3 lý do cổ phiếu “không tăng” mặc dù doanh nghiệp báo lãi khủng

Update: 210 lượt xem

Khi lật giở trang báo cáo tài chính mới nhất của các công ty Nhật, chắc bạn đã không ít lần giật mình tự hỏi: ” Ủa! Lý do vì sao giá cổ phiếu không tăng dù doanh nghiệp báo lãi khủng?” Một công ty bán hàng đạt kỷ lục, lợi nhuận tăng 30%, thậm chí 50%, nhưng giá cổ phiếu không những không nhích lên mà còn lặng lẽ trượt dốc. Đây không phải hiện tượng hiếm gặp, mà là bài toán tâm lý thị trường phức tạp, nơi những con số “đẹp như mơ” đôi khi chỉ là tảng băng nổi trên mặt nước.

Thực tế, thị trường chứng khoán vận hành như một cỗ máy dự báo tương lai, luôn đi trước hiện tại từ 6 đến 12 tháng. Những gì bạn thấy hôm nay, báo cáo doanh thu rực rỡ, lợi nhuận cao kỷ lục có thể đã được “định giá” từ nhiều tháng trước đó. Và khi kỳ vọng trở thành hiện thực, thay vì tiếp tục tăng giá, cổ phiếu lại rơi vào trạng thái “mua vào thì sợ, bán ra thì tiếc”.

Bài viết này không chỉ giải mã 3 nguyên nhân cốt lõi, mà còn hé lộ chiến lược giúp bạn né “bẫy” và tìm đúng thời điểm vàng.

Tình trạng nghịch lý: Công ty “ăn nên làm ra” nhưng cổ phiếu vẫn “ngủ đông”

Theo Tạp chí Shikiho mùa xuân 2025, không khó để nhận thấy hàng loạt tiêu đề tích cực được điểm xuyết khắp các trang giấy, phản ánh một bức tranh kinh doanh tiếp tục khởi sắc của các doanh nghiệp niêm yết. Điều này cho thấy sức khỏe tài chính của khu vực doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang trong trạng thái tốt.

Tuy nhiên, đối với những người mới tham gia thị trường chứng khoán (初心者), họ thường có suy nghĩ đơn giản rằng: “Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt như vậy, cổ phiếu chắc chắn phải tăng giá mạnh”. Nhưng khi quan sát kỹ biến động thực tế của thị trường, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra thực tế không hề đơn giản như vậy!

Trong hệ thống đánh giá của Tạp chí Shikiho, cụm từ “Tuyệt vời – 絶好調” được cho là mức độ tích cực cao nhất. Nhưng nghịch lý thay, ngay cả khi một doanh nghiệp được gắn mác “Tuyệt vời” như vậy, giá cổ phiếu của họ không những không tăng mà thậm chí còn có xu hướng đi xuống, một hiện tượng xảy ra thường xuyên hơn nhiều người tưởng. Đây chính là thực tế phũ phàng mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần thấu hiểu!

Giải mã 3 lý do “ẩn khuất” đằng sau việc giá cổ phiếu không tăng dù báo lãi khủng

Lý do 1: Kịch bản đã được thị trường dự đoán trước

Thị trường chứng khoán hoạt động như một cỗ máy dự đoán tương lai. Khi một công ty liên tục vượt kỳ vọng, các quỹ đầu tư sẽ mua vào trước để hưởng lợi từ tin tốt. Đến khi báo cáo chính thức công bố, dù ấn tượng, giá đã phản ánh hết tiềm năng.

Ví dụ: Một cổ phiếu có P/E ở mức hợp lý là 20 lần, nhưng khi thị trường sốt nóng, nó có thể bị đẩy 100 lần. Khi bong bóng vỡ, giá sẽ lao dốc về mức 20 lần – tức giảm 80%! Dù báo cáo vẫn ghi “tăng trưởng kỷ lục”, thị trường đã “chốt lời” từ trước.

Một ví dụ điển hình là cổ phiếu ngành bán dẫn Renesas Electronics (TYO: 6723) đã tăng vọt hơn gấp 2 lần trong chỉ trong vòng một năm từ 2023-2024 nhờ kỳ vọng lớn từ xu hướng AI. Tuy nhiên, khi doanh thu thực tế chạm đỉnh, giá cổ phiếu lại không tiếp tục tăng mà bắt đầu đi ngang, sau đó lao dốc mạnh. Nguyên nhân là báo cáo tài chính thiếu yếu tố bất ngờ, và công ty còn đưa ra dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm tài chính tới, thấp hơn so với kỳ vọng mà thị trường đã “đặt cược” từ trước.

lý do cổ phiếu không tăng dù lãi khủng
Biểu đồ thể hiện lợi nhuận và giá cổ phiếu của Renesas

Bạn đã từng nghe “Buy the rumor sell the newsMua tin đồn bán tin thật” chưa? Câu thần chú này trong tiếng Nhật là “噂で買って事実で売れ”. Ý nghĩa của câu này là: “Khi một tin đồn tốt xuất hiện, cổ phiếu thường đã được mua vào từ trước và giá cổ phiếu hiện tại đã phản ánh kỳ vọng đó (tức là đã được thị trường tính trước rồi). Và đến khi tin đồn được xác nhận bằng sự thật, chẳng hạn như kết quả kinh doanh tích cực, thì cổ phiếu đã bắt đầu bị bán ra. Câu châm ngôn này nhấn mạnh bài học rằng giá cổ phiếu thường phản ánh kỳ vọng (dù là tốt hay xấu) từ trước khi thông tin chính thức được công bố.

