Lý do Yên Nhật được gọi là “tài sản an toàn” dù nền kinh tế trì trệ
Postdate:
536 lượt xem
Trong cơn lốc bất ổn toàn cầu từ khủng hoảng tài chính, xung đột địa chính trị cho đến thiên tai, giới đầu tư quốc tế thường có một điểm đến quen thuộc để “trú ẩn an toàn” đó là đồng Yên Nhật. Điều đáng ngạc nhiên là, Nhật Bản lại là quốc gia có tỷ lệ nợ công cao nhất trong nhóm các nước phát triển, với nền kinh tế được đánh giá là trì trệ trong nhiều năm qua. Vậy lý do gì mà một đồng tiền đến từ nền kinh tế “ốm yếu” lại được cả thế giới tin tưởng tuyệt đối như một tài sản trú ẩn an toàn?
Câu trả lời không chỉ nằm ở con số, mà còn ở vị thế vững chắc của Nhật Bản trong cán cân tài chính toàn cầu. Hãy cùng tìm hiểu lý do thật sự đằng sau hiện tượng này qua bài viết dưới đây nhé!
MỤC LỤC
Giá trị của tiền tệ được xác định như thế nào?
Trước khi đi sâu vào lý do đồng Yên được xem là “tài sản an toàn”, hãy cùng làm rõ một câu hỏi nền tảng: tiền tệ thực sự có giá trị nhờ đâu?
Trong thời kỳ chế độ bản vị vàng (金本位制), tiền tệ có giá trị vì người ta có thể đổi nó để lấy vàng, một tài sản hữu hình, có giá trị nội tại và mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống đó không còn tồn tại nữa. Nếu suy nghĩ kỹ, bản thân tờ tiền giấy không có giá trị nội tại, về bản chất chúng chỉ là giấy in.
Vậy tại sao chúng ta vẫn có thể dùng tiền để mua hàng hoá, dịch vụ? Đó là bởi vì hệ thống tiền tệ hiện đại hoạt động dựa trên một yếu tố cốt lõi: niềm tin (信用). Chính vì tiền không còn được “hậu thuẫn” bằng vàng như trước, giá trị của tiền tệ hiện nay phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm mà thị trường dành cho quốc gia phát hành nó.
Hệ thống Bretton Woods và sự ra đời của đồng tiền chủ chốt
Để hiểu rõ hơn, hãy cùng tìm hiểu quá trình phát triển của đồng đô la Mỹ, loại tiền tệ được xem là “đồng tiền chủ chốt” của thế giới!
Vào năm 1944, giai đoạn cuối của Chiến tranh Thế giới thứ hai, hệ thống Bretton Woods được thiết lập với mục tiêu lấy đồng đô la Mỹ làm trung tâm. Đây là một cơ chế trong đó tỷ giá giữa đô la Mỹ và các loại tiền tệ khác được gắn cố định hoặc gần như cố định. Mục tiêu của hệ thống này là khôi phục và ổn định kinh tế thế giới sau chiến tranh, thông qua sự ổn định trong giao dịch ngoại hối.
Trước khi đồng đô la Mỹ trở thành đồng tiền chủ chốt, bảng Anh đã từng là đồng tiền quốc tế chính. Điều này phần lớn đến từ việc Anh sở hữu nhiều thuộc địa và duy trì hoạt động thương mại rộng khắp thế giới. Hơn nữa, bảng Anh khi đó được bảo chứng bằng vàng dưới chế độ bản vị vàng, làm tăng độ tin cậy của nó.
Tuy nhiên, sự bùng nổ thương mại với các thuộc địa đã khiến lượng vàng của Anh bị chảy ra nước ngoài, dần làm suy yếu sức mạnh kinh tế của quốc gia này. Trong khi đó, đồng đô la Mỹ trong khuôn khổ Bretton Woods vẫn giữ được chế độ bản vị vàng, và Mỹ cố định giá trị đô la với vàng, từ đó xây dựng nên một hệ thống hai tầng: cố định giá trị giữa vàng, đô la và các đồng tiền khác. Đây chính là nền móng khiến đô la Mỹ trở thành đồng tiền chủ chốt toàn cầu.
