Khi đang sinh sống hay du lịch ở Nhật, không may chúng ta bị bệnh thì việc ứng phó với bệnh tật là một vấn đề hầu hết mọi người đều quan tâm vì có một rào cản rất lớn đó là ngôn ngữ. Vậy đi bệnh viện ở Nhật như thế nào?
Mình đã từng đi khám bệnh và phẫu thuật tại cả phòng khám lẫn bệnh viện ở Nhật, kết hợp thêm những kinh nghiệm được truyền đạt từ đồng nghiệp người Nhật, hôm nay mình sẽ giới thiệu những thông tin liên quan về khám chữa bệnh ở Nhật Bản.
MỤC LỤC
Một số từ vựng nên biết
処方せん(しょほうせん) - Toa thuốc,đơn thuốc
診察(しんさつ) - Khám bệnh
薬局(やっきょく) - Hiệu thuốc tây
内科(ないか) - Khoa nội: cảm cúm, đau bụng, tiêu chảy
小児科(しょうにか) - Khoa nhi
皮膚科(ひふか) - Khoa da liễu
外科(げか) - Khoa ngoại: gãy xương hay bị thương ngoài da
耳鼻咽喉科(じびいんこうか)- Khoa tai mũi họng(Người Nhật thường gọi tắt là じびか)
眼科(がんか) - Khoa mắt
歯科(しか) - Nha khoa
産婦人科(さんふじんか) - Khoa sản
保険証(ほけんしょう) - Thẻ/sổ bảo hiểm
薬手帳(くすりてちょう) - Sổ tay quản lý quá trình sử dụng thuốc
受付(うけつけ) - Quầy lễ tân
受付番号(うけつけばんごう)- Số phiếu đợi
計算(けいさん) - Thanh toán
頭痛(ずつう) - Đau đầu
風邪(かぜ) - Cảm cúm
腹痛(ふくつう) - Đau bụng
Tìm địa chỉ bệnh viện như thế nào?
Chúng ta rất may mắn được sống trong thời buổi internet phát triển hiện đại, nên chỉ cần sử dụng cấu trúc từ khoá tìm kiếm sau đây là có thể tìm được bệnh viện gần nơi mình ở nhất.
Cấu trúc: [khoa bệnh muốn khám] dấu cách [địa chỉ,tên ga tàu]
Ví dụ, bạn muốn khám bệnh viêm xoang ở khu vực cửa Tây ga Shinjuku thì sử dụng từ khoá tìm kiếm như sau:
耳鼻科 新宿駅西口
↑ Nếu bạn không hiểu kanji hãy copy từ mục từ vựng ở phía trên.
Những thứ cần chuẩn bị trước khi đi bệnh viện
Sau khi đã tìm được địa chỉ bệnh viện chúng ta cần chuẩn bị thẻ bảo hiểm, sổ tay quản lý thuốc, giấy tờ tuỳ thân(những ai đi du lịch thì chỉ cần mang giấy tờ tuỳ thân là được). Những ai đang làm việc tại Nhật, nếu xuất trình thẻ bảo hiểm thì sẽ được Bảo Hiểm Xã Hội hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh lên tới 20% cho 1 lần khám chữa bệnh.
Thủ tục ở bệnh viện
Khi tới bệnh viện, trước hết bạn phải tìm tới quầy lễ tân(nếu bệnh viện lớn thì phải lấy phiếu và đợi) . Khi tới quầy lễ tân thông thường người ta sẽ hỏi bạn ”今日はどうなさいましたか?” có nghĩa là “Hôm nay bạn bị làm sao thế?”
Khi đó các bạn chỉ cần trả lời những triệu chứng của mình cụ thể là đau gì, đau ở đâu, phát hiện từ khi nào. Trường hợp bạn mới tới bệnh viện đó lần đầu thì bệnh viện sẽ yêu cầu bạn ghi phiếu 診療申込書 (phiếu đăng ký khám), trong tờ giấy này gồm những mục như thông tin cá nhân, có từng phẫu thuật vì bệnh gì chưa… Mục này mình xin được rút gọn.
Sau khi ghi thông tin và phiếu khảo sát xong, các bạn đem tới nộp cho quầy lễ tân, khi đó người ta sẽ yêu cầu bạn xuất trình giấy tờ tùy thân, thẻ bảo hiểm và bảo bạn ngồi chờ, khi nào tới lượt khám họ sẽ gọi các bạn, hoặc sẽ có số phiếu đợi.
Khi đến lượt khám của bạn thì sẽ có y tá dẫn bạn vào phòng khám, ở đó có bác sỹ chuyên khoa, họ sẽ thẩm vấn để phân tích tình trạng bệnh của bạn,nếu ngôn ngữ khiến bạn không diễn đạt được thì bạn có thể nhờ bệnh viện gọi sự trợ giúp của các trung tâm phiên dịch, hoặc các bạn dùng các app dịch tiếng Nhật trên điện thoại.
Thanh toán
Sau khi khám xong bạn sẽ nhận được đơn thuốc tại quầy thanh toán thanh toán,đồng thời họ sẽ trả lại thẻ bảo hiểm cho bạn. Đa số họ sẽ hướng dẫn cho chúng ta lấy thuốc ở đâu, nếu ở gần đó có hiệu thuốc tây y tá sẽ dẫn bạn tới đó.Đây đúng với nghĩa của câu Lương Y Như Từ Mẫu !
Nhận thuốc ở hiệu thuốc
Khi mang đơn thuốc mà bác sĩ cấp cho bạn tới hiệu thuốc thì y tá sẽ yêu cầu bạn xuất trình thẻ bảo hiểm(保険証) và sổ tay thuốc(お薬手帳). Nếu ai chưa có sổ tay thuốc thì ở đây bạn có thể làm sổ miễn phí để quản lý cho dễ. Lưu ý những hiệu thuốc hay drugstore phải có biển 処方せん treo bên ngoài mới được nhé.
Trên đây là bài viết hướng dẫn tất tần tật các trình tự đi khám tại Bệnh viện ở Nhật, nếu có gì thắc mắc hay không hiểu các bạn vui lòng để lại bình luận ở dưới. Xin cảm ơn !