Đặc điểm đồng Yên – Các yếu tố ảnh hưởng đến đồng Yên Nhật

Update: 1341 lượt xem

yếu tố ảnh hưởng đến yên nhật

Đồng Yên Nhật là một trong những đơn vị tiền tệ quan trọng trên thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, giá trị của đồng Yên Nhật thường xuyên thay đổi, và việc hiểu rõ các nguyên nhân của sự thay đổi này là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về “đặc điểm của đồng Yên” và “các yếu tố gây ảnh hưởng đến đồng Yên Nhật”.

Lịch sử đồng Yên Nhật

Đồng Yên – Đơn vị tiền tệ đang được sử dụng Nhật Bản hiện nay, được ra đời vào đầu thời kỳ Minh Trị. Trước đó, vào thời Edo (1603-1868), các đơn vị như “ryo”, “bu” và “mon,” đã được sử dụng và chúng thường xuất hiện trong các bộ phim cổ trang ở Nhật Bản. Sau đó, vào cuối thời Edo, một lượng lớn đồng bạc do nước ngoài sản xuất đã chảy vào Nhật Bản, khiến cho hệ thống tiền của Nhật Bản đã rất hỗn loạn vào đầu thời kỳ Minh Trị.

Vì lý do này, chính phủ Minh Trị bắt đầu tạo ra một hệ thống tiền tệ thống nhất có thể được sử dụng trên khắp Nhật Bản. Vào tháng 5 năm 1871 (Minh Trị 4), “Sắc lệnh tiền tệ mới” đã được ban hành và các đơn vị tiền tệ mới của Nhật Bản đã được quyết định, đó là “yên”, “sen” và “rin”. Vào thời điểm này, 1 đô la Mỹ đổi được 1 đồng ryo vàng, vì vậy tỷ giá hối đoái của đồng yên là 1 đô la = 1 yên.

Trước đây, đồng xu rin từng có giá trị bằng 1/1.000 yên, nhưng hai tiểu đơn vị “sen” và “rin” đã không còn được lưu hành nữa, giờ đây chúng chỉ là món đồ ưu thích của các nhà sưu tập tiền cổ.

Tỷ giá Yên Nhật sau Thế chiến thứ hai

Từ năm 1949, một thời gian sau Thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã cố định tỷ giá hối đoái ở mức 1 đô la = 360 yên. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đã cố định tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của mỗi quốc gia và đồng đô la, cho rằng đồng đô la Mỹ có thể đổi lấy một lượng vàng cố định bất cứ lúc nào, như một bằng chứng về độ tin cậy của nó.

Tuy nhiên, vàng bắt đầu chảy ra nước ngoài do sự gia tăng của chi phí chiến tranh tại Việt Nam và các chính sách tiền tệ của Mỹ đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế .Đến năm 1971, Hoa Kỳ buộc phải đình chỉ trao đổi vàng và đô la (Nixon Shock). Để đối phó với cuộc khủng hoảng “Hiệp định Smithsonian” đã được ra đời để duy trì hệ thống tỷ giá hối đoái và từ năm 1973, hệ thống tỷ giá được chuyển sang “hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi” hoàn toàn. Đồng yên Nhật đã được định giá lại với 1 đô la = 308 yên và các đồng tiền chính khác của Tây Âu cũng được định giá lại.

POINT

Tỷ giá hối đoái thả nổi (Floating Exchange Rate) là một hệ thống tỷ giá hối đoái mà giá trị của đồng tiền được xác định bởi thị trường, tức là tỷ giá được quyết định bởi sự cung và cầu của nó trên thị trường ngoại hối.

Đặc trưng của đồng yên Nhật

Đồng yên Nhật có mã hiệu trên thị trường quốc tế là JPY (viết tắt của Japanese Yen) hoặc ký hiệu ¥ trước một giá trị số, chẳng hạn như ¥500. Yên Nhật là đồng tiền tệ quốc gia của Nhật Bản, được phát hành bởi Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan = BOJ). Đồng yên Nhật được sử dụng rộng rãi trong hoạt động thương mại và đầu tư trên toàn thế giới, và là một trong những đồng tiền tệ quan trọng trên thị trường ngoại hối. Dưới đây là những đặc điểm nổi bật của đồng yên Nhật.

