Top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất Nhật Bản năm 2024

Update: 2272 lượt xem

công ty vốn hóa lớn nhất nhật bản

Nhật Bản được xem là một trong những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới với nhiều công ty hoạt động đa quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế và đóng góp vào sự phát triển của đất nước này. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những công ty có vốn hóa lớn nhất tại Nhật Bản và phân tích về các yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của chúng.

Trên thị trường chứng khoán Tokyo vào ngày 22 tháng 3, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 39.098 yên, phá vỡ mức cao nhất mọi thời đại đạt được vào cuối năm 1989 trong thời kỳ nền kinh tế bong bóng.

Xem thêm: CHỨNG KHOÁN NHẬT BẢN ĐẠT MỨC CAO NHẤT MỌI THỜI ĐẠI

Top 1: Tập đoàn Toyota Motor (TYO: 7203)

Tập đoàn ô tô Toyota (Toyota Motor Corporation) là nhà sản xuất ô tô toàn cầu được thành lập vào năm 1937 bởi ông Toyoda Kiichiro và có trụ sở chính tại thành phố Toyota, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Với hơn 80 năm phát triển, Toyota đã trở thành một trong những thương hiệu ô tô nổi tiếng và uy tín nhất trên toàn cầu.

Xem thêm: TOYOTA TIẾT LỘ SẼ TUNG 10 XE EV THẾ HỆ MỚI

Tập đoàn Toyota được niêm yết tại phân khúc thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) với mã chứng khoán là 7203. Giá trị vốn hóa thị trường hiện nay của Toyota là 63.171 tỷ yên tương đương với khoảng 417 tỷ USD (tỷ giá USD/JPY = 151.4, cập nhật 15:30 ngày 22/3/2024). Toyota là một công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất tại Nhật Bản trong nhiều năm liên tiếp.

Toyota là một tập đoàn đa quốc gia, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm sản xuất ô tô, tài chính, robot, thiết bị y tế và các sản phẩm liên quan đến năng lượng sạch. Hãng Toyota được biết đến với việc sản xuất những dòng xe ô tô chất lượng cao, tiết kiệm nhiên liệu và có độ bền cao.

Mặc dù, dịch Covid-19 đã khiến Toyota gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm tài khoá 2023 (từ 1/4/2022 – 31/3/2022), nhưng họ vẫn bán ra được 8.822.000 chiếc xe trên toàn cầu (tăng 7,2%). Doanh thu của Toyota đã tăng 18,5% so với năm 2022 ghi nhận hơn 37.154 tỷ yên, tuy nhiên do giá nguyên liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất khiến lợi nhuận gộp giảm 14% xuống 2.451 tỷ yên. Toyota cũng đưa ra dự báo mạnh mẽ cho năm tài khoá 2024 với doanh thu tăng 17% lên 43.500 tỷ yên và lợi nhuận ròng tăng 83,6% lên 4.500 tỷ yên.

Top 2: Ngân hàng Mitsubishi UFJ (TYO: 8306)

Ngân hàng Mitsubishi UFJ (MUFG) là một trong những ngân hàng lớn nhất và có uy tín nhất tại Nhật Bản. Được thành lập từ sự hợp nhất giữa Mitsubishi Tokyo Financial Group và UFJ Holdings vào năm 2005, MUFG đã trở thành ngân hàng có quy mô lớn với các hoạt động trải rộng khắp thế giới.

Ngân hàng MUFG được niêm yết tại phân khúc thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) với mã chứng khoán là 8306. Giá trị vốn hoá thị trường hiện nay của ngân hàng MUFG là 19.765 tỷ yên tương đương với khoảng 131 tỷ USD (tỷ giá USD/JPY = 151.4, cập nhật 15:30 ngày 22/3/2024).

Với hơn 150 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, MUFG cung cấp các dịch vụ ngân hàng đa dạng cho các khách hàng trong và ngoài nước, bao gồm các dịch vụ ngân hàng cá nhân, doanh nghiệp, đầu tư và tài chính toàn cầu. MUFG cũng là một trong những nhà cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu cho các công ty lớn trên toàn cầu.

