Biên độ dao động giá chứng khoán ở Nhật Bản khác với ở Việt Nam hay Hong Kong. “Daily Price Limit = Giới hạn giá mỗi ngày” do Sở giao dịch chứng khoán Tokyo quy định, dựa trên giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày trước đó. Khi giá cổ phiếu tăng lên đến mức giới hạn trên sẽ được gọi là “Upper = giá trần“, ngược lại khi giá cổ phiếu giảm xuống mức giới hạn dưới sẽ được gọi là “Lower = giá sàn“.
MỤC LỤC
Biên độ dao động chứng khoán ở Nhật là bao nhiêu ?
Ở Việt Nam “biên độ giá chứng khoán” được quy định là số phần trăm tăng/giảm của giá cổ phiếu trong một ngày so với giá tham chiếu. Biên độ dao động giá cổ phiếu tại 3 sàn giao dịch chứng khoán HOSE, HNX và UpCom lần lượt là 7%, 10% và 15%.
Tuy nhiên, biên động dao động chứng khoán ở Nhật Bản sẽ không được quy định chung theo từng sàn giao dịch. Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đặt ra quy định “Giới hạn giá mỗi ngày = 値幅制限” dựa trên giá đóng cửa của ngày giao dịch trước đó. Đối với một cổ phiếu niêm yết, mỗi ngày sẽ được quy định một mức giới hạn trên, giới hạn dưới và giá cổ phiếu chỉ được phép biến động trong phạm vi đó.
Quy định về giá trần và giá sàn
Đối với các cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Nhật Bản, sẽ được quy định “giới hạn giá mỗi ngày” như sau. Dữ liệu từ TSE.
Giá cơ sở (1 cổ phiếu) Giá đóng cửa ngày hôm trước | Phạm vi biến động |
---|---|
< 100 yên | +- 30 yên |
Từ 100 yên – 199 yên | +- 50 yên |
Từ 200 yên – 499 yên | +- 80 yên |
Từ 500 yên – 699 yên | +- 100 yên |
Từ 700 yên – 999 yên | +- 150 yên |
Từ 1.000 yên đến 1.499 yên | +- 300 yên |
Từ 1.500 yên – 1.999 yên | +- 400 yên |
Từ 2.000 yên – 2.999 yên | +- 500 yên |
Từ 3.000 yên – 4.999 yên | +- 700 yên |
Từ 5.000 yên – 6.999 yên | +- 1.000 yên |
Từ 7.000 yên – 9.999 yên | +- 1.500 yên |
Từ 10.000 yên – 14.999 yên | +- 3.000 yên |
Từ 15.000 yên – 19.999 yên | +- 4.000 yên |
Từ 20.000 yên – 29.999 yên | +- 5.000 yên |
Từ 30.000 yên – 49.999 yên | +-7.000 yên |
Từ 50.000 yên – 69.999 yên | +- 10.000 yên |
Từ 70.000 yên – 99.999 yên | +- 15.000 yên |
Từ 100.000 yên – 149.999 yên | +- 30.000 yên |
Từ 150.000 yên – 199.999 yên | +- 40.000 yên |
Từ 200.000 yên – 299.999 yên | +- 50.000 yên |
Từ 300.000 yên – 499.999 yên | +- 70.000 yên |
Từ 500.000 yên – 699.999 yên | +- 100.000 yên |
Từ 700.000 yên – 999.999 yên | +- 150.000 yên |
Từ 1.000.000 yên – 1.499.999 yên | +- 300.000 yên |
Từ 1.500.000 yên – 1.999.999 yên | +- 400.000 yên |
Từ 2.000.000 yên – 2.999.999 yên | +- 500.000 yên |
Từ 3.000.000 yên – 4.999.999 yên | +-700.000 yên |
Từ 5.000.000 yên – 6.999.999 yên | +- 1.000.000 yên |
Từ 7.000.000 yên – 9.999.999 yên | +- 1.500.000 yên |
Từ 10.000.000 yên – 14.999.999 yên | +- 3.000.000 yên |
Từ 15.000.000 yên – 19.999.999 yên | +- 4.000.000 yên |
Từ 20.000.000 yên – 29.999.999 yên | +- 5.000.000 yên |
Từ 30.000.000 yên – 49.999.999 yên | +- 7.000.000 yên |
Từ 50.000.000 yên trở lên | +- 10.000.000 yên |
Khi giá cổ phiếu tăng lên đến mức giới hạn trên sẽ được gọi là “ ストップ高 = giá trần“, ngược lại khi giá cổ phiếu giảm xuống mức giới hạn dưới sẽ được gọi là “ストップ安 = giá sàn“. Nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh giao dịch một cổ phiếu nào đó trong phạm vi từ mức giá sàn đến mức giá trần được quy định trong ngày hôm đó.
Tại sao lại quy định giới hạn giá mỗi ngày?
- Bảo vệ nhà đầu tư
- Ngăn chặn tình trạng tăng giảm đột biến của giá cổ phiếu
Giới hạn giá mỗi ngày có ý nghĩa ngăn chặn sự tăng hoặc giảm đột biến của cổ phiếu, giúp ổn định thị trường khỏi các cú sốc lớn. Bằng cách quy định giới hạn trên/dưới hàng ngày của giá cổ phiếu, sẽ giảm bớt được nỗi sợ hãi hay sức nóng của nhà đầu tư trên thị trường.
