Trong năm 2022, chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần kêu gọi người dân sử dụng điện một cách tiết kiệm vì đất nước này đang đối mặt nguy cơ thiếu điện trầm trọng. Vậy tại sao Nhật Bản lại xảy ra tình trạng thiếu điện và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 Thế Giới này?
MỤC LỤC
Triển vọng cung cầu điện năm 2022
Theo triển vọng mới nhất về cung cầu điện năm 2022 do Bộ Kinh Tế, Thương mại và Công nghiệp công bố, việc cung cấp nguồn điện ổn định trong mùa hè và mùa đông năm nay là vô cùng khó khăn.
Một số tỉnh thành lớn hay khu vực đô thị có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện ngay từ đầu mùa hè năm nay. Đặc biệt, tại các khu vực như Tohoku, Tokyo, Chubu tỷ lệ dự trữ điện sẽ xuống mức 3,1% khi bước vào đợt nắng nóng trong tháng 7. Vào mùa đông, tỷ lệ dự trữ điện sẽ không thể đảm bảo ở “mức an toàn 3%” cần thiết cho nguồn cung ổn định ở cả 7 khu vực trong tháng Giêng và tháng Hai.
Thậm chí tại các khu vực thuộc nguồn cung cấp Công ty điện lực Tokyo TEPCO như Tokyo, Saitama ,v.v. tỷ lệ dự trữ điện có thể xuống mức âm 0,5% đến 0,6% vào đầu năm 2023. Đây được coi là tình trạng thiếu điện trầm trọng nhất ở Nhật Bản kể từ năm 2012, khi các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã dừng hoạt động do sự cố hạt nhân Fukushima sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng năm 2011.
Tại sao Nhật Bản lại xảy ra tình trạng thiếu điện?
1. Thiếu hụt nhiên liệu
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra vào tháng 2 năm 2022, đã gây ra “khủng hoảng năng lượng” và giá nhiên liệu để sản xuất nhiệt điện như khí LNG, than đá tăng vọt.
Có thể nói thiếu hụt LNG là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu điện này. Các nhà máy nhiệt điện thường sẽ sử dụng dầu, than và LNG làm nhiên liệu. Trong đó LNG là một loại năng lượng tương đối sạch vì nó tạo ra ít carbon dioxide hơn so với than đá và dầu mỏ. Tại Nhật Bản, việc quan tâm đến môi trường luôn được ý thức cao, khoảng 70% tổng lượng nhiên liệu sử dụng cho sản xuất nhiệt điện là LNG. LNG có trữ lượng lớn và được sản xuất ổn định trên khắp thế giới và nhiều nhất ở Mỹ, nhưng hầu hết khí LNG ở Nhật Bản đều phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài.
LNG là khí thiên nhiên hóa lỏng (tên chính thức: Liquefied Natural Gas), có chứa thành phần chính là metan và nó được tạo ra bằng cách làm lạnh khí tự nhiên với nhiệt độ rất thấp là –162°C, sau đó được chuyển từ dạng khí thành thể lỏng có thể tích bằng 1/600 so với thể tích ban đầu.
Lý do Nhật Bản thiếu LNG
Có 4 lý do chính khiến Nhật Bản thiếu hụt khí LNG từ giai đoạn 2019 đến nay đó là:
- Sự cố tại cơ sở sản xuất LNG ở Australia
- Dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng tê liệt
- Trung Quốc ồ ạt mua vào và dự trữ LNG
- Nhật Bản đã xóa bỏ các nhà máy nhiệt điện cũ:Vào mùa hè năm 2020, có 10 đơn vị đang hoạt động đã phải đóng cửa do quá trình lão hóa, hư hỏng thiết bị và các yếu tố khác. Khi cạnh tranh ngày càng gay gắt do tự do hóa bán lẻ điện, thì việc các nhà máy điện không có lãi không thể duy trì được cũng là một vấn đề.