Theo báo cáo tài chính của MUFG, doanh thu của tập đoàn này đạt 6.075 tỷ yên và lợi nhuận ròng đạt 1.130 tỷ yên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2023. Với tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm gần 4%, cổ phiếu của MUFG là một trong những cổ phiếu hấp dẫn tại thị trường chứng khoán Nhật Bản. Đối với năm tài khoá 2024, tập đoàn MUFG cũng đưa ra dự báo mạnh mẽ với lợi nhuận ròng 1.300 tỷ yên tăng 16,4% so với năm trước.

Top 3: Tokyo Electron Ltd (TYO: 8035)

Tokyo Electron Ltd (TEL) là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ chế tạo thiết bị bán dẫn và chế tạo mạch in. TEL được thành lập vào năm 1963 và có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản. TEL đã mở rộng hoạt động kinh doanh và có sự hiện diện toàn cầu thông qua việc thành lập các chi nhánh và nhà máy sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau. Công ty không chỉ phục vụ thị trường trong nước Nhật Bản mà còn xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ của mình đến các quốc gia trên toàn thế giới.

TEL được niêm yết tại phân khúc thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) với mã chứng khoán là 8035. Giá trị vốn hoá thị trường hiện nay của TEL là 18.549 tỷ yên tương đương với khoảng 123 tỷ USD (tỷ giá USD/JPY = 151.4, cập nhật 15:30 ngày 22/3/2024).

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2023, doanh thu của TEL tăng 10,2% đạt 2.209 tỷ yên và lợi nhuận ròng tăng 8% lên khoảng 471 tỷ yên. Đây là năm thứ hai liên tiếp TEL đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục. Tuy nhiên, đối với năm tài chính 2024, TEL đưa ra dự báo giảm doanh thu 17% xuống 1.830 tỷ yên và lợi nhuận ròng giảm khoảng 28% xuống 340 tỷ yên ,do phong trào trì hoãn đầu tư vào thiết bị sản xuất chất bán dẫn ngày càng tăng lên.

Top 4: KEYENCE CORPORATION (TYO: 6861)

Keyence Corporation là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Osaka, Nhật Bản. Được thành lập vào năm 1974, Keyence nhanh chóng trở thành một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Tên gọi của công ty là viết tắt của “Key of Science” (chìa khóa của khoa học), thể hiện sự cam kết của Keyence với việc nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến.

Keyence được niêm yết tại phân khúc thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) với mã chứng khoán là 6861. Giá trị vốn hóa thị trường hiện nay của Keyence là 17.470 tỷ yên tương đương với khoảng 115 tỷ USD (tỷ giá USD/JPY = 151.4, cập nhật 15:30 ngày 22/3/2024).

Lĩnh vực hoạt động của Keyence là sản xuất và phân phối các sản phẩm và thiết bị cho ngành công nghiệp, bao gồm các thiết bị đo lường, kiểm tra và xử lý ảnh, cảm biến FA và các sản phẩm liên quan đến tự động hóa công nghiệp. Các sản phẩm của Keyence được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như sản xuất ô tô, điện tử, chế tạo máy, y tế và nhiều ngành công nghiệp khác.

Theo báo cáo tài chính năm 2023, Keyence đã đạt doanh thu hơn 920 tỷ yên và lợi nhuận ròng hơn 360 tỷ yên tăng gần 20%, đặt công ty này vào vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ cao tại Nhật Bản. Kết thúc quý 3 năm tài khoá 2024, Keyence đã ghi nhận kết quả lũy kế (thừ tháng 4 đến tháng 12 năm 2023) với doanh thu 707 tỷ yên và lợi nhuận ròng 266 tỷ yên giảm khoảng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Top 5: Tập đoàn Sony (TYO: 6758)

Sony Group là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới, được thành lập vào năm 1946 tại Nhật Bản bởi Masaru Ibuka và Akio Morita. Sony Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm sản xuất điện tử tiêu dùng, thiết bị viễn thông, hệ thống giải trí như máy chơi game, máy nghe nhạc, máy quay phim và sản phẩm âm thanh cao cấp. Với hơn 75 năm phát triển, Sony đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng và uy tín với rất nhiều sản phẩm đa dạng.

Sony Group được niêm yết tại phân khúc thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) với mã chứng khoán là 6758. Giá trị vốn hóa thị trường hiện nay của Sony Group là 16.964 tỷ yên tương đương với khoảng 112 tỷ USD (tỷ giá USD/JPY = 151.4, cập nhật 15:30 ngày 22/3/2024).

