Đầu tư chứng khoán không chỉ là cách gia tăng thu nhập thụ động mà còn là cơ hội tích lũy tài sản một cách thông minh. Tại Nhật Bản, với môi trường đầu tư ổn định và các chính sách hỗ trợ hấp dẫn, việc sở hữu một tài khoản chứng khoán đã trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Nếu bạn đang sống tại Nhật và muốn thử sức với lĩnh vực này, hãy cùng khám phá ngay những điều cần biết về các loại tài khoản chứng khoán ở Nhật Bản để bắt đầu thật thuận lợi nhé!
MỤC LỤC
Thuế chứng khoán ở Nhật Bản: 20.315%
Trước tiên, điều bạn nên ghi nhớ đó là thuế chứng khoán ở Nhật Bản được tính dựa trên lợi nhuận từ việc đầu tư, bao gồm lãi từ giao dịch chứng khoán và cổ tức. Mức thuế suất là 20.315%, trong đó bao gồm:
- Thuế thu nhập (所得税): 15%
- Thuế thị dân (市民税): 5%
- Thuế phục hồi đặc biệt (復興特別所得税): 0.315% (tạm thời áp dụng từ năm 2013 để hỗ trợ tái thiết sau thảm họa động đất Đông Nhật Bản). Khoản thuế này sẽ có hiệu lực đến hết năm 2037, nhưng sau đó như thế nào thì chưa có thông tin chính xác.
Việc chọn loại tài khoản đầu tư chứng khoán ở Nhật Bản không chỉ ảnh hưởng đến cách quản lý đầu tư mà còn tác động trực tiếp đến quy trình khai báo và nghĩa vụ đóng thuế. Sau đây, mình sẽ giải thích chi tiết các loại tài khoản chứng khoán ở Nhật Bản. Nếu là người mới, bạn không nên bỏ qua những nội dung này!
Xem thêm: Giải thích thuế chứng khoán ở Nhật Bản, không biết sẽ bị thiệt
Các loại tài khoản chứng khoán ở Nhật Bản
Tài khoản chứng khoán ở Nhật Bản, được chia thành 2 nhóm chính là “tài khoản miễn thuế” và “tài khoản đánh thuế”. Dưới đây là phân tích chi tiết về từng nhóm và các loại tài khoản cụ thể trong mỗi nhóm:
1. Tài khoản miễn thuế NISA (少額投資非課税制度 – Nippon Individual Savings Account)
Tài khoản NISA được thiết kế bởi chính phủ Nhật Bản nhằm khuyến khích người dân đầu tư và tiết kiệm dài hạn. NISA ra đời và đi vào hoạt động kể từ năm 2018, nhưng đến năm 2024 NISA đã được cập nhật và nới rộng hạn ngạch đầu tư tối đa lên đến 1.800 man yên. Điểm nổi bật của loại tài khoản này là:
- Miễn thuế: Lợi nhuận từ đầu tư (bao gồm cổ tức và lợi nhuận giao dịch cổ phiếu) sẽ được miễn thuế vô thời hạn.
- Hạn mức đầu tư: Từ năm 2024, NISA đã được cải tiến với hạn mức đầu tư lên đến 1.800 man yên. Trong đó, mỗi năm bạn có thể đầu tư tối đa 360 man yên, bao gồm hai khung đầu tư tăng tưởng và tích trữ. Điều kỳ diệu hơn nữa là, sau khi quá 1.800 man yên, nếu bạn bán ra một phần hoặc toàn bộ tài sản từ tài khoản NISA, số tiền tương ứng với giá trị bán ra sẽ được khôi phục vào hạn mức đầu tư của tài khoản.
- Khung đầu tư tăng trưởng (成長投資枠): Đây là một phần trong tài khoản NISA mới, có hiệu lực từ năm 2024, tập trung vào đầu tư tăng trưởng với các sản phẩm như cổ phiếu cá nhân hoặc quỹ đầu tư hỗn hợp (ETF). Hạn mức đầu tư tối đa lên tới 240 man yên/năm.
- Khung đầu tư tích trữ (つみたて投資枠): Đây là khung đầu tư dành cho tích trữ định kỳ, thường tập trung vào các sản phẩm tài chính ổn định như quỹ đầu tư chỉ số hoặc quỹ ETF. Hạn mức đầu tư tối đa của khung đầu tư tích trữ là 120 man yên/năm.