Vị trí của Yên Nhật trong hệ thống đó
Dưới hệ thống Bretton Woods, đồng Yên Nhật được cố định ở mức 360 Yen đổi 1 USD. Trước đó, ngay sau khi kết thúc chiến tranh, tỷ giá quân sự được áp dụng là 15 Yen đổi 1 USD, nhưng do tình trạng lạm phát mạnh mẽ tại Nhật, tỷ giá đã nhanh chóng trượt lên mức 270 Yên đổi 1 USD vào năm 1948.
Trên thực tế, vào thời điểm đó có nhiều mức tỷ giá song song cùng tồn tại, dao động từ 160 đến 600 Yen đổi 1 USD, gây ra hỗn loạn trong hệ thống tài chính.
Vì vậy, vào tháng 2 năm 1949, tỷ giá chính thức được ấn định cố định là 360 Yen đổi 1 USD thông qua thỏa thuận giữa Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Ikeda Hayato và Cố vấn kinh tế GHQ – Joseph Dodge. Đây là một phần trong chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ được gọi là “Dodge Line”, với mục tiêu làm ổn định nền kinh tế Nhật và đưa nước này đến sự tự chủ sau chiến tranh.
Lý do đồng Yên Nhật được cho là loại tài sản trú ẩn an toàn
Không dài dòng nữa, hãy cùng đi vào chủ đề chính của bài viết này!
Bảng xếp hạng các nước nợ công cao nhất Thế giới
Dù Nhật Bản hiện đang đối mặt với nhiều thách thức như tăng trưởng kinh tế chậm, dân số già hóa, và nợ công cao kỷ lục (chiếm hơn 250% GDP, cao nhất trong số các nước phát triển), nhưng đồng Yên vẫn luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu khi thị trường toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Vì sao lại như vậy?
1. Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất thế giới
Một trong những lý do quan trọng khiến đồng Yên được tin tưởng là tài sản trú ẩn an toàn, đó là vì Nhật Bản không phải là quốc gia nợ nước ngoài nhiều mà ngược lại, họ là một trong những “siêu cường tài chính” của thế giới. Nhật Bản sở hữu ượng tài sản ròng bên ngoài ngoài lớn nhất thế giới, liên tục giữ vị trí số 1 trong suốt 34 năm liên tiếp.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tại thời điểm cuối tháng 12 năm 2024:
Tài sản ròng quốc tế của Nhật Bản (tức tài sản nước ngoài trừ nợ nước ngoài) đạt 547 nghìn tỷ yên, tương đương khoảng 3.623 tỷ đô la Mỹ (với tỷ giá USD/JPY trung bình năm 2024 là 151,37).
Đây là mức cao kỷ lục trong 7 năm liên tiếp và giúp Nhật duy trì vị trí quốc gia sở hữu tài sản ròng nước ngoài lớn nhất thế giới suốt 34 năm liền, bỏ xa cả Trung Quốc và Đức.
Ngoài ra, tổng tài sản nước ngoài của Nhật cũng tăng 12,1% so với năm trước, lên tới 1 triệu 668 nghìn tỷ yên. Trong đó, một phần nguyên nhân là do sự mất giá của đồng Yên khiến giá trị tài sản khi quy đổi từ ngoại tệ sang Yên tăng lên, dù không phản ánh hoàn toàn sự tăng trưởng thực chất của các khoản đầu tư.
Nhìn vào biểu đồ phía dưới, chúng ta có thể thấy Nhật Bản đang đầu tư nhiều hơn ra nước ngoài so với lượng vốn nước ngoài đầu tư vào Nhật. Điều này tạo ra một nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ và ổn định cho quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc: nếu cần thiết, Nhật Bản có thể bán ra khối lượng lớn tài sản bằng ngoại tệ để hỗ trợ nền kinh tế hoặc đồng nội tệ, qua đó làm giảm khả năng khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng.