Theo báo cáo tài chính năm 2023, doanh thu của Sony Group tăng 16,3% lên ghi nhận 11.540 tỷ yên và lợi nhuận ròng đạt 937 tỷ yên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lạm phát Sony Group đã đưa ra dự báo ảm đạm cho năm tài chính 2024 với doanh thu 12.300 tỷ yên chỉ tăng 6,5% và lợi nhuận ròng giảm 1,8% xuống còn 920 tỷ yên. Mặt khác, Sony đã điều chỉnh tăng cổ thức thêm 10 yên lên 85 yên cho năm tài khoá kết thúc vào tháng 3 năm 2024.

Top 6: NTT (TYO: 9432)

NTT hay còn gọi là Tập đoàn Viễn thông Nhật Bản là một trong những tập đoàn viễn thông hàng đầu trên thế giới. Công ty được thành lập vào năm 1952 tại Tokyo, Nhật Bản, với tên gọi là Nippon Telegraph and Telephone Public Corporation. Sau đó, vào năm 1985, công ty này đã tư nhân hóa và đổi tên thành NTT Corporation, trong bối cảnh tự do hóa viễn thông.

NTT được niêm yết tại phân khúc thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) với mã chứng khoán là 9432. Giá trị vốn hóa thị trường hiện nay của NTT là 16.616 tỷ yên tương đương với khoảng 110 tỷ USD (tỷ giá USD/JPY = 151.4 cập nhật 15:30 ngày 22/3/2024).

NTT hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm viễn thông di động, mạng cố định, truyền thông và giải pháp công nghệ thông tin. Ngoài ra, NTT cũng cung cấp dịch vụ quản lý hạ tầng viễn thông cho các khách hàng doanh nghiệp và cơ quan chính phủ.

Trong năm tài chính 2023, NTT tiếp tục ghi nhận doanh thu cao kỷ lục với hơn 13.136 tỷ yên và lợi nhuận ròng hơn 1.200 tỷ yên. Cơ cấu cổ đông của NTT bao gồm Bộ trưởng Bộ tài chính với tỷ lệ nắm giữ cổ phần hơn 32% nên cổ phiếu của NTT được cho là một trong những cổ phiếu biến động ổn định nhất ở Nhật Bản. Ngoài ra, cùng với hiệu suất kinh doanh tốt, tài chính doanh nghiệp vững vàng và tỷ lệ chi trả cổ tức cao, cổ phiếu NTT được nhiều nhà đầu tư lựa chọn làm cổ phiếu trụ (cổ phiếu giá trị) trong danh mục đầu tư.

Top 7: Fast Retailing (TYO: 9983)

Fast Retailing là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Nhật Bản, được thành lập vào năm 1963 với tên gọi Ogori Shoji Co., Ltd. Sau khi chuyển đổi thành Fast Retailing Co., Ltd vào năm 1991, công ty đã nhanh chóng phát triển và trở thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Nhật Bản.

Xem thêm: TOP 10 TỶ PHÚ NHẬT BẢN, ÔNG CHỦ UNIQLO DẪN ĐẦU

Fast Retailing được niêm yết tại phân khúc thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) với mã chứng khoán là 9983. Giá trị vốn hóa thị trường hiện nay của Fast Retailing là 15.087 tỷ yên tương đương với khoảng 100 tỷ USD (tỷ giá USD/JPY = 151.4, cập nhật 15:30 ngày 22/3/2024).

Lĩnh vực hoạt động chính của Fast Retailing là thiết kế, sản xuất và bán các sản phẩm thời trang, bao gồm các thương hiệu Uniqlo, GU, Theory, Comptoir des Cotonniers và J Brand. Công ty cũng đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như bán hàng trực tuyến và kinh doanh bán lẻ tại các thị trường quốc tế.

Về doanh thu và lợi nhuận, theo báo cáo tài chính của Fast Retailing, công ty đã đạt doanh thu gộp là 2.766 tỷ yên và lợi nhuận ròng 296 tỷ yên trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 8 năm 2023. Tập đoàn này cũng đưa ra dự báo mạnh mẽ cho năm tài khoá 2024 với mức tăng trưởng doanh thu 10% lên 3.050 tỷ yên và lợi nhuận gộp là 310 tỷ yên tăng gần 5% so với năm trước.