Ví dụ cụ thể:
Bạn đầu tư 100 man yên vào một quỹ ETF ABC nào đó, thông qua tài khoản NISA. Sau 5 năm, giá trị tăng lên thành 300 man yên. Nếu bạn bán ra, bạn không cần phải trả thuế trên khoản lợi nhuận 200 man yên này.
Khung đầu tư | Tăng trưởng (成長投資枠) | Tích trữ (つみたて投資枠) |
---|---|---|
Giới hạn đầu tư/năm | 240 man yên | 120 man yên |
Đối tượng đầu tư | Cổ phiếu riêng lẻ, ETF, REIT | Quỹ chỉ số, ETF |
Rủi ro đầu tư | Trung bình – Cao | Thấp |
Phương thức đầu tư | Đầu tư một lần hoặc tích trữ | Đầu tư định kỳ (hàng tháng) |
Thời gian miễn thuế | Vô thời hạn | Vô thời hạn |
NISA là một chế độ miễn thuế đầu tư tuyệt vời ở Nhật Bản. Việc kết hợp cả hai khung đầu tư trong tài khoản NISA sẽ giúp bạn tận dụng tối đa ưu điểm của từng khung để tối ưu hóa chiến lược đầu tư. Tuy nhiên, nếu chưa có nhiều vốn và kiến thức đầu tư, kết quả sẽ tốt hơn nếu như bạn chỉ sử dụng khung đầu tư tích trữ để đầu tư dài han!
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: Nếu bạn không sử dụng hết hạn mức trong năm đó, phần chưa sử dụng sẽ không được chuyển sang năm sau.
Ví dụ: Năm 2024, bạn đầu tư 100 man yên vào khung tăng trưởng (còn thừa 140 man yên hạn mức) và 90 man yên vào khung tích trữ (còn thừa 30 man yên hạn mức). Phần hạn mức chưa sử dụng (140 man yên + 30 man yên) sẽ không được cộng dồn sang năm 2025.
Nếu chưa hiểu hết về NISA và cách vận hành nó, hãy tham khảo thêm chi tiết ở bài viết phía dưới!
2. Tài khoản thường (一般口座 – Ippan Kōza)
“Tài khoản thường” (一般口座) là loại tài khoản đánh thuế cơ bản nhất mà mọi công ty chứng khoán ở Nhật đều tự động cung cấp cho nhà đầu tư. Khác với tài khoản đặc định (sẽ giải thích ở mục 3) hoặc tài khoản NISA, ở tài khoản này, công ty chứng khoán không hỗ trợ nhà đầu tư quản lý hoặc tính thuế. Vì vậy, nếu sử dụng tài khoản thường để đầu tư, bạn sẽ phải tự tính toán lợi nhuận hoặc thua lỗ và thực hiện khai báo thuế (確定申告 – Kakutei Shinkoku) tại cơ quan thuế địa phương hoặc qua mạng internet.
Khi có lợi nhuận từ việc chuyển nhượng cổ phiếu (譲渡益課税), khoản thuế phát sinh sẽ được tính riêng biệt với các loại thu nhập khác, theo cơ chế thuế gọi là 申告分離課税 (khai thuế riêng biệt).
Nếu lợi nhuận từ 20 man yên/năm trở lên bạn sẽ phải làm thủ tục khai báo thuế và đóng thuế đầy đủ. Trường hợp, bạn quên thực hiện việc khai báo và nộp thuế, sẽ rơi vào trạng thái “không khai báo” (無申告). Nếu để trạng thái không khai báo này kéo dài qua thời hạn khai thuế, cơ quan thuế sẽ chỉ trích việc thiếu sót trong khai báo và bắt buộc bạn phải nộp khoản thuế thu nhập chưa được thanh toán đó.
Mặt khác, nếu lợi nhuận dưới 20 man yên/năm, thì có thể bạn sẽ được miễn thuế thu nhập. Tuy nhiên, bạn vẫn phải thực hiện thủ tục khai báo thuế để nộp thuế thị dân.
