Thẻ ETC ở Nhật Bản và những điều cần biết

Update: 4557 lượt xem

Thẻ ETC cho phép bạn tự động thanh toán phí cầu đường khi sử dụng đường cao tốc mà không cần tiền mặt. Hệ thống thu phí bằng thẻ ETC ở Nhật Bản được đưa vào sử dụng chính thức kể từ năm 2001, như một biện pháp giảm bớt tắc nghẽn giao thông tại các trạm thu phí trên cao tốc. Sau đó, Nhật Bản đã cải tiến và nâng cấp hệ thống thu phí tự động lên phiên bản ETC 2.0 vào năm 2016.

Bài viết này, Japan Life Guide Blog sẽ giới thiệu các thông tin liên quan đến hệ thống thu phí tự động và thẻ ETC ở Nhật Bản.

Cơ chế hoạt động của hệ thống thu phí tự động ETC ở Nhật Bản

ETC là tên viết tắt của “Electronic Toll Collection System”, là một hệ thống tự động thanh toán phí cầu đường bằng công nghệ kết nối không dây.

Khi một chiếc ô tô được trang bị đầy đủ đầu đọc và thẻ ETC di chuyển vào làn ETC tại các trạm thu phí, thẻ ETC trên xe sẽ được kết nối với Anten tại trạm thu phí bằng mạng không dây. Sau đó hệ thống ETC sẽ tự động tính toán phí cao tốc đã sử dụng và xử lý thanh toán ngay tại đó. Quá trình xử lý này chỉ diễn ra trong khoảng 1-2 giây, vì vậy khi tới làn thu phí ETC bạn chỉ cần giảm tốc độ xuống khoảng 20km/h mà không cần phải dừng xe.

Hệ thống thu phí phiên bản ETC 2.0 có thể kết nối đa chiều, ngoài việc tự động thanh toán phí cao tốc ETC 2.0 còn áp dụng công nghệ ITS (Intelligent Transport System = Hệ thống giao thông thông minh) liên kết với Navigation (hệ thống định vị và dẫn đường ô tô) để cung cấp cho tài xế các tuyến đường tối ưu, tránh tắc nghẽn giao thông. Có thể nói hệ thống giao thông thông minh ITS là ưu điểm chính của ETC 2.0 vì nó có thể hỗ trợ thu nhận thông tin tắc nghẽn trên đường cao tốc với phạm vi khoảng 1.000 km.

Nhiều thông tin cho rằng, trong tương lai ETC 2.0 sẽ được nâng cấp thêm tính năng thanh toán không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe và trạm xăng.

Làm sao để sử dụng ETC ?

Để sự dụng hệ thống thu phí ETC, bạn cần trang bị “đầu đọc thẻ ETC” và “thẻ ETC” để thực hiện thanh toán.

1. Đầu đọc thẻ ETC「ETC車載器」

gắn thẻ etc ở nhật
Đầu đọc thẻ ETC ở Nhật Bản

Đầu đọc thẻ ETC có tên tiếng Nhật là「ETC車載器 = ETC Shasaiki」nó gồm có 3 bộ phận chính: Anten, khe cắm thẻ ETC và phần thân (bao gồm loa, đèn báo và các nút bấm). Thiết bị này hoạt động dựa vào động cơ xe ô tô, liên kết với hệ thống Navi để phát và hiển thị thông báo mỗi khi ra vào làn thu phí ETC trên cao tốc.

Ngày nay, hầu hết các xe đời mới đều được trang bị sẵn đầu đọc ETC nhưng khi mua xe bạn cần kiểm tra và yêu cầu lắp đặt thiết bị này tại hãng hoặc đại lý bán xe nếu chưa được trang bị. Sau khi lắp đặt xong đầu đọc lên xe, để có thể sử dụng ETC, cần trải qua công đoạn cài đặt「セットアップ」các thông tin của chiếc xe như biển số xe, dòng xe, phân loại giao thông ,v.v. Và bạn sẽ phải tốn những chi phí như sau:

  • Đầu đọc ETC: Phiên bản ETC 1.0 khoảng từ 4.000 yên ~ 10.000 yên. Phiên bản ETC 2.0 khoảng từ 10.000 yên ~ 30.000 yên.
  • Chi phí lắp đặt (取り付け): Khoảng 5.000 yên
  • Chi phí cài đặt (セットアップ): Khoảng 2.000 yên ~ 3.000 yên

2. Thẻ ETC「ETCカード」

làm thẻ etc ở nhật
Thẻ ETC ở Nhật Bản

Thẻ ETC được cắm vào đầu đọc trên xe để thực hiện thanh toán phí cầu đường khi sử dụng cao tốc. Thông thường thẻ ETC ở Nhật Bản sẽ được cấp bởi các công ty phát hành thẻ tín dụng, như Rakuten Card hay Toyota Card ,v.v. Bạn cũng có thể làm thẻ ETC không có tính năng tín dụng nhưng phí hội viên hàng năm sẽ cao hơn so với thẻ ETC tích hợp thẻ tín dụng. Phí hội viên hàng năm của thẻ ETC tích hợp thẻ tín dụng (クレジットカード付帯型ETC) từ 0 yên ~ 550 yên và 1.257 yên đối với thẻ ETC không có tính năng tín dụng (ETCパーソナルカード).