1. Tính thanh khoản cao, khối lượng giao dịch đứng thứ 3 Thế giới

Đồng yên Nhật là một trong những đồng tiền có tính thanh khoản cao trên thị trường ngoại hối, với khối lượng giao dịch đứng thứ 3 Thế giới sau đô la Mỹ và Euro. Khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của đồng Yên Nhật ước tính khoảng 554 tỷ đô la Mỹ. Hơn nữa, Yên Nhật là đồng tiền có lượng dự trữ lớn thứ ba Thế Giới, ước tính chiếm khoảng 4,9% dự trữ tiền tệ toàn cầu.

Điều này có nghĩa là đồng yên Nhật được giao dịch rộng rãi và dễ dàng chuyển đổi sang các đồng tiền khác và ngược lại. Trong quá khứ, khi nền kinh tế toàn cầu mà trung tâm là Mỹ rơi vào tình trạng bất ổn, các nhà đầu tư trên thế giới có xu hướng đổ xô mua đồng yên Nhật với mục đích sơ tán tài sản tạm thời.

2. Được coi là tài sản trú ẩn an toàn

Đồng yên Nhật từ lâu đã được coi là một trong những tài sản trú ẩn an toàn trên thị trường tài chính toàn cầu. Hiện nay, kinh tế Nhật Bản không còn phát triển thịnh vượng như giai đoạn từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990, tuy nhiên nó vẫn ở mức ổn định khoảng 2% hàng năm. Cùng với chích sách tiền tệ khá cẩn trọng của Ngân hàng Nhật Bản, đồng yên Nhật được đánh giá cao về tính ổn định và độ tín nhiệm.

Khi thị trường xảy ra biến động hay bất ổn, nhiều nhà đầu tư thường chuyển sang đầu tư vào đồng yên Nhật như một cách để giảm thiểu rủi ro cho khoản đầu tư của mình. Đồng yên Nhật còn được xem là một tài sản trú ẩn trong trường hợp các sự kiện xấu xảy ra trên thị trường.

Ví dụ như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đồng yên Nhật đã trở thành một lựa chọn an toàn và được mua vào mạnh mẽ. Đến tháng 10 năm 2011, đồng yên Nhật đã ghi nhận mức cao lịch sử với tỷ giá 1 USD = 75.35 JPY.

3. Đại diện cho đồng tiền có lãi suất thấp

Đồng yên Nhật được coi là đại diện cho đồng tiền lãi suất thấp bởi vì chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản đã lâu nay luôn hướng tới mục tiêu giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn tình trạng deflation (giảm phát).

Sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là tại Mỹ, Fed đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 22 năm và với tốc độ khủng khiếp (4 lần 0.75% liên tiếp) để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, BOJ vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn, cụ thể lãi suất dài hạn (JGB 10Y) được đặt giới hạn trên ở quanh mức 0% và lãi suất ngắn hạn ở mức -0.1%.

Các yếu tố ảnh hưởng đến đồng Yên Nhật

Một yếu tố chính đằng sau biến động tỷ giá hối đoái là sự cân bằng cung và cầu giữa hai loại tiền tệ. Ví dụ, nhìn vào tỷ giá hối đoái của đồng yên, nếu có nhiều người muốn bán đồng yên và mua đồng đô la, thì sẽ có hiện tượng “đồng yên mất giá so với đồng đô la”. Vậy những yếu tố nào gây ra sự thay đổi cung và cầu này? 

Các yếu tố trung và dài hạn

1. Ảnh hưởng bởi lãi suất

Nhìn vào tác động của tỷ giá hối đoái và lãi suất, có một xu hướng chung là đồng tiền của các nước có lãi suất cao sẽ tăng giá và đồng tiền của các nước có lãi suất thấp sẽ mất giá. Chẳng hạn, nếu chỉ so sánh về lãi suất gửi tiết kiệm thì khi gửi vào tổ chức tài chính hoặc ngân hàng nào nhận được lãi nhiều hơn sẽ có lợi hơn.

Đối với tỷ giá hối đoái cũng giống vậy, nếu đồng yên Nhật có lãi suất thấp và đồng đô la Mỹ có lãi suất cao, nhiều người sẽ mua đồng đô la hơn và tỷ giá hối đoái sẽ di chuyển theo hướng “đồng yên mất giá so với đồng đô la.” BOJ sẽ quyết định lãi suất và các biện pháp khác thông qua chính sách tiền tệ của họ.

2. Ảnh hưởng bởi cán cân thương mại, tài khoản vãng lai

Cán cân thương mạitài khoản vãng lai đại diện cho dòng tiền ra vào giữa Nhật Bản với các quốc gia khác. Nhật Bản là một đất nước cho phép tự do di chuyển vốn, có nghĩa là tiền có thể vào và ra khỏi đất nước này cho mục đích đầu tư vào bất động sản, kinh doanh hoặc thương mại.

