Chứng khoán Ấn Độ đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư trên toàn cầu nhờ vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tại Nhật Bản, cùng với sự ra đời của hệ thống NISA mới, ngày càng nhiều nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến chứng khoán Ấn Độ, như một lựa chọn triển vọng trong danh mục đầu tư. Bài viết này, Japan Life Guide Blog sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sức hút của cổ phiếu Ấn Độ, cách đầu tư cũng như những lưu ý cần biết trước khi tham gia vào thị trường này.
MỤC LỤC
Lý do chứng khoán Ấn Độ thu hút nhà đầu tư?
Ấn Độ đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu. Với đà phát triển kinh tế liên tục, chỉ số chứng khoán chính của Ấn Độ – SENSEX – đã lần đầu tiên chạm 85.836 điểm vào ngày 26 tháng 9, lập mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Động lực chính nằm ở sự gia tăng dân số và dòng vốn khối ngoại đổ vào mạnh mẽ. Theo dữ liệu từ Cơ quan Lưu ký Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ (NSDL), trong năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót 1,62 nghìn tỷ Rupee (khoảng 2,8 nghìn tỷ Yên Nhật) vào thị trường chứng khoán Ấn Độ – mức cao nhất kể từ năm 2020 và cao thứ hai trong thập kỷ qua.
① Nhu cầu nội địa mạnh nhờ dân số trẻ
② Chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài
③ Các ngành công nghiệp tiềm năng
1. Nhu cầu nội địa mạnh nhờ dân số trẻ
Điều thu hút sự chú ý toàn cầu đến Ấn Độ chính là sự mở rộng của nhu cầu nội địa nhờ dân số đông. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, vào tháng 12/2024, dân số Ấn Độ sẽ đạt hơn 1,456 tỷ người, vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất Thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, dân số Ấn Độ chiếm khoảng 17,78% tổng dân số Thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong năm tài chính 2023 là 8,2%, cao hơn so với năm trước.
Bên cạnh số lượng, Ấn Độ còn có lợi thế về cơ cấu dân số trẻ, độ tuổi trung bình ở Ấn Độ chỉ là 28.4 tuổi (độ tuổi trung bình ở Nhật Bản là 49.4 tuổi). Gần một nửa dân số dưới 20 tuổi, mang lại nguồn lao động dồi dào và tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng trong tương lai. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu có thu nhập khả dụng trên 15.000 USD/năm đang tăng trưởng nhanh chóng, thậm chí còn vượt tốc độ tăng dân số. Đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.
2. Chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài
Từ khi nhậm chức năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã thực hiện nhiều cải cách để thu hút đầu tư nước ngoài. Các chính sách như thống nhất thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), nới lỏng các quy định vốn nước ngoài, và cải cách Luật Công ty đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh.
Sau khi Thủ tướng Modi tái nhậm chức nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, giá trị vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán Ấn Độ lần đầu tiên vượt quá 5 nghìn tỷ USD (khoảng 788 nghìn tỷ yên) trong tháng 6. Thủ tướng Modi đã tạo dựng được danh tiếng là một người có “nhân cách” và được công nhận rộng rãi với tư cách thủ tướng sau khi giữ chức thủ tướng trong 10 năm.
Ấn Độ cũng tận dụng tốt vị trí trung lập trong căng thẳng Mỹ-Trung, trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các công ty tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính phủ Modi sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng được gọi là “Trung Quốc +1”. Chiến lược này nhằm chuyển cơ sở kinh doanh và đầu tư sang Ấn Độ nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến mạng lưới sản xuất và cung ứng của Trung Quốc, và được áp dụng phổ biến ở Châu Âu, Hoa Kỳ và các nước Châu Á.
3. Các ngành công nghiệp tăng trưởng
Ngành công nghiệp ở Ấn Độ đang chứng kiến sự phát triển thăng hoa, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất ô tô, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo.
Doanh số bán ô tô vượt Nhật Bản, lên top 3 Thế giới
Năm 2023, Ấn Độ trở thành thị trường ô tô lớn thứ 3 Thế giới, vượt Nhật Bản về doanh số xe tiêu thụ trong nước với 4.1 triệu xe bán ra (theo dữ liệu từ SIAM – Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ). Đây làm năm thứ 2 liên tiếp, Ấn Độ vượt mặt Nhật Bản về doanh số bán xe ô tô. Theo ước tính của IMF (Quỹ tiền tệ Quốc tế), GDP bình quân đầu người của Ấn Độ năm 2024 đạt khoảng 2.700 USD và dự kiến vượt mốc 3,000 USD vào năm 2025. Đây là mốc quan trọng để thúc đẩy nhu cầu mua sắm ô tô.
