm tin của công chúng vào tiền giấy, chẳng hạn như kiểm tra số lượng tiền giấy, thẩm định tính xác thực và xác định khả năng tái lưu thông của tiền ,v.v.

2. Cung cấp các dịch vụ liên quan đến thanh toán

  • Mở tài khoản vãng lai cho các tổ chức tài chính và vận hành hệ thống thanh toán liên ngân hàng.
  • Vận hành hệ thống quyết toán cho thị trường trái phiếu chính phủ

BOJ cung cấp hệ thống thanh toán Bank of Japan Net (BOJ – NET) bao gồm hai bộ phận chính đó là: Hệ thống chuyển tiền BOJ-NET và hệ thống quyết toán trái phiếu chính phủ (JGB).

BOJ chấp nhận tiền gửi tài từ các tổ chức tài chính có tài khoản vãng lai (当座預金 = Current Accounts) và cung cấp hệ thống BOJ-NET để giải quyết các giao dịch liên ngân hàng thông qua phương thức chuyển tiền từ các tài khoản vãng lai của các tổ chức tài chính được mở tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

3. Thực hiện chính sách tiền tệ

BOJ quyết định và thực hiện chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu duy trì “ổn định giá cả” từ đó góp phần vào sự phát triển vững mạnh mạnh của nền kinh tế quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, BOJ tác động đến việc hình thành lãi suất trên thị trường tài chính và lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính bằng các công cụ hoạt động của mình, chẳng hạn như mua trái phiếu chính phủ hay cung cấp vốn cho thị trường tài chính.

Hiện nay, nhiều ngân hàng trên Thế giới đã thực hiện thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening – QT) để đối phó với lạm phát. Tuy nhiên, BOJ vẫn kiên quyết và tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn nhằm đạt mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2%. Nhìn vào dữ liệu phía dưới, nền kinh tế Nhật Bản đã được cải thiện thông qua chính sách lãi suất thấp của BOJ.

ảnh hưởng của boj đến thị trường chứng khoán
Ảnh hưởng của chính sách tiền tệ (BOJ)

Trước đó từ tháng 4 năm 2013, BOJ đã thực hiện chính sách “nới lỏng định lượng và định tính” (Quantitative and Qualitative Easing – QQE), họ bơm một lượng lớn đồng yên vào nền kinh tế, chủ yếu bằng cách mua lại trái phiếu chính phủ và thực hiện chính sách lãi suất âm. Mục đích là để gây ra lạm phát và khuyến khích chi tiêu. Tuy nhiên, chính sách này không mang lại nhiều hiệu quả, do đó vào tháng 9 năm 2016, BOJ đã cho ra mắt chính sách “kiểm soát đường cong lợi suất” (Yield Curve Control = YCC). YCC là một nỗ lực của BOJ nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay bằng cách đảm bảo chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn khi các ngân hàng vaylãi suất dài hạn khi họ cho vay.

4. Nỗ lực ổn định hệ thống tài chính

BOJ tiến hành kiểm tra tại chỗ và giám sát bên ngoài các tổ chức tài chính để kiểm tra tình trạng hoạt động kinh doanh, tình trạng quản lý rủi ro, mức độ đủ vốn và khả năng sinh lời của họ. Dựa trên thông tin thu thập được, BOJ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp cho các tổ chức tài chính. Đồng thời BOJ cũng khuyến khích các tổ chức tài chính duy trì và cải thiện tính ổn định, vững mạnh trong kinh doanh.

Ngoài ra, với vai trò là người cho vay cuối cùng, BOJ cung cấp vốn cần thiết cho các tổ chức tài chính khi họ gặp phải tình trạng thiếu vốn tạm thời. Biện pháp này nhằm ngăn chặn rủi ro, vì có thể nếu một tổ chức tài chính nào đó phá sản thì các tổ chức tài chính khác cũng sẽ gặp rủi ro, gây gián đoạn hoặc rắc rối cho chuỗi thanh toán.

5. Xử lý các công việc quốc gia, công việc liên quan đến giao dịch của chính phủ

Tuy hoạt động độc lập với chính phủ Nhật Bản nhưng BOJ cũng xử lý các công việc liên quan đến chính phủ, do đó nhiều lúc BOJ cũng được gọi là Ngân hàng chính phủ.