  • Khi tiền chảy vào Nhật Bản: điều này sẽ làm tăng nhu cầu đối với đồng yên Nhật và khiến đồng tiền của nước này tăng giá, nghĩa là nó trở nên có giá trị hơn so với đồng tiền của một quốc gia khác. Khi Ngân hàng Nhật Bản thắt chặt tiền tệ, dòng tiền có xu hướng chảy vào Nhật Bản.
  • Nếu dòng tiền chảy ra khỏi Nhật Bản: nó có thể khiến đồng tiền của nước này mất giá. Khi Ngân hàng Nhật Bản nới lỏng tiền tệ, dòng tiền có xu hướng chảy ra khỏi Nhật Bản.
thống kê thương mại Nhật Bản
Kết quả thống kê thương mại Nhật Bản từ năm 1950

Ví dụ, Nhật Bản là một đất nước nghèo tài nguyên và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chẳng hạn như dầu thô. Nhưng để thanh toán các mặt hàng nhập khẩu, nước này cần bán đồng yên và mua ngoại tệ như đồng đô la. Mặt khác, dòng tiền kiếm được từ lĩnh vực xuất khẩu (như ô tô, linh kiện điện tử ,v.v.) sẽ quay trở lại Nhật Bản bằng các bán ngoại tệ và mua đồng yên.

Vì vậy, cán cân thương mại và tài khoản vãng lai cũng là yếu tố ảnh hưởng đến đồng Yên Nhật. Khi cán cân thương mại hoặc tài khoản vãng lai thâm hụt, sẽ xuất hiện nhiều giao dịch bán đồng yên, dẫn đến “đồng yên yếu đi” và ngược lại.

3. Ảnh hưởng bởi giá cả trong nước

Khi giá cả hàng hoá tăng (hay còn gọi là lạm phát), lượng hàng hóa hoặc dịch vụ có thể được mua ở cùng một mức giá sẽ trở nên thấp đi, có nghĩa là giá trị của đồng tiền đã giảm xuống. Do đó, có thể nói khi Nhật Bản xảy ra lạm phát, đồng Yên sẽ có xu hướng yếu đi.

Ngược lại, khi giá cả hàng hoá giảm (hay còn gọi là giảm phát), lượng hàng hoá hoặc dịch vụ có thể được mua ở cùng một mức giá sẽ tăng lên, có nghĩa là giá trị của đồng tiền đã tăng lên. Do đó, có thể nói khi Nhật Bản xảy ra giảm phát, đồng Yên sẽ có xu hướng mạnh lên.

Tuy nhiên, đây chỉ là lý thuyết chung, nếu lạm phát tăng quá cao bắt buộc BOJ phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát thì dòng tiền từ nước ngoài sẽ chảy vào Nhật Bản, dẫn đến đồng yên mạnh lên và ngược lại.

Các yếu tố ngắn hạn

4. Chính trị

Các quyết định chính trị cũng ảnh hưởng đến đồng yên Nhật. Ví dụ, khi một đảng chính trị nào đó chiến thắng trong cuộc bầu cử hoặc thay đổi chính sách, thị trường sẽ có phản ứng đối với đồng yên Nhật. Nếu chính trị ổn định và có những động thái tích cực, đồng yên Nhật sẽ được đánh giá cao hơn, ngược lại nếu có những rủi ro chính trị, đồng yên Nhật có thể bị đánh giá thấp hơn.

Tuy nhiên, đồng yên Nhật Bản cũng có đặc điểm hơi khác thường là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn bởi sự biến động của các quốc gia khác hơn là bởi sự biến động của quốc gia mình. Đặc biệt, nó có xu hướng bị ảnh hưởng lớn bởi nền kinh tế Hoa Kỳ, nền kinh tế mà có mối quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản.

yếu tố ảnh hưởng đến yên nhật
Biến động giá yên trong 30 năm qua

Ví dụ về tác động của chính trị đến đồng yên Nhật là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Sau khi Donald Trump thắng cử và trở thành Tổng thống mới, đồng yên Nhật đã mất giá đáng kể so với USD, bởi vì nhà đầu tư tin tưởng vào kế hoạch kinh tế và chính trị của ông Trump có thể đưa đất nước Mỹ tăng trưởng phục hồi trở lại. Đồng thời họ tin rằng có thể sẽ có thêm các biện pháp kinh tế bảo vệ, điều này sẽ ảnh hưởng đến các nước khác, bao gồm Nhật Bản.