Tất nhiên, không phải lúc nào các châm ngôn cũng đúng hoàn toàn, nhưng nếu gặp trường hợp “kết quả kinh doanh tốt mà cổ phiếu vẫn giảm giá”, thì rất có thể điều đó đã được thị trường “định giá trước” đúng như ý nghĩa của câu nói trên.

Lý do 2: Triển vọng tương lai mờ nhạt

Trên thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư hay các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp không nhìn vào những gì đã xảy ra, mà họ luôn hướng đến những gì sắp xảy ra.

Nếu công ty hoặc giới phân tích (コンセンサス) dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại vì kinh tế toàn cầu yếu hay đơn hàng giảm, thì dù lợi nhuận hiện tại có tốt đến đâu, cổ phiếu có thể vẫn sẽ bị bán ra. Đặc biệt, điều này rất thường gặp ở nhóm cổ phiếu chu kỳ như sản xuất, công nghiệp nặng ,v.v. vốn rất nhạy cảm với diễn biến vĩ mô. Chúng có thể có P/E rất thấp, tức là “giá rẻ”, nhưng vẫn không có ai mua. Vì đơn giản: “cá mập” đã rút khỏi bàn chơi, họ không còn tin rằng doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tiếp.

Một số dấu hiệu dễ dẫn đến bán tháo cổ phiếu:

  • Ngành hàng bão hòa: Tăng trưởng doanh số chậm lại, thị phần không còn mở rộng, điển hình là smartphone.
  • Mất lợi thế cạnh tranh: Đối thủ Trung Quốc giảm giá, công nghệ trở nên lạc hậu, điển hình là xe điện EV.
  • Thiếu đổi mới: Không có sản phẩm đột phá, R&D cắt giảm, đội ngũ lãnh đạo thiếu tầm nhìn.

Fanuc(TYO: 6954) từng được coi là “cỗ máy in tiền”, với lợi nhuận đều đặn qua nhiều năm nhờ công nghệ Robot. Thế nhưng, dù P/E xuống dưới 30 lần (mức thấp hơn trung bình P/E của Fanuc từ trước đến nay), cổ phiếu của họ vẫn bị nhà đầu tư lạnh nhạt. Lý do? Thị trường lo ngại nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu, trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Fanuc. Kết quả là giá cổ phiếu trì trệ suốt một thời gian dài, bất chấp kết quả kinh doanh vẫn tích cực.

lý do cổ phiếu không tăng dù lãi khủng
Biểu đồ thể hiện P/E và giá cổ phiếu Fanuc

Lý do 3: Dòng tiền thị trường

Lý do thứ ba là việc giá cổ phiếu thực sự đang ở mức rẻ nhưng vẫn bị thị trường phớt lờ, không được chú ý đúng mức.

Trong vài năm trở lại đây, với bối cảnh lạm phát gia tăng và lãi suất duy trì ở mức cao, dòng tiền trên thị trường chứng khoán có xu hướng đổ vào nhóm cổ phiếu phòng thủ như điện lực, y tế. Những lĩnh vực này được cho là an toàn hơn thay vì các cổ phiếu tăng trưởng. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp nhỏ dù có P/B dưới 1 lần (tức giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách) và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, vẫn bị “đóng băng” trên thị trường vì không thu hút được dòng tiền đầu tư.

Trường hợp như vậy xảy ra khá thường xuyên: doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, nhưng cổ phiếu vẫn “ngủ đông”. Lý do là vì nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn hoặc nhà đầu tư nước ngoài thường đã chuyển trọng tâm sang những lĩnh vực khác, nơi mà họ nhìn thấy triển vọng rõ ràng hơn trong tương lai gần.

  • Cổ phiếu phòng thủ (ディフェンシブ株): điện lực, viễn thông, y tế, tiêu dùng thiết yếu.
  • Cổ phiếu cổ tức cao (高配当株): mang lại thu nhập định kỳ giữa thời kỳ bất ổn.

Vậy khi nào nên mua?

Đối với những nhà đầu tư cá nhân như chúng ta, nếu phát hiện ra những cổ phiếu như vậy, thì về dài hạn có thể sẽ thu được lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, trên thực tế việc phân biệt đâu là “viên ngọc ẩn mình” và đâu là “bẫy giá rẻ” không hề dễ dàng chút nào!

Đó là lý do vì sao các chuyên gia khuyên rằng, dù cổ phiếu có vẻ rẻ, bạn không nên bắt dao rơi ngay trong lúc giá đang tiếp tục giảm. Hãy kiên nhẫn quan sát, chỉ mua vào khi có dấu hiệu giá chạm đáy và bắt đầu hồi phục!

Một cách tiếp cận thông minh là kết hợp với phân tích kỹ thuật. Bởi vì giá cổ phiếu phản ánh hành vi của toàn bộ thị trường, nên nếu kết quả kinh doanh tốt mà giá vẫn giảm, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang lo ngại về triển vọng tương lai. Khi đó, biểu đồ giá sẽ cho bạn tín hiệu rõ hơn so với chỉ nhìn vào báo cáo tài chính.

Cụ thể, bạn nên đặt ra cho mình một quy tắc đơn giản mà ai cũng có thể áp dụng. Ví dụ đơn giản: nếu giá cổ phiếu cắt xuống dưới đường trung bình động (MA200), thì bán ra, nếu vượt lên trên thì mua vào.

Tóm lại, nhà đầu tư cá nhân không nên chỉ nhìn vào báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp, mà cần kết hợp diễn biến giá cổ phiếu và xu hướng thị trường (đặc biệt là động thái của các quỹ đầu tư lớn) để đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn!

Kết luận

Đầu tư chứng khoán không chỉ đơn thuần là việc chọn ra những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, mà còn là nghệ thuật hiểu được thị trường đang kỳ vọng điều gìhành động ra sao. Với ba lý do khiến giá cổ phiếu không tăng dù doanh nghiệp báo lãi khủng mà mình đã đề cập trong bài, bạn nên ghi nhớ rằng: Giá cổ phiếu không phải lúc nào cũng phản ánh thực tế hiện tại, mà phản ánh cảm xúc và kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai!

Với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ như chúng, bài học quan trọng là đừng chỉ nhìn vào “con số đẹp” trên báo cáo tài chính, mà hãy quan sát thêm cả dòng tiền, xu hướng ngành và các tín hiệu kỹ thuật. Đôi khi, ôm tiền mặt, kiên nhẫn đứng ngoài và chờ đợi “sóng gió qua đi” lại là chiến lược khôn ngoan nhất.

Và điều quan trọng nhất, giá trị thật luôn được thị trường công nhận vào một ngày nào đó, chỉ là câu hỏi “khi nào” mà thôi. Công việc của bạn là không bỏ lỡ cơ hội, nhưng cũng không để lòng tham khiến mình lao vào sớm!

Nếu thấy bài viết có ích hãy Chia sẻ để mọi người cùng biết nhé!

Đánh giá

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

giám đốc seven i

Seven & i HD thay giám đốc, mua lại cổ phần chấn động Nhật Bản

Vào ngày 6/3, Seven & i Holdings(TYO:3382) đã chính thức công bố bổ nhiệm ông Stephen Hayes Dacus (64 tuổi) làm Chủ tịch kiêm Giám đốc mới. Ông Dacus từng là CEO của Seiyu và là thành viên hội đồng quản trị bên ngoài của Seven & i. Trong khi đó, ông Ryuichi Isaka (67 tuổi), người hiện đang giữ chức Chủ tịch kiêm CEO, vẫn sẽ ở lại tập đoàn và đảm nhiệm vai trò Cố vấn đặc biệt. Trong bối cảnh Seven & i đang nhận được đề xuất mua lại từ một công ty cùng ngành tại …

phiếu ưu đãi cổ đông ở nhật

TOP 10 phiếu ưu đãi cổ đông ở Nhật được bình chọn cho 2024

Khám phá top 10 phiếu ưu đãi cổ đông ở Nhật Bản trong năm nay. Tận hưởng các chính sách ưu đãi hấp dẫn từ các công ty hàng đầu tại đất nước mặt trời mọc.

toyota giảm sản lượng

Toyota Motor giảm sản lượng 40% vì tình trạng thiếu chip

Tập đoàn ô tô Toyota đã thông báo sẽ giảm 40% sản lượng toàn cầu trong tháng 9 vì cuộc khủng hoảng chip toàn cầu và ảnh hưởng của dịch Covid-19.

gdp quý 1 năm 2021 của nhật bản

GDP quý 1 năm 2021 của Nhật Bản tăng trưởng âm vì ảnh hưởng COVID-19

GDP quý 1 năm 2021 của Nhật Bản đã giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 1,3% so với quý trước đó.

cân bằng việc học và làm thêm

DU HỌC NHẬT BẢN:Bí quyết cân bằng giữa việc học và làm thêm

Trong tâm trí của nhiều người, được đi “DU HỌC”, được ra nước ngoài chắc chắn sẽ có cuộc sống sung túc với mức thu nhập cao ngất ngưỡng. Nhưng thực chất rất vất vả về mặt tinh thần lẫn thể chất.

Chào các bạn! Mình là Ain, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã học tập và làm việc ở Nhật hơn 10 năm, hiện nay đang làm công việc tự do chủ yếu liên quan đến Fintech. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người!

error: Xin đừng copy em !!!
S