  • Kho bạc nhà nước: ①Tiếp nhận, giải ngân và hạch toán quỹ quốc gia, ② Quản lý tiền gửi của chính phủ, ③ Nhận, thanh toán, lưu ký chứng khoán chính phủ.
  • Trái phiếu chính phủ (JGB): ①Phát hành JGB, ② Chuyển khoản – ghi sổ JGB, ③ Thanh toán tiền góc và lãi suất cho JGB.
  • Giao dịch chính phủ: Thực hiện các giao dịch như mua và bán trái phiếu chính phủ với đối tác là chính phủ Nhật Bản.

Ngoài ra, BOJ cũng thực hiện “can thiệp ngoại hối” trên thị trường ngoại hối dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài Chính. Mục đích của việc BOJ can thiệp ngoại hối là hạn chế những biến động đột ngột của tỷ giá hối đoái và giúp ổn định giá trị đồng yên Nhật. Vì can thiệp ngoại hối liên quan đến việc mua và bán giữa các loại tiền tệ, nên cần có các quỹ ngoại hối như đồng yên và đô la để thực hiện. Đối với BOJ sẽ sử dụng tiền từ “Quỹ ngoại hối đặc biệt – Foreign Exchange Fund Special Account” do Bộ Tài Chính thẩm quyền, để can thiệp ngoại hối.

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài Chính, dự trữ ngoại hối ở Nhật Bản đã giảm xuống còn 1,23 nghìn tỷ USD (tại thời điểm cuối tháng 2 năm 2023). Trước đó, vào tháng 10 năm 2022, chính quyền Nhật Bản đã chi tổng cộng gần 6,35 nghìn tỷ yên vào các hoạt động can thiệp ngoại hối (bán USD mua JPY) để hỗ trợ cho đồng yên.

6. Nghiệp vụ tài chính quốc tế

Ngân hàng Nhật Bản tiến hành các hoạt động tài chính quốc tế, chẳng hạn như giao dịch ngoại hối, cũng như hợp tác và hỗ trợ các ngân hàng trung ương nước ngoài hay các tổ chức quốc tế đầu tư vào đồng yên.

Ngoài ra, thông qua việc tham gia các hội nghị quốc tế khác nhau (như G20, G7, ASEAN+3 ,v.v.) với sự có mặt của các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia, BOJ tham gia thảo luận về tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu và các biện pháp để đảm bảo sự bình ổn của thị trường tài chính.

Ảnh hưởng của BOJ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản

Nhìn vào sơ đồ phía dưới, chính sách tiền tệ của BOJ có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản.

ảnh hưởng của boj đến thị trường chứng khoán
Ảnh hưởng của BOJ đến thị trường chứng khoán
  1. Kênh lãi suất: BOJ đang thực hiện chính sách lãi suất âm, do đó các DN sẽ giảm bớt được chi phí huy động vốn (lãi vay ngân hàng) từ đó sẽ mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh. Ngược lại, nếu BOJ tăng lãi suất, chi phí vay vốn của doanh nghiệp tăng lên, làm giảm khả năng đầu tư và mở rộng sản xuất.
  2. Kênh giá tài sải: Khi lãi suất chính sách giảm tỷ lệ chiết khấu sẽ giảm theo (BOJ sẽ mua lại chứng khoán trên thị trường), do đó giá trị các tài sản tài chính của DN sẽ tăng lên. Có nghĩa là giá trị tài sản ròng của các DN sẽ tăng lên. BOJ đã nhiều năm thực hiện chương trình đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ
  3. Kênh tín dụng : Khi giá trị tài sản của các DN tăng lên, họ sẽ có nhiều tài sản thế chấp cho các khoản vay. Vì vậy khả năng vay vốn của DN tăng lên, có nghĩa là họ sẽ huy động được thêm nhiều vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
  4. Kênh tỷ giá hối đoái: Khi BOJ thực hiện nới lỏng tiền tệ, cung tiền nội tệ sẽ tăng lên làm cho đồng Yên giảm giá trị so với đồng tiền của các quốc gia khác. Khi đồng Yên rẻ, hàng hóa trong nước sẽ rẻ hơn so với hàng hóa nước ngoài, do đó sản lượng xuất khẩu sẽ tăng lên đồng thời cán cân thương mại cũng sẽ được cải thiện. Tóm lại, khi đồng Yên rẻ các DN xuất khẩu sẽ được hưởng lợi và ngược lại.

