Thưởng Tết 2025 (冬ボーナス) trung bình tại Nhật Bản đã thiết lập mức cao kỷ lục trong lịch sử, ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp phá đỉnh với mức trung bình 93.7 man yên/người, tăng 3.49% so với năm trước. Xu hướng này được dẫn dắt mạnh mẽ bởi sự phục hồi của ngành vận tải đường sắt, xây dựng, cũng như các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch và ăn uống. Tuy nhiên, liệu mức thưởng kỷ lục này có thật sự giúp thúc đẩy tiêu dùng hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Mức thưởng Tết này đã tăng 4 năm liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1975. Tỷ lệ tăng trưởng tổng thể đã tăng khoảng 1 điểm phần trăm so với mùa đông năm 2023 (2,41%). Khi được hỏi về lý do tăng tiền thưởng, phần lớn các doanh nghiệp (khoảng 53%) cho biết nguyên nhân là do “mức lương cơ bản tăng lên“. Kết quả từ cuộc đàm phán lao động mùa xuân năm 2024, ghi nhận mức tăng lương cao nhất trong 33 năm qua, cũng đã góp phần thúc đẩy đáng kể. Trong số 497 công ty được khảo sát, 44% (tương đương 217 công ty) quyết định mức thưởng mùa đông dựa trên kết quả của cuộc đàm phán lao động này.
Ngành đường sắt và xây dựng dẫn đầu tăng trưởng
Tỷ lệ tăng trưởng của các ngành phi sản xuất (非製造業) đạt 3,82%. Mặc dù giảm so với mức 5,4% của năm trước, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình toàn ngành. Theo thống kê doanh nghiệp, lợi nhuận kinh doanh của các ngành phi sản xuất (trừ tài chính và bảo hiểm) trong quý 7–9 năm 2024 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xu hướng ổn định.
Xem thêm: Làn sóng tăng lương ở Nhật Bản năm 2024
Tỷ lệ tăng trưởng của ngành sản xuất cũng được cải thiện, tăng 2,11 điểm phần trăm so với năm trước, đạt 3,34%. Thành tích này có được nhờ vào kết quả kinh doanh tốt của các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh đồng yên yếu.
Trong số 32 ngành chính, ngành có tỷ lệ tăng mức thưởng Tết cao nhất tại Nhật Bản là đường sắt và xe buýt, với mức tăng 12,2%. Điển hình, JR Tây Nhật Bản (JR西日本 West Japan Railway Company) tăng thưởng 26.45% lên mức 85.1 man yên, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ từ doanh thu vận tải và nhu cầu du lịch của khách quốc tế. JR Đông Nhật Bản (JR東日本 East Japan Railway Company) cũng không kém cạnh khi thưởng tăng 7.8%, cán mốc 103.2 man yên.
Ngành xây dựng đứng thứ hai với mức tăng trưởng 9.27% cho tiền thưởng Tết năm 2025. Do tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài đã giúp các công ty này hạn chế nhận dự án giá rẻ, từ đó cải thiện được khả năng thu lợi nhuận. Ví dụ, Tập đoàn Taisei, một tập đoàn xây dựng nổi tiếng ở Nhật Bản, đã ghi nhận mức thưởng tăng 23.84% lên 187 man yên, còn Tập đoàn Obayashi cũng tăng 15.52% lên 170.4 man yên.
Những con số khủng từ các tập đoàn lớn: Hơn nửa tỷ VND
Công ty sản xuất thiết bị bán dẫn Disco tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với mức thưởng Tết lên đến 353.6 man yên/người (khoảng 585 triệu VND), mặc dù giảm 1.6% so với năm ngoái. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Disco đứng ở ngôi đầu nhờ nhu cầu tăng mạnh đối với thiết bị sản xuất bán dẫn AI và các linh kiện có hiệu suất cao.
Bên cạnh đó, các tập đoàn vận tải biển và xây dựng cũng góp mặt trong top đầu:
- Tập đoàn MOL (Mitsui O.S.K. Lines) đứng thứ hai với 261 man yên, nhờ vận tải biển khởi sắc. Lợi nhuận ròng hợp nhất cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 là mức cao thứ ba trong lịch sử, nhờ giá cước vận tải đường biển tăng và các yếu tố khác.
- Trong top 10, có tới 3 công ty xây dựng lớn (ゼネコン) góp mặt, nổi bật là Tập đoàn xay dựng Kashima, đứng ở vị trí thứ 4 với mức thưởng 220 man yên. Kể từ tháng 4, ngành xây dựng đã siết chặt quy định về giờ làm thêm, khiến áp lực công việc của nhân viên gia tăng. Để ghi nhận nỗ lực cải thiện năng suất lao động cũng như đáp lại sự cống hiến của đội ngũ, các công ty đã lựa chọn thưởng cao như một hình thức khích lệ và giữ chân nhân viên.
Thưởng tăng nhưng tiêu dùng vẫn dè dặt
Điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 5.98%, vượt mức trung bình toàn quốc trong hai năm liên tiếp. Các công ty nổi bật như Ichimura Sangyo tăng 17.76% hay Kawaguchi Chemical tăng 17.4%. Tuy nhiên, mức thưởng trung bình của SME chỉ đạt 63.5 triệu yên, thấp hơn gần 30 triệu yên so với các tập đoàn lớn. Điều này phản ánh sự chênh lệch ngày càng lớn giữa doanh nghiệp quy mô nhỏ và các “ông lớn” trong nền kinh tế.
Dù mức thưởng kỷ lục được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng, thực tế còn nhiều thách thức. Giá cả leo thang trong suốt 31 tháng qua đã gây áp lực lớn lên đời sống người dân. Tiền lương danh nghĩa tuy tăng nhưng tiền lương thực tế (sau khi trừ đi lạm phát) vẫn duy trì xu hướng giảm. Ngoại trừ tháng 6-7/2024 khi tăng nhờ mức thưởng mùa hè, lương thực tế tháng 10 tiếp tục duy trì trạng thái “giậm chân tại chỗ”. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra tâm lý phòng thủ tài chính của người tiêu dùng vẫn còn mạnh mẽ, một phần do ảnh hưởng kéo dài của thời kỳ giảm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10, không bao gồm thực phẩm tươi sống, tăng 2.3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu 31 tháng liên tiếp vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Giá thực phẩm tăng mạnh khiến gánh nặng chi tiêu gia đình ngày càng lớn. Theo khảo sát chi tiêu hộ gia đình tháng 10, mức chi tiêu trung bình của hộ gia đình có từ 2 người trở lên chỉ ở mức 305,819 yên, giảm 1.3% (sau khi điều chỉnh lạm phát), ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp giảm.
Data: Khảo sát bởi Nikkei News