Nhật Bản – một trong những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, nổi tiếng với sự phát triển vượt bậc và sự ổn định trong ngành tài chính ngân hàng. Các ngân hàng ở đất nước mặt trời mọc không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp mà còn phản ánh tình hình kinh tế tổng thể của quốc gia. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các đặt trưng cũng như triển vọng của cổ phiếu ngân hàng ở Nhật Bản trong tương lai.
MỤC LỤC
Đặc trưng cổ phiếu ngân hàng ở Nhật Bản
Cổ phiếu ngân hàng là tên gọi chung của nhóm cổ phiếu các công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và có nhu cầu cao giao dịch cao ở trong nước. Cổ phiếu ngân hàng được nhiều người biết đến vì lĩnh vực ngân hàng quen thuộc trong đời sống hàng ngày.
Cổ phiếu ngân hàng ở Nhật Bản có những đặc trưng riêng biệt và điểm khác biệt so với các ngân hàng ở nước ngoài. Những đặc điểm này không chỉ phản ánh sự đa dạng trong cách thức hoạt động của các ngân hàng, mà còn phản ánh sự tác động của văn hóa, chính trị và kinh tế đặc thù của Nhật Bản. Dưới đây là một số điểm nổi bật về đặc trưng cổ phiếu ngân hàng ở Nhật Bản so với nước ngoài:
1. Tỷ suất cổ tức cao
Nhiều ngân hàng ở Nhật Bản tích cực trả lại lợi nhuận cho cổ đông bằng cách chi trả cổ tức cao và đều đặn. Tính đến tháng 7 năm 2023, tỷ suất cổ tức của các ngân hàng lớn như Mitsubishi UFJ, Sumitomo Mitsui và Mizuho ở mức cao, khoảng 4%/năm.
2. Chỉ số P/E và P/B thấp
Kể từ khi bong bóng kinh tế nổ tung, BOJ đã bắt đầu và duy trì chính sách lãi suất thấp vì vậy cổ phiếu ngân hàng không được thị trường đánh giá cao về khả năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai. Hầu hết các ngân hàng ở Nhật Bản đều hoạt động với mô hình kinh doanh và cấu trúc lợi nhuận đã được thiết lập sẵn. Thay vì có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, ngân hàng ở Nhật Bản có xu hướng hoạt động tương đối ổn định.
Xem thêm: Tìm hiểu thời kỳ bong bóng kinh tế Nhật Bản
Ngoài ra, các khoản tiền gửi từ khách hàng sẽ trở thành “nợ” và tiền mặt hay chứng khoán sẽ trở thành tài sản trong bảng cân đối kế toán. Do đó, tài sản của các ngân hàng ở Nhật hầu như không tạo ra lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối tháng 7 năm 2023, P/E trung bình của 68 ngân hàng lớn được niêm yết trên phân khúc Prime tại TSE là 8.1 lần và P/B trung bình là 0.4 lần.
3. Cổ phiếu chu kỳ
Cổ phiếu ngân hàng ở Nhật Bản dễ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng kinh tế trong nước và kinh tế toàn cầu. Theo dữ liệu lịch sử, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ rớt giá khi bắt đầu xảy ra lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và ngược lại, khi nền kinh tế phục hồi giá cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng lên.
Nếu suy thoái kinh tế xuất hiện, các ngân hàng Trung ương sẽ hạ lãi suất, điều này sẽ khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm đi. Mặt khác, khi nền kinh tế trở nên xấu đi, nhiều doanh nghiệp phá sản sẽ khiến rủi ro nợ xấu tăng lên. Gần đây nhất là vụ phá sản của SVB – ngân hàng chuyên cho vay start-up lĩnh vực công nghệ. Chính vì vậy, giới đầu tư ở Nhật Bản thường gọi nhóm cổ phiếu ngân hàng là “cổ phiếu chu kỳ = シクリカル株“.