Nếu muốn sử dụng hệ thống ETC, bạn cần phải cho thẻ ETC vào đầu đọc ETC trên xe. Khi khởi động xe, hệ thống âm thanh sẽ thông báo về tình trạng thẻ ETC đã được cho vào đầu đọc thẻ hay chưa.

Ưu điểm của việc sử dụng thẻ ETC ở Nhật

Ở Nhật Bản, hệ thống thu phí ETC được đưa vào sử dụng chính thức từ năm 2001, sau bốn năm tỷ lệ sử dụng ETC chỉ đạt khoảng trên dưới 20%. Tuy nhiên, với nhiều ưu điểm nên tỷ lệ sử dụng ETC đã tăng lên nhanh chóng và phủ sóng khoảng 96% trong năm 2022. Ngày nay, nhiều cổng thu phí trên cao tốc chỉ nhận thanh toán bằng ETC, vì vậy nếu không sở hữu ETC thì bạn sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong việc di chuyển.

1. Thanh toán tiện lợi

Với ETC, bạn không cần phải dừng xe ở trạm thu phí, cũng không cần mang theo tiền mặt nên bạn có thể dễ dàng thanh toán và thông qua trạm thu phí một cách nhanh chóng.

Ngoài việc giảm ùn tắc giao thông tại các cổng thu phí, bằng cách giảm số lần dừng xe việc tiêu thụ nhiên liệu lãng phí và khí thải có thể được hạn chế. Vì vậy có thể nói sử dụng ETC cũng góp phần vào việc bảo vệ môi trường toàn cầu.

2. Được áp dụng chiết khấu


Một ưu điểm khác của ETC là được áp dụng nhiều chế độ chiết khấu khác nhau ví dụ như giảm giá ngày lễ, giảm giá đêm khuya, v.v. Đối với các tuyến cao tốc ở khu vực tỉnh lẻ, nếu sử dụng ETC bạn có thể được giảm giá tối đa lên tới 30% hoặc 50%.

  • Giảm giá ngày lễ: Giảm tới 30% phí cao tốc (khu vực nông thôn) vào thứ 7, chủ nhật và ngày lễ (lịch đỏ). Chỉ áp dụng xe gia đình và xe Kei.
  • Giảm giá đêm khuya: Giảm tới 30% phí cao tốc từ 00:00 đến 04:00 mỗi ngày, bất kể ngày nào trong tuần và không giới hạn loại phương tiện.
  • Hoàn tiền khung thời gian sáng tối của ngày thường: Đối với những người đã đăng ký dịch vụ tích lũy dặm ETC (ETCマイレージサービス), phí đường cao tốc (khu vực nông thôn) trong khung giờ đi làm buổi sáng từ 6:00 đến 9:00 và buổi tối từ 17:00 đến 20:00 sẽ được hoàn tiền 30% (nếu sử dụng cao tốc từ 5 đến 9 lần trong 1 tháng) hoặc 50% (nếu sử dụng cao tốc trên 10 lần trong 1 tháng). Không giới hạn loại phương tiện và không áp dụng chiết khấu đối với ngày lễ và thứ 7, chủ nhật.

Xem thêm thông tin về chế độ chiết khấu ETC tại đây ETC総合情報ポータルサイト.

3. Dễ dàng quản lý chi tiêu thông qua internet

Một ưu điểm khác khi sử dụng thẻ ETC đó là bạn có thể quản lý và lưu trữ được các thông tin thanh toán (số tiền, thời gian, địa điểm) bằng ETC trên internet thông qua dịch vụ ETC利用照会サービス.

Quản lý thanh toán ETC qua internet

Hình ảnh ở trên là thông tin được trích xuất từ dịch vụ quản lý ETC, từ những thông tin này chúng ta có thể nắm bắt và liên kết với sổ quản lý thu chi Kakeibo.

4. Tích điểm Point

Sau khi đăng ký dịch vụ tích lũy dặm ETC (ETCマイレージサービス), bạn sẽ được hoàn điểm thưởng tuỳ theo số tiền phí cao tốc đã thanh toán bằng ETC. Ví dụ, tại cao tốc của NEXCO phía Đông Nhật Bản bạn sẽ được hoàn 1 point cho 10 yên đã thanh toán.