Xem thêm: CHẾ ĐỘ MIỄN THUẾ NISA MỚI 2024 CÓ GÌ NỔI BẬT
Về mặt lý thuyết, giá cổ phiếu biến động do nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, khi một sự kiện lớn mang tính tiêu cực làm rung chuyển nền kinh tế xảy ra, thông thường cổ phiếu sẽ được bán ra ồ ạt do hoảng loạn về những điều không chắc chắn trong tương lai. Điển hình là đại dịch Covid-19 xảy ra đầu năm 2020, trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản năm 2011 hay vụ phá sản của Lehman Brothers năm 2008 đã khiến giá cổ phiếu toàn cầu giảm mạnh đột ngột. Tuy nhiên, nhờ có quy định “giới hạn giá hàng ngày”, giá của các cổ phiếu niêm yết ở Nhật đã phần nào biến động ổn định hơn so với cổ phiếu Mỹ (không có biên độ).
Giới hạn giá có thể được nới rộng lên 4 lần
Tại thị trường chứng khoán ở Nhật Bản, những cổ phiếu đáp ứng một trong hai điều kiện phía dưới trong 2 ngày giao dịch liên tiếp, phạm vi giới hạn giá của ngày giao dịch tiếp theo sẽ được nâng lên gấp bốn lần.
Trường hợp 1: Đạt giá trần (hoặc sàn) và khối lượng giao dịch là 0 cổ phiếu.
Trường hợp 2: Khi phiên giao dịch buổi chiều kết thúc với khối lượng giao dịch là 0 cổ phiếu và phiên giao dịch thầu (giữa các công ty GDCK) kết thúc với mức giá trần (sàn) mà vẫn còn các giao dịch mua (bán) khác chưa được thực hiện.
Ví dụ: Cổ phiếu A đã tăng 500 yên trong ngày 1/3 và kết thúc ngày giao dịch tại mức giá trần là 2.500 yên. Ngày tiếp theo 2/3, cổ phiếu A tiếp tục tăng 500 yên và kết thúc ngày giao dịch tại mức giá trần là 3.000 yên. Cả hai ngày 1 và 2/3 đều không có giao dịch nào được thực hiện (trắng bên bán). Vì vậy, ngày tiếp theo là 3/3, phạm vi giới hạn giá của cổ phiếu A sẽ được nới rộng lên 4 lần, tức là mức giá trần là 5.800 yên thay cho mức giá trần thông thường là 3.700 yên.
Cơ chế giao dịch khi giá cổ phiếu dừng lại tại mức trần hoặc sàn
Khi giá của một cổ phiếu nào đó dừng lại tại mức trần (sàn) và bên mua (bán) tiếp tục áp đảo bên kia thì giá cổ phiếu sẽ không thể tăng (giảm) nữa và giá đóng cửa đã được quyết định thì việc khớp lệnh sẽ được hoạt động dựa trên phương thức「ストップ配分 = phân phối dừng」. Đây là một phương pháp ấn định giá cổ phiếu dựa trên tỷ lệ giữa số lượng cổ phiếu được bán ra và cổ phiếu được mua vào tại cùng một mức giá trần hoặc sàn.
Trong phân phối dừng, tổng khối lượng được tính cho từng công ty GDCK và số lượng cổ phiếu sẽ được TSE phân phối theo thứ tự từ công ty có nhiều lệnh nhất.
Ví dụ: TST phân phối 800 cổ phiếu của một công ty có mã chứng khoán 1234 (đang kịch trần) với đơn vị giao dịch tối thiểu là 100 cổ phiếu. Tại công ty GDCK A đang có lệnh đặt mua 1.500 cổ phiếu, công ty GDCK B đang có lệnh đặt mua 1.200 cổ phiếu, công ty GDCK C đang có lệnh đặt mua 1.100 cổ phiếu, công ty D đang có lệnh đặt mua 1.000 cổ phiếu và công ty E đang có lệnh đặt mua 200 cổ phiếu. Trước hết TSE sẽ phân phối 100 cổ phiếu cho 5 công ty GDCK trên và 300 cổ phiếu còn lại sẽ được phân phối dựa trên việc ưu tiên số lượng. Do đó công ty GDCK A sẽ được phân phối 200 cổ phiếu, công ty GDCK B sẽ được phân phối 200 cổ phiếu, công ty GDCK C sẽ được phân phối 200 cổ phiếu, công ty GDCK D và E sẽ được phân phối 100 cổ phiếu cho mỗi công ty.
Tiếp theo, việc khớp lệnh tại mức giá trần (sàn) và phân phối cổ phiếu tới tay nhà đầu tư sẽ khác nhau tùy thuộc vào nội quy của từng công ty GDCK. Tuy nhiên, phần lớn việc khớp lệnh tại giá trần (sàn) sẽ được ưu tiên theo thứ tự thời điểm đặt lệnh (ưu tiên về thời gian).
Tóm tắt
Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản không quy định biên độ dao động cụ thể là bao nhiêu phần trăm, thay vào đó một phạm vi giới hạn giá sẽ được áp đặt dựa trên khung giá cơ sở.
① Biên độ dao động chứng khoán tại Nhật Bản đa dạng.
② Phạm vi giới hạn giá đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư và ngăn chặn đột biến trên thị trường.
③ Khi đạt giá trần (sàn) việc khớp lệnh sẽ được ưu tiên theo thứ tự thời gian đặt lệnh.
④ Phạm vi giới hạn có thể được nới rộng lên 4 lần.