Biểu đồ thống kê IIP (International Investment Position – Vị thế đầu tư quốc tế) từ năm 1996 đến 2024
Chính nhờ nền tảng tài chính vững mạnh và khả năng “ứng cứu” nhanh chóng bằng nguồn ngoại tệ dự trữ, đồng Yên được xem là một nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường toàn cầu đầy biến động.
LƯU Ý
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý việc sở hữu nhiều tài sản ròng bên ngoài không nhất thiết là điều hoàn toàn tốt, mặc dù đương nhiên nó vẫn tốt hơn là mang nợ ròng. Nhìn ở góc độ khác, việc Nhật Bản sở hữu nhiều tài sản ròng bên ngoài nhiều cũng có thể hiểu là “do dân số già hoá, thiếu lao động trầm trọng, trong nước không còn cơ hội đầu tư nên buộc phải đầu tư ra nước ngoài”.
2. Hệ thống giao dịch Carry Trade
Vì có lãi suất thấp trong thời gian dài, đồng Yên Nhật không phải là lựa chọn hấp dẫn trong những thời kỳ thế giới ổn định. Lý do là bởi trong giai đoạn thị trường “bình yên”, các nhà đầu tư thường tìm kiếm lợi nhuận cao hơn bằng cách đầu tư vào các đồng tiền có lãi suất cao như USD hoặc EUR.
Lúc này, họ thường sử dụng một chiến lược đầu tư gọi là “giao dịch để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất” trong đầu tư gọi là Carry Trade. Đây là hình thức vay tiền bằng đồng tiền có lãi suất thấp, cụ thể là Yên Nhật, sau đó đổi sang đồng tiền có lãi suất cao hơn để đầu tư và kiếm lời từ phần chênh lệch. Chính vì vậy Carry Trade là một trong những lý do khiến đồng Yên trở thành loại tài sản trú ẩn an toàn!
Cách thức hoạt động của Carry Trade và ví dụ:
Vay đồng Yên từ các tổ chức tài chính Nhật (Ví dụ đầu năm 2024 vay 100 man yên với lãi suất 0.5%)
Đổi đồng Yên sang USD hoặc EUR (Đổi 100 man yên được 7.092 USD với tỷ giá USD/JPY = 141)
Đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu hoặc các tài sản sinh lợi cao hơn. (Mua chứng ETF có mã SPYD để hưởng cổ tức 4%/năm)
Tuy nhiên, khi tình hình thế giới trở nên bất ổn hoặc chiến tranh thương mại xảy ra, điều quan trọng nhất với nhà đầu tư không còn là lợi nhuận mà là “bảo toàn vốn”. Lúc này, họ sẽ bắt đầu “rút lui” khỏi các khoản đầu tư rủi ro và đóng các vị thế Carry Trade, còn gọi là giai đoạn “Risk-off”. Điển hình là thời điểm nhạy cảm như hiện nay, khi mà chính sách thuế quan mới của Trump khiến thị trường lo ngại nền kinh tế nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Điều đó dẫn đến một chuỗi hành động ngược lại:
Bán các tài sản đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu
Bán USD hoặc EUR để đổi lại Yên Nhật
Trả nợ cho các tổ chức tài chính tại Nhật
Ví dụ minh hoạ về hệ thống giao dịch Carry Trade
Với ví dụ trên, nếu đầu năm 2025 bạn bán ra ETF có mã là SPYD và thu về 7.319 USD (trong đó 227 USD là lợi tức đã nhận sau thuế). Sau đó quy đổi về Yên Nhật với tỷ giá USD/JPY là 155, thì bạn sẽ có khoảng 113 man yên. Vì bạn đã vay ngân hàng là 100 man với lãi suất 0.5%, nên cuối cùng bạn sẽ có lãi 12,5 man yên (113 man yên – 100 man yên – 5 sen yên). Tuy nhiên, ví dụ này chưa bao gồm biến động tăng giảm của chứng khoán, vì vậy lợi nhuận sẽ có thể tăng lên hoặc giảm đi!