Top 8: Mitsubishi Corporation (TYO: 8058)

Mitsubishi Corporation là một công ty thương mại đa quốc gia có trụ sở tại Nhật Bản, được thành lập vào năm 1954 và là một phần của Tập đoàn Mitsubishi. Hiện nay, Mitsubishi Corporation đang là một trong những công ty thương mại hàng đầu tại Nhật Bản và hoạt động rộng khắp trên toàn cầu.

Mitsubishi Corporation hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, bao gồm xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế, dịch vụ tài chính, cung cấp nguyên vật liệu công nghiệp và hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ hậu cần và vận tải, và nhiều lĩnh vực khác.

Mitsubishi Corporation được niêm yết tại phân khúc thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) với mã chứng khoán là 8058. Giá trị vốn hoá thị trường hiện nay của Mitsubishi Corporation là 14.927 tỷ yên tương đương với khoảng 99 tỷ USD (tỷ giá USD/JPY = 151.4, cập nhật 15:30 ngày 22/3/2024).

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2023, doanh thu của Mitsubishi Corporation tăng 25% đạt 21.571 tỷ yên và lợi nhuận ròng tăng 27,4% lên gần 810 tỷ yên. Tuy nhiên, công ty này đưa ra dự báo rằng mức tăng trưởng lợi nhuận cho năm tài chính 2024 sẽ giảm xuống khoảng 20%. Mặt khác, họ sẽ thay đổi mức chi trả cổ tức xuống còn 140 yên/cổ phiếu (tỷ suất cổ tức khoảng 5%/năm) do đợt chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 1:3 đã diễn ra vào tháng 12 năm 2023.

Top 9: Shin-Etsu Chemical (TYO: 4063)

Công ty Shin-Etsu Chemical Co., Ltd. là một trong những công ty hóa chất lớn nhất và đa dạng nhất trên thế giới có trụ sở chính tại Nhật Bản, được thành lập vào ngày 25 tháng 9 năm 1926. Shin-Etsu Chemical hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: vật liệu công nghiệp, nhựa PVC, silicon, điện tử, vật liệu bán dẫn, nam châm đất hiếm, xử lý Micro LED hay dược phẩm.

Shin-Etsu Chemical đã đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng. Theo báo cáo tài chính của công ty cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2023, doanh thu của Shin-Etsu Chemical tăng trưởng 35% đạt khoảng 2.808 tỷ yên và lợi nhuận ròng là khoảng 708 tỷ yên, tăng trưởng hơn 40%. Tuy nhiên, đối với năm 2024, họ đưa ra dự báo ảm đạm với doanh thu giảm 18% và lợi nhuận ròng giảm gần 27% xuống còn 520 tỷ yên.

Shin-Etsu Chemical được niêm yết tại phân khúc thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) với mã chứng khoán là 4063. Giá trị vốn hóa thị trường hiện nay của Shin-Etsu Chemical là 13.760 tỷ yên tương đương với khoảng 91 tỷ USD (tỷ giá USD/JPY = 151.4, cập nhật 15:30 ngày 22/3/2024).

Top 10: SoftBank Group (TYO: 9984)

SoftBank Group là một trong những tập đoàn đa ngành và hoạt động đa quốc gia lớn nhất tại Nhật Bản. SoftBank được thành lập vào năm 1981 bởi Masayoshi Son, một nhà khởi nghiệp người Nhật gốc Hàn. Từ một công ty phần mềm, SoftBank đã mở rộng hoạt động vào nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm viễn thông, internet, thiết bị di động, năng lượng, tài chính và đầu tư công nghệ.

SoftBank Group (SBG) được niêm yết tại phân khúc thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) với mã chứng khoán là 9984. SBG là một trong những công ty có vốn hóa trị trường lớn nhất ở Nhật Bản. Giá trị vốn hóa thị trường hiện nay của SBG là 13.593 tỷ yên tương đương với khoảng 90 tỷ USD (tỷ giá USD/JPY = 151.4, cập nhật 15:30 ngày 22/3/2024).