Point sẽ được hoàn vào ngày 20 của tháng tiếp theo và bạn có thể đổi số point đã tích lũy được này thành tiền mặt, chi tiết như bảng phía dưới.

Cơ quan quản lý Hoàn point Đổi point thành tiền
NEXCO Đông/Trung/Tây Nhật Bản và Tổng công ty đường bộ tỉnh Miyagi 10 yên = 1 point 1.000 point = 500 yên
3.000 point = 2.500 yên
5.000 point = 5.000 yên
Công ty cao tốc Honshu-Shikoku 10 yên = 1 point 1.000 point = 500 yên
3.000 point = 2.500 yên
5.000 point = 5.000 yên
Tổng công ty cao tốc Nagoya 100 yên = 1 point 100 point = 100 yên
Tổng công ty đường bộ tỉnh Aichi 100 yên = 1 point 100 point = 100 yên
Tổng công ty đường bộ thành phố Kobe 50 yên = 3 point 200 point = 100 yên
Tổng công ty cao tốc Hiroshima 100 yên = 1 point 100 point = 100 yên
Tổng công ty cao tốc Fukuoka Kitakyushu 100 yên = 1 point 100 point = 100 yên

Lưu ý, chế độ hoàn point của dịch vụ tích dặm sẽ không được áp dụng khi bạn sử dụng số tiền mà trước đó đã được đổi sang từ point để thanh toán phí cao tốc.

Xem thêm: CÁCH ĐĂNG KÝ LÀM THẺ ETC Ở NHẬT BẢN

Ngoài ra, nếu bạn sử dụng thẻ ETC có tích hợp với thẻ tín dụng thì bạn sẽ được tích thêm điểm point từ công ty phát hành thẻ tín dụng.

Kết luận

Mặc dù để sử dụng thẻ ETC ở Nhật Bản, bạn cần một khoản đầu tư nho nhỏ ban đầu. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài hay tính tiện lợi, ưu đãi thì không có lý do gì để không sử dụng ETC, đúng không nào!

Bài viết trên đã cung cấp các thông tin cơ bản về hệ thống thu phí ETC ở Nhật Bản. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho những người mới chưa có nhiều kinh nghiệm về ô tô ở Nhật Bản. Để biết thêm nhiều thông tin hữu ích khác về Nhật Bản, hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của japanlife-guide.com nhé!

Đánh giá

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

cài đặt wifi cố định ở nhật

Hướng dẫn cài đặt cấu hình và kết nối wifi cố định ở Nhật

Nếu lần đầu tiên sử dụng mạng internet cố định ở Nhật, chắc chắn bạn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc cài đặt cấu hình và sơ đồ kết nối của bộ phát wifi(hay còn gọi là router).

hệ thống nisa mới

Hệ thống đầu tư NISA mới 2024, miễn thuế không thời hạn

NISA mới là một hệ thống đầu tư miễn thuế vô thời hạn được ra mắt nhằm khuyến khích và kêu gọi mở rộng đầu tư để tăng thu nhập.

giao dịch ký quỹ chứng khoán ở nhật

Tổng quan về giao dịch ký quỹ chứng khoán ở Nhật và điểm lưu ý

Giao dịch ký quỹ chứng khoán ở Nhật là một hình thức vay từ công ty chứng khoán để đầu tư kiếm lợi nhuận ngay cả khi bạn có ít vốn, tuy nhiên rủi ro cũng không kém.

thủ tục chuyển nhà ở nhật

Thủ tục chuyển nhà ở Nhật Bản: Nên biết để tránh rắc rối

Thủ tục chuyển nhà ở Nhật Bản hơi phức tạp, nhưng nếu nắm vững các thủ tục cần thiết và chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn có thể tránh được rắc rối.

tích hợp thẻ bảo hiểm lên my number

Hướng dẫn cách tích hợp thẻ bảo hiểm lên thẻ My Number

Nhật Bản đã triển khai dịch vụ liên kết thẻ BHYT và thẻ mã số cá nhân. Để sử dụng người dùng cần đăng ký tích hợp thẻ bảo hiểm lên My Number.

Chào các bạn! Mình là Anh, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã ở Nhật hơn 10 năm, đang sống ở Saitama và công việc chính hiện tại của mình là SE . Sở thích của mình là chơi thể thao, đi du lịch và đọc sách. Câu nói mà mình yêu thích nhất:”Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà Hạnh Phúc là một con đường” của thiền sư “Thích Nhất Hạnh”. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người.

error: Xin đừng copy em !!!