2. Nhu cầu sử dụng điện gia đình tăng mạnh do biến đổi khí hậu
Sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng xảy ra ở phía Đông Nhật Bản, vì đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện triệt để, nên nhu cầu sử dụng điện vào mùa hè các năm đã giảm đáng kể nhưng nhu cầu sử dụng điện đã tăng trở lại trong những năm gần đây. Nhìn lại năm 2020 và 2021, nhu cầu sử dụng điện tại 4 khu vực trên toàn quốc đã vượt quá mức nhu cầu tối đa được giả định trong quá trình xác minh cung và cầu, trong 2 năm liên tiếp.
Nhiều chuyên gia phân tích của Nikkei cho rằng việc nhu cầu sử dụng điện tăng trong những năm gần đây một phần cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã khiến nhiều người thay đổi hành vi và phong cách sống khi làm việc tại nhà.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sử dụng điện, khi mà Nhật Bản đang phải đón nhận những trận rét đậm vào mùa đông và những trận nóng lịch sử vào mùa hè. Nhiệt độ tại Tokyo trong ngày 28/6 đã có lúc trên 36°C và 3 ngày liên tiếp trên 35°C, đánh dấu đợt thời tiết nắng nóng tháng 6 tồi tệ nhất kể từ lần nắng nóng kỷ lục đã ghi nhận vào năm 1875.
Biện pháp đối phó của chính phủ Nhật Bản
Nhật Bản chưa thể đảm bảo đủ nguồn điện để bù đắp tình trạng thiếu điện, mặt khác lưới điện cũng không đủ cung cấp, nên lượng điện có thể đáp ứng từ vùng thừa điện sang vùng thiếu điện là rất hạn chế. Để đối phó với tình trạng thiếu điện trầm trọng, Bộ Kinh tế, Tài chính và Thương mại cho biết chính phủ sẽ thực hiện triệt để các biện pháp sau.
1. Nguồn cung
Theo triển vọng nguồn cung điện, mức dự trữ điện tại khu vực Tokyo trong tháng 7 năm nay sẽ xuống mức 3,1% và thậm chí là âm vào đầu năm 2023. Vì vậy, phía chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu các biện pháp để đảm bảo nguồn cung, chẳng hạn như khôi phục các nhà máy điện đã dừng hoạt động, thúc đẩy mua sắm nhiên liệu bổ sung và tận dụng tối đa các nguồn điện không hóa thạch.
Vào ngày 28 tháng 6, thủ tướng Kishida Fumio cũng đã tổ chức một cuộc họp báo sau khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 và tuyên bố rằng sẽ tái tạo lại các nhà máy điện hạt nhân và sẽ tận dụng tối đa các nguồn năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.
2. Nhu cầu
Về phía nhu cầu, chính phủ Nhật Bản cũng sẽ tích cực thúc đẩy các nỗ lực tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện từ mùa hè năm 2022, và kêu gọi tiết kiệm điện không chỉ từ các ngành và chính quyền địa phương mà còn từ các cá nhân, hộ gia đình.
Vào ngày 28/6, ông Hagiuda Koichi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã tuyên bố chương trình “Tiết kiệm điện nhận point” sẽ chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 8, thời điểm được cho là nóng nhất trong mùa hè tại Nhật Bản. Những hộ gia đình đăng ký tham gia chương trình tiết kiệm điện do các công ty điện lực cung cấp, sẽ nhận được 2000 điểm thưởng.
Chánh văn phòng nội các, ông Matsuno nói rằng các hộ gia đình có thể tiết kiệm điện bằng nhiều cách như tắt đèn trong các phòng và hành lang không sử dụng đến tùy theo hoàn cảnh của từng hộ gia đình và ngành nghề để không ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động kinh tế của mọi người. Phía cửa hàng và doanh nghiệp có thể tiết kiệm điện bằng cách cắt giảm số lượng thang máy hoạt động trong các tòa nhà hay tắt bóng điện khi không có người ở văn phòng ,v.v.
Thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh rằng: “Vì đợt nắng nóng vào mùa hè có thể dễ gây ra triệu chứng say nắng, vì vậy mọi người nên sử dụng máy lạnh khi cần thiết và chương trình tiết kiệm điện này hoàn toàn không phải chế độ cưỡng bức.”
Theo: Bộ Kinh tế, Tài chính và Thương mại