Cổ phiếu chu kỳ, hay còn gọi là “cyclic stocks” trong tiếng Anh, là loại cổ phiếu của các công ty hoạt động trong các ngành kinh doanh có sự biến động theo chu kỳ kinh tế. Các ngành này thường trải qua sự thay đổi về hiệu suất tài chính và hoạt động do sự biến đổi trong tình hình kinh tế toàn cầu hoặc quốc gia.
4. Dễ bị lao dốc khi có tin xấu
Một đặc trưng nữa của nhóm cổ phiếu ngân hàng ở Nhật Bản đó là “Nếu không có gì thì giá cổ phiếu ít biến động và đi ngang, nhưng sẽ đột ngột sụp đổ như động đất khi có biến cố xảy ra“.
Lý do là hầu hết vốn của các ngân hàng ở Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 10 ~ 20% tài sản, do đó chỉ cần một biến động nhỏ trong tài sản của ngân hàng cũng có thể gây ra một biến động lớn về vốn, cụ thể là giá cổ phiếu.
Tìm hiểu Mega Bank ở Nhật
Ngành ngân hàng ở Nhật Bản được chia thành nhiều loại khác nhau, như “Ngân hàng thành thị = 都市銀行”, “Ngân hàng địa phương = 地方銀行”, “Ngân hàng tín thác = 信託銀行” và “Ngân hàng online = ネット銀行”.
Nếu đã từng sinh sống ở Nhật có thể bạn đã nghe thuật ngữ “Mega Bank” trên TV hay báo chí. Mega Bank đề cập đến 3 tập đoàn tài chính lớn ở Nhật Bản, đó là: Mitsubishi UFJ Financial Group (TSE: 8306), Sumitomo Mitsui Financial Group(TSE: 8316) và Mizuho Financial Group (TSE: 8411).
Mitsubishi UFJ Financial Group
Tên ngân hàng | 三菱UFJフィナンシャル・グループ |
Mã chứng khoán | 8306 |
Giá cổ phiếu | 1.098 yên |
Vốn hóa | 13.931 tỷ yên |
P/E | 10.1 |
P/B | 0.73 |
Tỷ suất cổ tức | 3.74% |
Tổng tài sản hợp nhất | 387.000 tỷ yên |
Tổng tài sản ròng | 18.272 tỷ yên |
Phúc lợi cổ đông (株主優待) |
Không có |
※ Thông tin cập nhật mới nhất vào giữa tháng 8/2023.
Mitsubishi UFJ Financial Group (viết tắt là MUFG) là một trong những tập đoàn tài chính tổng hợp lớn nhất tại Nhật Bản và quan trọng trên toàn cầu. MUFG có nguồn gốc từ việc sáp nhập giữa ngân hàng Mitsubishi Tokyo Financial Group (MTFG) và ngân hàng UFJ Holdings, hoàn thành vào ngày 1 tháng 10 năm 2005. Tuy nhiên, nhiều phần của tập đoàn MUFG có các nguồn gốc từ các ngân hàng có lịch sử phát triển xa hơn trong thế kỷ 19 và 20.
Theo BCTC cho năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2023, cấu trúc doanh thu của MUFG bao gồm 17% đến từ phân khúc dịch vụ kỹ thuật số, 14% đến từ ngân hàng bán lẻ, 18% đến từ ngân hàng doanh nghiệp, 19% đến từ ngân hàng thương mại toàn cầu, 16% đến từ CIB toàn cầu và 16% còn lại từ các phân khúc khác. Điều này cho thấy sự đa dạng trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.
Xem thêm: CÁCH ĐỌC BÁO CÁO TÀI CHÍNH Ở NHẬT
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của MUFG đã giảm nhẹ 1.3% so với năm trước với 1.116 tỷ yên do chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Sumitomo Mitsui Financial Group
Tên ngân hàng | 三井住友フィナンシャルグループ |
Mã chứng khoán | 8316 |
Giá cổ phiếu | 6.311 yên |
Vốn hóa | 8.441 tỷ yên |
P/E | 10.3 |
P/B | 0.63 |
Tỷ suất cổ tức | 3.96% |
Tổng tài sản hợp nhất | 270.428 tỷ yên |
Tổng tài sản ròng | 12.791 tỷ yên |
Phúc lợi cổ đông (株主優待) |
Không có |
※ Thông tin cập nhật mới nhất vào giữa tháng 8/2023.
