Hình thức sử dụng tài khoản Tsumitate NISA để đầu tư tích trữ vào các quỹ đang ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi tại Nhật Bản, vì tính an toàn ổn định trong dài hạn. Theo thống kê của Hiệp hội chứng khoán Nhật Bản, có rất nhiều người(đặc biệt là độ tuổi từ 20-40) muốn tham gia đầu tư vào chứng khoán, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm hay chưa có khoản vốn lớn để mua cổ phiếu hay trái phiếu, nên họ đã tham gia với hình thức đầu tư tích trữ. Tuy nhiên, hình thức này cũng không có tính đảm bảo an toàn vốn, vì vậy để có thể đạt được kết quả đầu tư tốt, cần lưu ý các điểm sau khi lựa chọn quỹ để đầu tư.
MỤC LỤC
Đầu tư vào quỹ là như thế nào?
Tại Nhật Bản, có hai hình thức đầu tư vào quỹ đó là ETF và quỹ ủy thác đầu tư. Cả hai hình thức này đều được gọi là 投資信託 – ủy thác đầu tư, tuy nhiên ETF được niêm yết trên sàn chứng khoán, nên nhà đầu tư có thể giao dịch theo thời gian thực giống như cổ phiếu. Ủy thác đầu tư là một công cụ thuận tiện để quản lý tài sản cá nhân cho phép đầu tư đa dạng từ một số vốn nhỏ. Để biết thêm sự khác nhau giữa ETF và quỹ ủy thác đầu tư, bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết phía dưới.
Khác với cổ phiếu thông thường, quỹ đầu tư được quản lý bởi các chuyên gia tài chính có kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm vì vậy khi ủy thác vào các quỹ đầu tư người tham gia có thể tạo ra thu nhập thụ động mà không tốn nhiều thời gian, công sức nghiên cứu thị trường.
Danh mục(portfolio) của quỹ đầu tư rất đa dạng, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, vàng hay các mặt hàng hoá khác. Do đó, khi ủy thác vào quỹ đầu tư là bạn đã có thể gián tiếp sở hữu nhiều loại tài sản khác nhau.
Các lưu ý khi lựa chọn quỹ đầu tư
Như đã giới thiệu ở phần mở bài, hình thức ủy thác đầu tư vào quỹ hoàn toàn không bảo đảm an toàn vốn, vì vậy việc lựa chọn quỹ đầu tư vô cùng quan trọng. Với kinh nghiệm hơn 5 năm ủy thác vào quỹ đầu tư, sau đây tôi sẽ giới thiệu qua các điểm cần lưu ý khi lựa chọn một quỹ đầu tư tại Nhật Bản.
1. Xác minh rõ mục đích đầu tư
Việc làm rõ mục đích đầu tư hay quản lý tài sản là công đoạn mà theo cá nhân mình nghĩ rằng cần nên thực hiện đầu tiên. Theo điều tra của Hiệp hội chứng khoán Nhật Bản, ủy thác đầu tư được nhiều người lựa chọn với mục đích quản lý tài sản cá nhân dài hạn, vì họ lo lắng rằng tài sản trong tương lai sẽ không vững mạnh hoặc họ cần chuẩn bị cho những sự kiện cá nhân quan trọng khác.
Hồi mới tham gia thị trường chứng khoán, lúc đó mới 24 tuổi và tôi đã nghĩ đến việc cần phải duy trì việc quản lý tài sản cá nhân trong dài hạn để có thể sớm hoàn thành mục tiêu “nghỉ hưu sớm“ mà không lo lắng mấy về vấn đề rủi ro. Tại thời điểm đó, tôi đã phân vẫn giữa các quỹ hoạt động về lĩnh vực cổ phiếu và bất động sản.
2. Quyết định loại tài sản để đầu tư
Có rất nhiều quỹ đầu tư vào các lớp tài sản khác nhau và mỗi lĩnh vực đều có những đặc điểm riêng. Một vài loại tài sản được các quỹ vận hành như sau:
- 国内株式: Cổ phiếu trong nước
- 先進国株式: Cổ phiếu ở các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Anh …
- 新興国株式: Cổ phiếu ở các nước mới nổi như Ấn Độ, Brazil …
- 国内債券: Trái phiếu trong nước
- 先進国債券: Trái phiếu ở các nước tiên tiến
- 新興国債券: Trái phiếu ở các nước mới nổi
- 国内リート: Bất động sản(J-REIT) trong nước
- 先進国リート: Bất động sản ở các nước tiên tiến
Nhìn chung, cổ phiếu và bất động sản là loại tài sản có rủi ro cao và trái phiếu là loại tài sản có mức độ rủi ro thấp hơn. Lợi nhuận thường đi đôi với rủi ro, vì vậy lợi nhuận cao thì rủi ro cũng cao theo. Nếu bạn không quyết định loại tài sản để đầu tư trước khi lựa chọn quỹ, thì bạn sẽ không thể nhận ra rủi ro mà bạn chấp nhận sẽ ở mức độ nào. Trên thực tế, nếu kết hợp nhiều loại tài sản để đầu tư thì sẽ giảm thiểu được mức độ rủi ro, tuy nhiên để tối ưu hóa lợi nhuận nhà đầu tư cần thường xuyên tái cân bằng(Rebalance) danh mục.
Ví dụ tham khảo
Ví dụ: Bạn có thể chịu đựng được mức độ rủi ro ngay cả khi giá tài sản giảm xuống còn ⅓ trong vòng 1 năm và mong muốn có lợi nhuận khoảng 7-8% thì bạn có thể lựa chọn quỹ đầu tư về lĩnh vực cổ phiếu. Trong lĩnh vực cổ phiếu bạn có thể chia ra 50% để đầu tư vào quỹ đầu tư cổ phiếu trong nước và 50% còn lại đầu tư vào quỹ đầu tư cổ phiếu ở các nước tiên tiến.
3. Chi phí giao dịch và chi phí ủy thác
Sau khi quyết định sẽ đầu tư bao nhiêu tiền, vào loại tài sản nào, nhà đầu tư nên lựa chọn các quỹ có chi phí ủy thác thấp và không mất chi phí giao dịch. Vì đầu tư tích lũy trong dài hạn nên chi phí giao dịch(mua vào) hay chi phí ủy thác sẽ ảnh hưởng không ít tới kết quả đầu tư. Ví dụ bạn đầu tư tích lũy hàng tháng với số tiền cố định là 50.000 yên và chi phí cho một lần giao dịch(mua vào) là 2%, thì sau mỗi lần giao dịch bạn đã lỗ 2%.
Theo các chuyên gia cố vấn tài chính, trước tiên nhà đầu tư cần so sánh chi phí của các quỹ trong cùng một loại tài sản, sau đó loại bỏ dần các quỹ có chi phí cao hơn các quỹ khác. Nếu có thể hãy loại bỏ những quỹ có chi phí ủy thác cao hơn 1%.
Hiện nay, tại các công ty giao dịch chứng khoán online như Rakuten, SBI ,v.v. bạn có thể dễ dàng sàng lọc và so sánh các quỹ một cách đơn giản. Ví dụ tính năng lọc quỹ của công ty chứng khoán Rakuten như hình phía dưới.
Tóm lại, hãy lựa chọn các quỹ không mất chi phí giao dịch lúc mua vào và có chi phí ủy thác「信託報酬」 thấp. Hiện nay việc giao dịch thông qua internet trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, do đó rất nhiều công ty giao dịch đã bãi bỏ chi phí giao dịch.
Phí ủy thác là chi phí trả cho các công ty quản lý các khoản ủy thác đầu tư. Đối với ủy thác đầu tư sẽ không có giá thị trường như cổ phiếu, thay vào đó ủy thác đầu tư sẽ có giá tiêu chuẩn「基準価格」, và giá tiêu chuẩn này sẽ được xác định sau khi trừ đi phí ủy thác.
4. Kiểm tra quy mô tài sản và tính thanh khoản
Thông qua báo cáo hoạt động「運用報告書」hoặc bản cáo bạch「目論見書」bạn có thể kiểm tra được quy mô tài sản, thành tích hoạt động cũng như tính thanh khoản của quỹ. Với các quỹ mới thành lập chưa có nhiều vốn thì sẽ khó có thể thực hiện việc đầu tư phân tán và nội dung hoạt động không ổn định. Tùy theo lĩnh vực hoạt động, nhưng có thể nói nếu chọn các quỹ có tài sản ròng「純資産額」trên 100 億円 thì sẽ ổn định hơn.
Hiện nay nhiều quỹ đầu tư trên thị trường có tính thanh khoản cao, có thể chuyển giao tiền mặt ngay trong ngày như MRF hay MMF, nhưng thông thường sẽ mất khoảng 4-5 ngày làm việc mới nhận được tiền sau khi bán. Ngoài ra, một số quỹ thiết lập những hạn chế như “Closed term =クローズ期間” có nghĩa là không thể nhà đầu tư không thể hủy bỏ(bán) trong một thời gian nhất định nào đó , vì vậy cần phải có xác nhận thật kỹ. Bạn có thể kiểm tra tính thanh khoản tại mục 換金時 trong bản cáo bạch.