5. Can thiệp của BOJ

BOJ cũng thực hiện “can thiệp ngoại hối” trên thị trường ngoại hối dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài Chính, nhằm mục đích hạn chế những biến động đột ngột của tỷ giá hối đoái và giúp ổn định giá trị đồng yên Nhật.

Khi BOJ can thiệp vào thị trường ngoại hối, họ sẽ mua hoặc bán đồng yên Nhật để thay đổi tỷ giá hối đoái. Nếu BOJ muốn giảm giá trị đồng yên Nhật, họ sẽ bán đồng yên và mua loại tiền tệ khác như USD hoặc EUR. Ngược lại, nếu BOJ muốn tăng giá trị đồng yên, họ sẽ mua đồng yên và bán loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, việc can thiệp của BOJ không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong muốn. Thị trường ngoại hối có tính kháng cự mạnh mẽ, và các nhà giao dịch thường có xu hướng phản ứng lại với các biện pháp can thiệp của ngân hàng trung ương.

Tóm tắt

Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về đặc điểm của đồng Yên Nhật, một trong những đồng tiền quan trọng nhất trên thị trường tài chính thế giới. Yên Nhật là đồng tiền lưu thông tại thứ ba nhiều nhất trên thế giới sau USD và Euro, và được xem là tài sản trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nó cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị trong nước và quốc tế.

Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến đồng yên Nhật là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đặc biệt là “lãi suất“. Ngoài ra, cán cân thương mại, sự biến động của giá và sự ảnh hưởng của các sự kiện chính trị quốc tế cũng có tác động đáng kể đến đồng yên Nhật.

Đồng yên vẫn là một đồng tiền quan trọng trên thị trường ngoại hối. Điều này là do tính thanh khoản cao của nó, cùng với tầm quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản trong nền kinh tế thế giới. Tóm lại, để hiểu rõ hơn về đặc điểm và các yếu tố ảnh hưởng đến đồng yên Nhật, cần phải cập nhật thường xuyên và theo dõi các thông tin kinh tế, chính trị và xã hội liên quan đến Nhật Bản và thị trường ngoại hối quốc tế.

5/5 - (2 bình chọn)

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

rút tiền từ tài khoản chứng khoán

Hướng dẫn rút tiền từ tài khoản chứng khoán Rakuten Shoken

Sau khi nộp tiền vào tài khoản và bắt tay vào đầu tư thì rất nhiều người băn khoăn và lo lắng về vấn đề “rút tiền về tài khoản ngân hàng như thế nào”

quỹ cân bằng

Quỹ cân bằng là gì? Bí quyết đảm bảo tài chính dài hạn

Quỹ cân bằng là một loại quỹ đầu tư hỗn hợp, kết hợp đầu tư vào nhiều lớp tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu và phân tán đa quốc gia.

cpi nhật bản tháng 3 năm 2022

Chỉ số giá tiêu dùng CPI Nhật Bản tháng 3 năm 2022 tăng 0,8%

Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi không bao gồm thực phẩm tươi sống (CPI) trong tháng 3 năm 2022 tăng 0,8% so với năm trước do ảnh hướng giá năng lượng.

doanh nghiệp nhật tỷ giá

Đồng Yên yếu, doanh nghiệp Nhật Bản kiếm 2000 tỷ yên nhờ tỷ giá

Hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản hưởng lợi lớn nhờ việc đồng Yên mất giá, 20 công ty lớn sẽ thu thêm 2 nghìn tỷ yên nhờ chênh lệch tỷ giá.

tập đoàn softbank

Tập đoàn SoftBank lỗ nặng 2 năm liên tiếp và kỳ vọng IPO 10 tỷ đô

Lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn công nghệ đa quốc gia SoftBank Group (SBG) chìm trong sắc đỏ năm thứ 2 liên tiếp, với mức lỗ ròng 970 tỷ yên.

Chào các bạn! Mình là Anh, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã ở Nhật hơn 10 năm, đang sống ở Saitama và công việc chính hiện tại của mình là SE . Sở thích của mình là chơi thể thao, đi du lịch và đọc sách. Câu nói mà mình yêu thích nhất:”Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà Hạnh Phúc là một con đường” của thiền sư “Thích Nhất Hạnh”. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người.

error: Xin đừng copy em !!!