Tác động của BOJ đến kinh tế và các chính sách phát triển của Nhật Bản

Nhìn chung Ngân hàng Nhật Bản có tác động lớn đến nên kinh tế và các chính sách phát triển của Nhật Bản thông qua các quyết định về “chính sách tiền tệ”. Tại các cuộc họp Chính sách tiền tệ (MPM) được tổ chức 4 lần 1 năm (tháng 1, tháng 4, tháng 7 và tháng 10), BOJ sẽ quyết định nội dung và công bố “Báo cáo triển vọng = 展望レポート” về nền hoạt động kinh tế và giá cả của Nhật Bản.

Nếu BOJ giảm lãi suất, các tổ chức tài chính (TCTC) sẽ có thể huy động vốn với lãi suất thấp hơn, vì vậy các NHTM sẽ có thể giảm lãi suất cho các khoản vay đối với các doanh nghiệp và cá nhân. Ngoài ra, do các thị trường tài chính liên kết với nhau nên không chỉ lãi suất cho vay của các TCTC mà lãi suất của các doanh nghiệp trực tiếp huy động vốn từ thị trường dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ giảm theo. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc vay vốn và nó cũng giúp các cá nhân vay tiền dễ dàng hơn, ví dụ như để mua nhà. Bằng cách này, hoạt động kinh tế của nước Nhật sẽ trở nên tích cực hơn và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Mặt khác nếu BOJ tăng lãi suất, các TCTC sẽ phải huy động vốn với lãi suất cao hơn trước và bắt buộc họ phải tăng lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp lẫn cá nhân. Điều này sẽ gây khó khăn cho các công ty và cá nhân trong việc vay vốn và sự phát triển quá nóng của nền kinh tế sẽ bị kìm hãm lại.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ của BOJ cũng góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nền kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp cho nhiều tầng lớp lao động.

BOJ và thị trường chứng khoán Nhật Bản

Mối quan hệ và ảnh hưởng của BOJ đến Thị trường chứng khoán Nhật Bản

BOJ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của kinh tế Nhật Bản, đồng thời có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trên Thị trường chứng khoán Nhật Bản. Đặc biệt chính sách tiền tệ của BOJ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của tiền tệ, lãi suất và cung cầu trong nền kinh tế, và từ đó tác động đến sự biến động của thị trường chứng khoán.

Biến động của Nikkei 225 và 10Y JGB

Nếu lãi suất tăng, đồng nghĩa với việc “lãi suất vay” của các doanh nghiệp tăng lên, điều này gây áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra, khi lãi suất tăng, đồng yên có xu hướng trở nên hấp dẫn hơn và giá cổ phiếu có thể giảm do các nhà đầu tư đẩy tiền vào thị trường trái phiếu thay vì thị trường chứng khoán.

Ngược lại, nếu BOJ giảm lãi suất, “lãi suất vay” của doanh nghiệp sẽ ở mức thấp và họ sẽ vay được nhiều tiền hơn để mở rộng kinh doanh, điều này dẫn đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi lãi suất thấp, đồng yên có xu hướng trở nên kém hấp dẫn hơn, và các nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Các biện pháp của BOJ để ổn định thị trường chứng khoán Nhật Bản

Như đã đề cập ở trên, BOJ sử dụng các biện pháp chính sách tiền tệ để ổn định thị trường chứng khoán Nhật Bản. Sau đây là một số biện pháp cụ thể mà BOJ đã và đang áp dụng:

  1. Cung cấp thanh khoản: BOJ có thể cung cấp tiền cho các ngân hàng thông qua việc mua lại trái phiếu của chính phủ hoặc mua lại các tài sản tài chính của ngân hàng hay tín phiếu kho bạc. Điều này giúp các ngân hàng có thêm thanh khoản và có thể cung cấp cho các nhà đầu tư mua chứng khoán.
  2. Giảm lãi suất: BOJ có thể giảm lãi suất để thúc đẩy cho vay và chi tiêu, từ đó tăng cầu mua chứng khoán. Điều này giúp giảm chi phí vay và tăng cơ hội lợi nhuận của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
  3. Mua ETF và J-REIT: Chương trình mua ETF của Ngân hàng Nhật Bản đã được công bố vào tháng 10 năm 2010 như một trong những chính sách nới lỏng tiền tệ toàn diện và nó đã bắt đầu đi vào hoạt động chính thức kể từ tháng 12 cùng năm. BOJ mua lại ETF và J-REIT để tăng cầu mua và ổn định giá cả. Việc này cũng giúp giảm áp lực bán ra từ các nhà đầu tư và tăng niềm tin vào thị trường chứng khoán. Kể từ tháng 3 năm 2019, BOJ đã thay đổi và đặt giới hạn mua đối với ETF là 12K tỷ yên và J-REIT là 180 tỷ yên hàng năm.
  4. Mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp: BOJ có thể mua lại nhiều JGB để tăng cung tiền, giảm lãi suất và thúc đẩy đầu tư. Ngoài ra BOJ cũng thực hiện việc mua lại thương phiếu và TPDN với mức giới hạn trên là 100 tỷ yên đối với 1 tổ chức phát hành (có tài khoản vãng lai của BOJ). Điều này cũng có thể giúp ổn định thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Tóm tắt

Tổng hợp lại, có thể thấy rõ mối quan hệ và ảnh hưởng mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đến thị trường chứng khoán Nhật Bản. Chính sách tiền tệ của BOJ, bao gồm việc duy trì chính sách lãi suất âm, can thiệp ngoại hối, mua trái phiếu chính phủ hay mua ETF, đã tác động đáng kể đến giá trị của các công ty và các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Sự can thiệp của BOJ đã giúp hạn chế những biến động và giảm thiểu rủi ro trong thị trường, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tuy nhiên, cũng có những tranh cãi xoay quanh vai trò và phạm vi can thiệp của BOJ, đặc biệt là với những chính sách quá đà có thể dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Tuy nhiên, BOJ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế Nhật Bản, đồng thời cũng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Nhật Bản.

4.4/5 - (10 bình chọn)

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

đầu tư nisa mới

Đầu tư NISA ở Nhật: Chiến lược đạt 30 triệu yên khi về già

Chiến lược đầu tư dài hạn với NISA mới 2024 ở Nhật Bản, để đạt được mục tiêu tài chính lớn, như mục tiêu tích trữ 30 triệu yên khi về già.

Toyota nâng mục tiêu ROE lên 20%, hàng đầu thế giới

Toyota nâng mục tiêu ROE lên 20%, hàng đầu thế giới ngành ô tô

Toyota nâng mục tiêu chỉ số ROE lên 20%, con số này vượt xa mức trung bình của các công ty niêm yết ở Nhật Bản và ngành ô tô trên toàn cầu.

Tsumitate NISA là gì?

Chế độ đầu tư miễn thuế Tsumitate NISA là gì? Nên mở tài khoản ở đâu?

Tsuminate(つみたて) NISA là một chế độ đầu tư miễn thuế ở Nhật Bản với thời gian lên tới 20 năm và số tiền đầu tư hàng năm tối đa là 40 man yên.

kế hoạch tài chính là gì

Financial Planning – Kế hoạch tài chính là gì? 8 bước thiết lập

Kế hoạch tài chính là gì? Kế hoạch tài chính là chìa khóa quan trọng giúp chúng ta kiểm soát tình hình và định hình tương lai của mình.

mua nhà ở nhật

Tìm hiểu về mua nhà ở Nhật Bản: Điều kiện và thủ tục

Mua nhà và định cư ở Nhật Bản đã trở nên phổ biến và dễ hơn so với trước đây. Những người có thu nhập ổn định có thể vay trả góp với mức lãi suất thấp.

Chào các bạn! Mình là Ain, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã học tập và làm việc ở Nhật hơn 10 năm, hiện nay đang làm công việc tự do chủ yếu liên quan đến Fintech. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người!

error: Xin đừng copy em !!!