Thiên tài đầu tư Warren Buffett cũng sử dụng Carry Trade
Chiến lược này không chỉ dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tập đoàn Berkshire Hathaway của thiên tài đầu tư Warren Buffett cũng áp dụng hình thức Carry Trade, nhưng theo một cách khôn ngoan và dài hạn hơn. Năm 2020, Berkshire đã vay khoảng 10 tỷ Yên đáo hạn vào năm 2060, với lãi suất rất thấp chỉ khoảng 0.5%, sau đó đầu tư trực tiếp vào thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Tập đoàn này đã âm thầm mua vào gần 10% cổ phần tại năm tập đoàn thương mại (総合商社) hàng đầu của Nhật gồm: Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo. Đến nay, tổng giá trị thị trường của các cổ phần này đã lên tới vượt 40 tỷ Yên.
Các công ty trên đều là tập đoàn lớn, tài chính ổn định, thường trả cổ tức cao và đôi khi mua lại cổ phiếu để gia tăng giá trị cho cổ đông. Theo tính toán của Berkshire, tỷ suất lợi nhuận (EPS) trên giá thị trường lên tới khoảng 14%, tương ứng với mức P/E chỉ khoảng 7,14 lần trong khi lãi vay chỉ là 0.5%. Hiện nay, Berkshire cũng đang chịu tác động từ việc tăng lãi suất tại Nhật và sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Tuy nhiên, giá trị cổ phần mà họ nắm giữ đã tăng gấp hai, thậm chí gấp ba lần kể từ thời điểm đầu tư.
Chính hiệu ứng Carry Trade này khiến nhu cầu mua đồng Yên tăng mạnh mỗi khi khủng hoảng xảy ra. Nhu cầu mua tăng, tạo nên hiện tượng đồng Yên tăng giá mạnh trong thời điểm bất ổn, dù nền kinh tế Nhật Bản có thể không có gì nổi bật tại thời điểm đó!
Kết luận
Hai lý do lớn nhất khiến đồng Yên Nhật được xem là tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu mỗi khi thị trường rung lắc chính là: Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất thế giới và cơ chế giao dịch Carry Trade phổ biến nhờ đồng Yên có lãi suất thấp. Đây là những yếu tố có khả năng tạo ra dòng vốn quay trở lại Nhật Bản ngay lập tức khi nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn.
Bên cạnh đó, những điểm cộng như tính thanh khoản cao, môi trường lạm phát thấp ổn định khiến giá trị đồng tiền ít bị xói mòn và chính sách tiền tệ kiên định của BoJ càng củng cố thêm sức hút của đồng Yên trong mắt giới tài chính toàn cầu.
Dù Nhật Bản ngày nay không còn mang danh “cường quốc tăng trưởng thần tốc” như những năm 1980. Tuy nhiên, chính sự kết hợp giữa niềm tin, cấu trúc tài chính nội địa vững chắc, cùng vai trò cốt lõi trong dòng vốn toàn cầu đã giúp đồng Yên trở thành biểu tượng của “tài sản an toàn”, là một “bến đỗ” quen thuộc của giới đầu tư mỗi khi cơn bão kinh tế toàn cầu ập đến.
Nếu bạn thấy bài viết này có ích, đừng quên chia sẻ đến bạn bè và theo dõi Japan Life Guide Blog để tiếp tục khám phá những phân tích tài chính sâu sắc, kinh tế thú vị và cuộc sống đầy sắc màu tại Nhật Bản!
Hướng dẫn các bước cài đặt ban đầu và đăng nhập vào tài khoản chứng khoán Rakuten ở Nhật Bản.Các bạn có thể tải app iSPEED để đăng nhập trên điện thoại hoặc làm trực tiếp trên web.
Chào các bạn! Mình là Ain, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã học tập và làm việc ở Nhật hơn 10 năm, hiện nay đang làm công việc tự do chủ yếu liên quan đến Fintech. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v. Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người!