Trong lĩnh vực viễn thông, SoftBank là nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ ba tại Nhật Bản, sau NTT DoCoMo và KDDI. SBG cũng có một số công ty con chuyên về phát triển và sản xuất thiết bị di động. SoftBank nổi tiếng với quỹ đầu tư mạo hiểm Vison Fund, đầu tư vào nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới như Uber, Alibaba, Arm Holdings, klook hay Nvidia ,v.v.

lợi nhuận của softbank
Biểu đồ thể hiện doanh thu và lợi nhuận của SoftBank Group

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2023, doanh thu gộp của SBG tăng 5% đạt 6.570 tỷ yên và lỗ ròng 970 tỷ yên, mức thua lỗ đã được thu hẹp so với năm trước. Trong năm tài chính 2023, công ty công nghệ ở nước ngoài mà SBG đầu tư đã không hoạt động hiệu quả do lãi suất tăng cao, điều đó đã khiến SBG tiếp tục thua lỗ. Danh mục quỹ đầu tư mạo hiểm SVF nổi tiếng đã tiếp tục thua lỗ 5.322 tỷ yên trong năm 2023, mặc dù đã bán cổ phần Alibaba và thu về lợi nhuận 4.838 tỷ yên.

Xem thêm: Điều gì đang xảy ra với SoftBank Group?

Tổng kết

Trên đây là top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất tại Nhật Bản, mỗi công ty đều có chiến lược và hoạt động trong lĩnh vực khác nhau. Dù vậy, tất cả đều là những tập đoàn hàng đầu của đất nước Mặt trời mọc và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của Nhật Bản cũng như toàn cầu.

Vốn hóa thị trường là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá giá trị của một công ty. Tuy nhiên, nó chỉ là một trong các chỉ số cần xem xét để đánh giá tình hình kinh doanh và độ hấp dẫn của một công ty trên thị trường. Việc đánh giá toàn diện về hoạt động kinh doanh, tài chính của công ty và các yếu tố khác là điều cần thiết để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan về những công ty có vốn hóa lớn nhất tại Nhật Bản và cũng cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để tham khảo khi quan tâm đến các công ty này.

Đánh giá

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

yếu tố ảnh hưởng đến yên nhật

Đặc điểm đồng Yên – Các yếu tố ảnh hưởng đến đồng Yên Nhật

Đồng yên được coi là tài sản trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư. Cùng tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến đồng yên Nhật đặc biệt là lãi suất.

cổ phiếu nhật bản

Cổ phiếu Nhật Bản tăng mạnh nhất Thế giới trong tháng 5

Chỉ số chứng khoán Nikkei đại diện cho 225 cổ phiếu hàng đầu ở Nhật Bản, đã tăng trưởng mạnh nhất Thế giới trong tháng 5 với mức tăng 7%.

đầu tư vàng tích trữ

Ưu và nhược điểm của đầu tư vàng tích trữ khi ở Nhật Bản

So với các sản phẩm đầu tư khác, hình thức đầu tư vàng tích trữ có nhiều ưu điểm và an toàn trong dài hạn, tuy nhiên nó cũng có những mặt trái như sau.

tài khoản vãng lai nhật bản 2021

Thặng dư tài khoản vãng lai Nhật Bản đạt 12 nghìn tỷ yên trong năm 2021

Thặng dư tài khoản vãng lai【経常収支】của Nhật Bản trong năm tài chính 2021 đạt 12.644,2 tỷ yên. Đây là năm thứ 4 liên tiếp mức thặng dư bị giảm sút.

phúc lợi cổ đông ở nhật bản

Chương trình phúc lợi cổ đông ở Nhật Bản, hấp dẫn trong đầu tư

Phúc lợi cổ đông là một chương trình độc đáo chỉ có ở Nhật Bản nhằm khuyến khích cổ đông đầu tư và nắm giữ cổ phiếu lâu dài.

Chào các bạn! Mình là Anh, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã ở Nhật hơn 10 năm, đang sống ở Saitama và công việc chính hiện tại của mình là SE . Sở thích của mình là chơi thể thao, đi du lịch và đọc sách. Câu nói mà mình yêu thích nhất:”Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà Hạnh Phúc là một con đường” của thiền sư “Thích Nhất Hạnh”. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người.

error: Xin đừng copy em !!!