Chính phủ Ấn Độ cũng đặt mục tiêu năm 2030, 30% số ô tô bán ra sẽ là xe điện (EV). Năm 2023, hãng Tata Motors chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực xe điện nội địa, với các dòng xe giá rẻ phục vụ tầng lớp trung lưu. Ngoài ra, thành phố Bangalore dẫn đầu trong việc áp dụng phương tiện EV, bao gồm cả xe hai bánh và taxi EV. Xe hai bánh và xe ba bánh là lĩnh vực xe EV tăng trưởng nhanh nhất tại Ấn Độ do chi phí sản xuất thấp hơn và dễ tiếp cận với người tiêu dùng bình dân.
Cơ sở hạ tầng Infra
Năm 2023, chính phủ Ấn Độ đã chi hơn 10 nghìn tỷ rupee (tương đương 122 tỷ USD) để mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, tập trung vào:
- Đường cao tốc: Các dự án lớn như “Golden Quadrilateral” kết nối các thành phố lớn đang được đẩy mạnh.
- Hệ thống tàu điện ngầm: Các tuyến metro tại Bangalore, Delhi, Mumbai và Kolkata được mở rộng, với kế hoạch kết nối trực tiếp đến sân bay vào năm 2026.
- Đầu tư năng lượng tái tạo: Để giải quyết tình trạng thiếu điện, Ấn Độ đã tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió. Dự kiến, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo trước năm 2030.
Công nghệ thông tin
Theo Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ (MeitY), giá trị xuất khẩu của ngành CNTT-BPM Ấn Độ trong năm tài chính 2023 đạt 194 tỷ USD. Ấn Độ cung cấp nhân sự CNTT chất lượng cao, với chi phí lao động thấp hơn đáng kể so với các nước phát triển. Ngành CNTT Ấn Độ được đánh giá cao với sự phát triển mạnh mẽ về xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ, đóng góp đáng kể vào GDP và việc làm của quốc gia. Sản lượng ngành IT của Ấn Độ chiếm đến khoảng 8% tổng GDP của nước này.
Ngoài ra, nền tảng số hóa dựa trên Aadhaar đã thay đổi cách quản lý công và kinh doanh tại Ấn Độ, hỗ trợ các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý dữ liệu dân số.
Mua sắm và du lịch
Năm 2023, tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 35% dân số Ấn Độ, tức khoảng 500 triệu người. Văn hóa mua sắm tại các trung tâm thương mại tăng nhanh, với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế tại các khu vực đô thị lớn như Ambience Mall ở Gurgaon hay Phoenix Mall ở Mumbai.
Sự phổ biến của các nền tảng như Flipkart và Amazon Ấn Độ đã thúc đẩy thương mại điện tử đạt doanh thu hơn 100 tỷ USD vào năm 2023, nhờ vào việc người dân chuyển sang mua sắm online sau đại dịch COVID-19.
Đồng thời, du lịch nội địa tăng trưởng mạnh nhờ cải thiện cơ sở hạ tầng và các điểm đến nổi tiếng như Varanasi (thành phố linh thiêng bên sông Hằng) và Kerala (nổi tiếng với Ayurveda) ngày càng thu hút du khách.
Giới thiệu Thị trường chứng khoán Ấn Độ
Thị trường chứng khoán Ấn Độ là một trong những thị trường tài chính lớn và phát triển nhanh nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia này. Nổi bật với hai sàn giao dịch chính:
- Sàn giao dịch chứng khoán Bombay (BSE): Được thành lập vào năm 1875, đây là sàn giao dịch chứng khoán lâu đời nhất ở châu Á. Với chỉ số chính SENSEX (Sensitive Index), đại diện cho 30 công ty hàng đầu trên sàn.
- Sàn giao dịch chứng khoán Quốc gia Ấn Độ (NSE): Thành lập năm 1992, NSE là sàn giao dịch lớn nhất Ấn Độ về khối lượng giao dịch. NIFTY 50 là chỉ số chính, bao gồm 50 cổ phiếu đại diện cho nhiều lĩnh vực.
Trong 20 năm qua, chỉ số chứng khoán Nifty50 của Ấn Độ đã tăng khoảng 15 lần. Nó vượt trội so với Nikkei 225 hay S&P 500 và MSCI All Country World Index. Thị trường chứng khoán Ấn Độ hiện nay đứng thứ 5 thế giới về quy mô (Market Cap: 5.290 tỷ USD) và là thị trường chứng khoán lớn thứ 2 ở các quốc gia đang phát triển, chỉ sau Trung Quốc. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của chứng khoán Ấn Độ đạt khoảng 70% so với thị trường chứng khoán Nhật Bản và khoảng 63% so với tổng giá trị vốn hóa của tất cả các sàn giao dịch trong khuôn khổ Euronext (các sàn giao dịch của châu Âu).
