Theo thống kê thương mại do Bộ Tài chính công bố vào sáng ngày 19, cán cân thương mại của Nhật Bản đã thâm hụt 839,2 tỷ yên trong tháng 4 năm 2022. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp kim ngạch nhập khẩu vượt quá kim ngạch xuất khẩu dẫn tới tình trạng thâm hụt cán cân thương mại.
Giá trị nhập khẩu cao kỷ lục
Kim ngạch nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục do giá dầu thô và giá các tài nguyên khác tăng vọt. Giá trị nhập khẩu tăng 28% so với năm trước và đạt 8915 tỷ yên, đây là mức nhập khẩu lớn nhất theo tháng tính từ năm 1979. Cụ thể:
- Thực phẩm nói chung: + 22%
- Nguyên liệu thô: +12,8% (trong đó gỗ tăng 52,8%)
- Nhiên liệu khoáng: +108,9% (trong đó dầu thô tăng 99,3% khí LNG tăng 151,6% và than đá tăng gần 200%)
Xét theo khu vực, giá trị nhập khẩu từ Nga đã tăng gần 70%, nhập khẩu từ các nước Trung Đông đã tăng hơn 90% do giá dầu thô tăng vọt.
Giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng tháng thứ 7 liên tiếp
Mặt khác, giá trị xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 4 đạt 8076 tỷ yên, tăng 12,5% so với năm trước. Vì được hưởng lợi từ việc giá yên thấp nên lĩnh vực xuất khẩu thép, nhiên liệu khoáng sản và ô tô đã tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể:
- Sắt thép: +37,1%
- Nhiên liệu khoáng: +132%
- Thiết bị y tế: +13,8%
- Hàng hoá cao su: +22,3%
- Máy dệt: +42,2%
- Thiết bị điện: +8,7%
- Ô tô: + 4,8% xe mô tô phân khối lớn +10,7%
Tính theo khu vực, các lĩnh vực xuất khẩu động cơ và ô tô sang Hoa Kỳ đã tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 5,9%, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Việc chính phủ Trung Quốc đóng cửa các thanh phố lớn như Thượng Hải đã ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống Logistics và nhà máy, vì vậy nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài của Trung Quốc đã giảm xuống.
Theo: Bộ Tài Chính Nhật Bản