Mega Bank thứ hai ở Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Financial Group (viết tắt là SMFG). Sumitomo Mitsui Financial Group được hình thành chính thức thông qua việc chuyển nhượng cổ phần của Sumitomo Mitsui Banking Corporation vào tháng 12 năm 2002.
Theo BCTC mới nhất cho thấy mức tăng trưởng doanh thu theo từng bộ phận như sau:
- Bộ phận kinh doanh BtoB Sales: tăng trưởng 24%
- Bộ phận kinh doanh bán lẻ: tăng trưởng 36%
- Bộ phận kinh doanh quốc tế: tăng trưởng 38%
- Bộ phận kinh doanh thị trường: tăng trưởng 14%
- Bộ phận quản lý trụ sở chính: tăng trưởng âm (-13%)
Khác với tập đoàn tài chính MUFJ thì SMFG đã ghi nhận mức tăng trưởng 14% đối với lợi nhuận ròng nhờ việc cho vay doanh nghiệp ở trong và ngoài nước tăng lên.
Mizuho Financial Group
Tên ngân hàng | みずほフィナンシャルグループ |
Mã chứng khoán | 8411 |
Giá cổ phiếu | 2264 yên |
Vốn hóa | 5.750 tỷ yên |
P/E | 9.4 |
P/B | 0.6 |
Tỷ suất cổ tức | 4.2% |
Tổng tài sản hợp nhất | 254.258 tỷ yên |
Tổng tài sản ròng | 9.208 tỷ yên |
Phúc lợi cổ đông (株主優待) |
Không có |
※ Thông tin cập nhật mới nhất vào giữa tháng 8/2023.
Mizuho Financial Group ra đời từ việc sáp nhập của ba ngân hàng lớn tại Nhật Bản: Dai-Ichi Kangyo Bank, Fuji Bank và Industrial Bank of Japan. Quá trình sáp nhập được bắt đầu từ tháng 4/2002 và Mizuho Financial Group chính thức ra mắt vào tháng 3/2003. Đến năm 2009, Mizuho Financial Group tiếp tục sát nhập công ty chứng khoán Mizuho và công ty chứng khoán Shinko.
Mizuho Financial Group có thế mạnh là giao dịch với các doanh nghiệp lớn trong nước và đầu tư vào các kỹ thuật số tài chính ở châu Á. Trong vòng 5 năm trở lại, tốc độ tăng trưởng trung bình đối với doanh thu của tập đoàn này là khoảng 10% và duy trì tỷ suất cổ tức ở mức cao từ 4-5%. Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2023 tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn này lên tới 254 nghìn tỷ yên và lợi nhuận ròng tăng trưởng 4,7% so với năm trước đó.
Có nên đầu tư nhóm cổ phiếu ngân hàng dài hạn?
Như đã giới thiệu ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc cổ phiếu chu kỳ, rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như nền kinh tế hay xu hướng lãi suất, vì vậy việc đầu tư dài hạn xuyên suốt sẽ gặp nhiều rủi ro. Việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tương lai, cần tập trung chú ý vào những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng như sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Ví dụ, nếu chính sách lãi suất âm ở Nhật Bản được gỡ bỏ, lãi suất cho vay sẽ tăng lên, rủi ro tín dụng giảm xuống, khi đó thị trường sẽ kỳ vọng vào việc lợi nhuận của ngân hàng được cải thiện.
Nếu bạn đang có dự định đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, cần tuân thủ quy tắc “Không thể đầu tư khi nền kinh tế trì trệ” để tránh rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận. Vì khi nền kinh tế trì trệ lãi suất sẽ không tăng kèm theo rủi ro tín dụng tăng lên, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp khiến lợi nhuận ngành ngân hàng giảm đi.
Tóm lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc cổ phiếu giá trị có tỷ suất cổ tức cao và ổn định, tuy nhiên việc đầu tư dài hạn sẽ gặp nhiều rủi ro ẩn trắc, vì nó dễ bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế.