Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành viễn thông, ba nhà mạng lớn ở Nhật Bản – KDDI, SoftBank, và NTT Docomo – đang đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình giữ chân khách hàng trung thành, đặc biệt tập trung vào những người sử dụng nhiều dịch vụ trong hệ sinh thái kinh tế điểm thưởng.
Thay vì chỉ chạy đua giảm giá cước, họ đang xây dựng các hệ sinh thái tích hợp giữa viễn thông và tài chính, tận dụng các chương trình hoàn tiền và điểm thưởng để nâng cao lòng trung thành của khách hàng.
MỤC LỤC
KDDI: Nâng tầm hệ sinh thái điểm thưởng với “au マネ活プラン+”
KDDI, một trong những nhà mạng hàng đầu tại Nhật, đã ra mắt gói “au マネ活プラン+” (dịch sang tiếng Anh là au Money Activity Plan) vào ngày 3 tháng 12 năm 2024. ây là phiên bản nâng cấp của gói “auマネ活プラン” được ra mắt vào tháng 9 năm ngoái. Trong khi gói dịch vụ cũ giới hạn một số ưu đãi chỉ kéo dài trong 12 tháng, nhiều người dùng đã hết hạn sử dụng các đặc quyền này. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và giữ chân khách hàng, KDDI đã quyết định tung ra phiên bản cải tiến mới.
Điểm nổi bật của gói cước mới
Gói dịch vụ này là sự kết hợp giữa dịch vụ viễn thông và tài chính, mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng. Gói “au マネ活プラン+” không chỉ cung cấp dữ liệu di động không giới hạn mà còn khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính trong hệ sinh thái của KDDI như:
- au Pay: Nền tảng thanh toán mã vạch qua điện thoại.
- au Pay Card: Thẻ tín dụng với ưu đãi điểm thưởng cao.
- auじぶん銀行: Ngân hàng tích hợp, dễ dàng kết nối với các giao dịch hàng ngày.
- auカブコム証券: Dịch vụ đầu tư chứng khoán.
Khách hàng càng sử dụng nhiều dịch vụ, số điểm thưởng tích lũy càng cao. Với sự thay đổi lần này, KDDI đã mở rộng hệ thống tích điểm để cạnh tranh với các đối thủ. Nếu như trước đây KDDI tập trung vào các dịch vụ tài chính như ngân hàng và chứng khoán, thì giờ đây, người dùng cũng có thể dễ dàng tích điểm thông qua thanh toán bằng au Pay hoặc thẻ tín dụng, giống như các đối thủ lớn khác.
Chiến lược nhấn mạnh sự ổn định
So với SoftBank và NTT Docomo, vốn thường xuyên triển khai các chiến dịch hoàn tiền ngắn hạn, KDDI cam kết mức hoàn tiền tối đa 10% kéo dài, miễn là khách hàng đáp ứng các điều kiện. Điều này thể hiện chiến lược giữ chân khách hàng lâu dài thay vì chỉ thu hút họ tạm thời bằng các chương trình khuyến mãi ngắn hạn.
Gói “au マネ活プラン” trước đó đã đạt được 1,4 triệu người dùng chỉ trong thời gian ngắn. Báo cáo cho thấy những khách hàng tham gia gói này có xu hướng tăng cường sử dụng các dịch vụ thanh toán của KDDI, từ đó gia tăng giá trị gửi tiền trong ngân hàng auじぶん銀行 và đầu tư qua auカブコム証券.
SoftBank: Định hình lại giá trị với gói “ペイトク”
SoftBank cũng đang trong cuộc đua giữ chân khách hàng trung thành bằng việc cải tiến gói “ペイトク” (Pay-toku). Gói này tập trung vào việc tối ưu hóa hoàn tiền thông qua PayPay, một trong những nền tảng thanh toán di động phổ biến nhất Nhật Bản.
Sự chuyển dịch trong chiến lược kinh doanh
Theo CEO Miyagawa Junichi, SoftBank không còn chỉ tập trung vào việc tăng trưởng số lượng người dùng mới mà chuyển sang củng cố hệ sinh thái để giữ chân khách hàng hiện tại. Gói “ペイトク” chính là một phần trong chiến lược này, khi kết hợp dữ liệu không giới hạn với các ưu đãi hoàn tiền cao qua PayPay.
Sự thành công từ việc thu hút khách hàng từ Y!Mobile
Trước đây, sau khi thực hiện biện pháp giảm giá cước vào năm 2021, SoftBank đã chứng kiến lượng lớn khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ sim giá rẻ Y!Mobile. Tuy nhiên, gần đây, “xu hướng đã đảo ngược” ngày càng nhiều khách hàng quay lại với SoftBank vì bị thu hút bởi các ưu đãi hoàn tiền cao và các gói cước không giới hạn data.
Miyagawa cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện gói ペイトク để tăng giá trị cho khách hàng. Chiến lược hiện tại không chỉ là giảm giá, mà còn tập trung vào việc xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ.”
NTT Docomo: Nhắm đến nhóm khách hàng chi tiêu cao
NTT Docomo, với lợi thế mạnh về dịch vụ tài chính, đang tăng cường thu hút khách hàng thông qua mảng kinh doanh thẻ tín dụng – một trong những thế mạnh của họ. Từ ngày 25 tháng 11, công ty đã bắt đầu nhận đăng ký cho dịch vụ mới “dCard Platinum”. Hiện tại, dịch vụ thẻ tín dụng của NTTドコモ, “dCard”, có khoảng 18 triệu thành viên, trong đó 11 triệu là hội viên dCard Gold, trả phí thành viên 11,000 yên mỗi năm.
Đặc điểm nổi bật của thẻ Platinum
- Phí thành viên: 29,700 yên/năm (hơi đắt so với tầng lớp lao động).
- Tỷ lệ hoàn điểm: 20% đối với chi phí sử dụng dịch vụ điện thoại di động và internet cáp quang.
- Áp dụng tự động trong năm đầu tiên.
- Từ năm thứ hai, yêu cầu tổng chi tiêu hàng tháng đạt từ 200,000 yên trở lên để được áp dụng tỷ lệ 20%.
Ngoài ra, khách hàng chi tiêu nhiều còn nhận được coupon để mua sắm hoặc mua điện thoại. Ví dụ, với tổng chi tiêu đạt 4 triệu yên/năm, khách hàng có thể nhận tối đa 40,000 yên giá trị coupon. Điều này cho thấy nhóm khách hàng mục tiêu của thẻ Platinum là những người có khả năng chi tiêu rất cao.
Chiến lược dài hạn
Theo CEO Maeda Yoshiaki, mục tiêu của Docomo là thu hút thêm hàng triệu khách hàng mới trong phân khúc cao cấp. Trong khi Rakuten Mobile đã đạt 8 triệu hợp đồng nhờ gói cước “sử dụng dữ liệu không giới hạn” với mức giá khoảng 3,000 yên/tháng, ahamo của NTTドコモ cũng đáp trả bằng cách tăng dung lượng dữ liệu từ 20GB lên 30GB. Điều này khiến cuộc chiến gói cước ở mức giá 3,000 yên trở nên ngày càng khốc liệt.
Tóm tắt
Sự gia tăng cạnh tranh từ các nhà mạng mới ở Nhật như Rakuten Mobile, với các gói cước giá rẻ, đã tạo áp lực lên các nhà mạng lớn. Tuy nhiên, thay vì lao vào cuộc chiến giảm giá, KDDI, SoftBank và NTT Docomo đã chọn con đường khác: xây dựng hệ sinh thái tích hợp giữa viễn thông và tài chính.
Chiến lược này không chỉ giúp giữ chân khách hàng trung thành mà còn tạo ra giá trị kinh tế dài hạn thông qua các chương trình điểm thưởng và hoàn tiền. Cuộc đua này không chỉ xoay quanh giá cước mà còn là sự cạnh tranh về mức độ tiện ích và trải nghiệm khách hàng. Liệu nhà mạng ở Nhật nào sẽ chiến thắng trong cuộc chiến dài hơi này?
Theo: KDDI, SoftBank, NTT docomo