3. Tài khoản đặc định (特定口座 – Tokutei Kōza)
Tài khoản chứng khoán đặc định là loại tài khoản phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt dành cho những nhà đầu tư bận rộn hoặc không muốn tự mình quản lý các vấn đề về thuế. Với tài khoản đặc định, công ty chứng khoán sẽ tự động tính toán và khấu trừ thuế dựa trên lợi nhuận hoặc lỗ hàng năm của bạn. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và giảm rủi ro sai sót trong quá trình khai báo thuế.
Khi chọn tài khoản đặc định (特定口座), bạn cần chọn một trong hai loại tài khoản: “Tài khoản khấu trừ thuế tại nguồn” (源泉徴収あり) hoặc “Tài khoản không khấu trừ thuế tại nguồn” (源泉徴収なし). Dưới đây là sự khác biệt giữa chúng trong việc khai báo và nộp thuế.
Tài khoản khấu trừ thuế tại nguồn (源泉徴収あり口座)
Khi bạn giao dịch chứng khoán và có lãi, thuế sẽ được khấu trừ trực tiếp từ lợi nhuận trước khi số tiền đó được chuyển vào tài khoản của bạn. Với loại tài khoản này, bạn không cần phải lo lắng về việc khai báo thuế, vì mọi thủ tục đã được xử lý sẵn ngay từ đầu, giúp quy trình trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.
Trong trường hợp, trước đó bạn có lãi và đã bị đánh thuế, nhưng sau đó phát sinh lỗ, công ty chứng khoán sẽ tự động hoàn lại số thuế đã khấu trừ cho phần lỗ đó, giúp bạn không phải mất công xử lý thêm. Quá hay phải không nào?
Tuy nhiên, ngay cả khi lợi nhuận của bạn chưa đến 20 man yên/năm, bạn vẫn sẽ bị trừ thuế, nghe có vẻ hơi “đắng lòng”, phải không? Đây là điểm hạn chế lớn nhất của tài khoản khấu trừ tại nguồn. Nếu bạn là người mới và ước tính tổng lợi nhuận cả năm sẽ không tới 20 man yên, bạn chưa nên chọn tài khoản này để bắt đầu, vì sẽ lãng phí tiền thuế, rất đau xót.
Ví dụ cụ thể:
Giả sử bạn kiếm được lợi nhuận 10 man yên từ giao dịch cổ phiếu, công ty chứng khoán sẽ tự động khấu trừ thuế 20.315%. Điều này có nghĩa là sau khi trừ thuế, bạn chỉ nhận được 79,685 yên vào tài khoản của mình.
Tài khoản không khấu trừ thuế tại nguồn (源泉徴収なし口座)
Đối với tài khoản 源泉徴収なし口座 (hay còn gọi là 簡易申告口座), nếu có lãi hoặc lỗ từ giao dịch, sẽ không có việc khấu trừ thuế tại nguồn và không có hoàn thuế. Vì vậy, bạn sẽ phải tự thực hiện khai báo thuế thông qua thủ tục Kakutei Shinkoku.
Tuy nhiên, khi thực hiện khai báo thuế, bạn có thể sử dụng Báo cáo giao dịch hàng năm của tài khoản đặc định (特定口座年間取引報告書), mà các công ty chứng khoán sẽ cung cấp cho bạn sau khi tính toán lãi lỗ từ các giao dịch trong năm. Điều này giúp người bạn không phải tính toán lại từ đầu, làm cho quá trình khai báo thuế trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Xem thêm: Giải thích tận tường chi tiết tài khoản chứng khoán đặc định Tokutei Kouza
Kết luận
Việc lựa chọn tài khoản chứng khoán phù hợp là bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng trong hành trình đầu tư của bạn tại Nhật. Tùy thuộc vào mục tiêu, chiến lược và kinh nghiệm của mỗi người, bạn có thể chọn tài khoản thông thường, tài khoản Tokutei, NISA, hoặc kết hợp linh hoạt cả 3 loại để tối ưu hóa lợi ích.
Mỗi loại tài khoản sẽ mang lại những ưu điểm và hạn chế riêng, vì vậy, việc hiểu rõ và lựa chọn cẩn thận sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả đầu tư. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về các loại tài khoản chứng khoán và chuẩn bị sẵn sàng cho những bước đi đầu tiên trong thế giới đầu tư chứng khoán!