5. Kiểm tra hiệu suất hoạt động
Cũng giống như cổ phiếu hay các sản phẩm tài chính khác, đối với ủy thác đầu tư việc kiểm tra hiệu suất hoạt động(performance) cũng vô cùng quan trọng. Các chỉ số chủ yếu để kiểm tra hiệu suất hoạt động bao gồm ba mục chính, đó là “giá tiêu chuẩn và độ lệch chuẩn”, “tổng lợi nhuận” và “Sharpe Ratio”.
Giá tiêu chuẩn và độ lệch chuẩn
Giá tiêu chuẩn「基準価格」hay còn gọi là giá của một đơn vị ủy thác đầu tư. Giá tiêu chuẩn ban đầu thường được đặt ở mức “10.000 yên cho 10.000 đơn vị”, nhưng giá mỗi đơn vị sẽ dao động tùy thuộc vào kết quả hoạt động sau đó. Nó không có nghĩa là giá tiêu chuẩn càng cao thì càng tốt.
Trong ủy thác đầu tư, độ lệch chuẩn「標準偏差」là một chỉ số đo lường mức độ tăng giảm của giá tiêu chuẩn, nhằm mục đích xác định mức độ rủi ro khi đầu tư. Độ lệch chuẩn càng cao, thì biến động lợi nhuận cũng cao theo, và ngược lại. Biến động lợi nhuận ở đây bao gồm cả âm hoặc dương. Nếu bạn muốn tránh sự biến động lớn của giá cả, hãy chọn các quỹ có độ lệch chuẩn thấp, nhưng nếu bạn nghĩ rằng có thể chịu đựng rủi ro vì kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng thì các quỹ có độ lệch chuẩn lớn sẽ không phải là vấn đề.
Tổng lợi nhuận
Tổng lợi nhuận(Total Return) là “lợi nhuận toàn diện” của một quỹ đầu tư bao gồm các khoản phân phối, lợi nhuận khi tăng giá và chi phí quản lý. Nó thể hiện hiệu suất hoạt động của một quỹ đầu tư và được tính dựa trên chênh lệch của giá tiêu chuẩn. Có thể nói, con số này càng cao thì lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được càng lớn, nhưng tổng thời gian thu hồi vốn không đồng nhất, chẳng hạn như nửa năm, một năm hoặc ba năm. Vì vậy, cần phải kiểm tra tổng lợi nhuận qua các kỳ xem có ổn định hay không.
Sharpe Ratio
Sharpe Ratio là một thước đo xem lợi nhuận thu được là bao nhiêu trên một đơn vị rủi ro khi đầu tư và được tính toán dựa trên độ lệch chuẩn. Các công ty chứng khoán đã tính sẵn cho bạn chỉ số này, tuy nhiên nó có công thức như sau: Sharpe Ratio = Lợi nhuận bình quân chia cho độ lệch chuẩn. Sharpe Ratio càng cao, thì lợi nhuận mà bạn nhận được từ việc chấp nhận rủi ro càng cao và ngược lại.
Nguyên tắc chung khi chọn quỹ ủy thác đầu tư đó là ”Nếu tỷ lệ return bằng nhau thì chọn quỹ có risk thấp và ngược lại nếu risk bằng nhau thì chọn quỹ có return cao hơn”. Chỉ số Sharpe Ratio được đánh giá như sau:
- Sharpe Ratio = từ 0,5~0,9: Trung bình
- Sharpe Ratio = từ 1~1,9: Tốt
- Sharpe Ratio > 2: Xuất sắc
Tóm tắt
Nói chung, việc đầu tư vào quỹ đặc biệt là phương pháp đầu tư tích lũy kết hợp với Tsumitate NISA không chỉ giảm thiểu được rủi ro mà còn có thể tối ưu hóa được lợi nhuận vì không phải đóng thuế trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất đó là lựa chọn quỹ như thế nào để đầu tư và phân bổ danh mục như thế nào cho hợp lý. Nếu cảm thấy bài viết này có ích hãy Chia sẻ cho bạn bè cùng biết nhé.
Ngoài ra, nếu bạn muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn về ủy thác đầu tư, hãy bắt đầu từ các thông tin free phía dưới của Hiệp hội ủy thác đầu tư Nhật Bản nhé.
https://www.toushin.or.jp/investmenttrust/
Xem thêm: CÁCH THIẾT LẬP ĐẦU TƯ TÍCH LŨY Ở NHẬT