Có thể đầu tư chứng khoán Ấn Độ từ Nhật Bản không?
Cho dù chứng khoán Ấn Độ có triển vọng đến đâu thì vẫn không có cách nào trực tiếp mua cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường Ấn Độ từ Nhật Bản. Điều này là do thị trường chứng khoán Ấn Độ hiện có quy định cấm nhà đầu tư cá nhân nước ngoài tham gia. Sau đây là 3 cách để có thể đầu tư chứng khoán Ấn Độ từ Nhật Bản.
- Đầu tư thông qua quỹ tín thác
- Đầu tư thông qua quỹ ETF
- Đầu tư thông qua ADR
Tuy nhiên, nếu thông qua thị trường chứng khoán Mỹ, bạn có thể mua một số cổ phiếu của các công ty Ấn Độ. Các công ty niêm yết tại Ấn Độ phát hành chứng chỉ lưu ký Mỹ (ADR – American Depositary Receipts) được niêm yết trên thị trường Mỹ, và bằng cách nắm giữ ADR, bạn thực chất trở thành cổ đông của các công ty Ấn Độ.
1. Đầu tư thông qua quỹ tín thác
Một trong những cách đầu tư phổ biến vào cổ phiếu Ấn Độ là thông qua các quỹ đầu tư tín thác. Hiện có rất nhiều quỹ đầu tư vào cổ phiếu Ấn Độ. Các quỹ này bao gồm:
- Quỹ chỉ số (Index Fund): Liên kết với các chỉ số giá cổ phiếu như SENSEX, mang tính thụ động.
- Quỹ chủ động (Active Fund): Đầu tư tập trung vào các ngành cụ thể như hạ tầng (infrastructure), công nghệ thông tin (IT), và các danh mục cổ phiếu được quản lý chuyên sâu.
Vào tháng 1/2024, quỹ cổ phiếu Ấn Độ có dòng vốn chảy vào lớn nhất là “iFreeNEXT India Stock Index”, được quản lý bởi Daiwa Asset Management. Đây là quỹ chỉ số liên kết với Nifty50 Index – một chỉ số đại diện của thị trường chứng khoán Ấn Độ, bao gồm cả cổ tức và tính bằng yên Nhật. Quỹ này kết hợp cổ phiếu và hợp đồng tương lai của thị trường Ấn Độ, nhằm tối ưu hóa chi phí quản lý cho nhà đầu tư.
2. Đầu tư thông qua quỹ ETF
Với những người có một số kinh nghiệm đầu tư và muốn sắp xếp thời gian mua và bán của riêng mình, thì việc đầu tư chứng khoán Ấn Độ thông qua ETF cũng là một lựa chọn hợp lý. ETF có điểm tương đồng với quỹ đầu tư tín thác ở khả năng đa dạng hóa đầu tư vào nhiều mã cổ phiếu. Hơn nữa, với ETF bạn có thể giao dịch theo thời gian thực trong giờ mở cửa của thị trường, giống như cổ phiếu niêm yết của các công ty. Tuy nhiên, ETF thường có mức đầu tư tối thiểu cao hơn so với quỹ đầu tư tín thác, điều này khiến việc đầu tư tích lũy trở nên khó khăn hơn.
Dưới đây là quỹ ETF nổi tiếng về cổ phiếu Ấn Độ, được niêm yết tại Nhật Bản và quản lý bởi công ty chứng khoán Nomura.
3. Đầu tư thông qua ADR
Ngoài 2 cách trên, nếu thông qua thị trường chứng khoán Mỹ, bạn có thể mua một số cổ phiếu của các công ty Ấn Độ. Các công ty niêm yết tại Ấn Độ phát hành chứng chỉ lưu ký Mỹ (ADR – American Depositary Receipts) được niêm yết trên thị trường Mỹ, và bằng cách nắm giữ ADR, bạn thực chất trở thành cổ đông của các công ty Ấn Độ. Bạn có thể giao dịch thông qua các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch cổ phiếu Mỹ.
ADR là chứng chỉ lưu ký được phát hành tại Mỹ dựa trên cổ phiếu của một công ty niêm yết ở Ấn Độ. Nó là công cụ để các nhà đầu tư quốc tế (trong trường hợp này là tại Nhật Bản) có thể tiếp cận cổ phiếu Ấn Độ mà không cần trực tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Quy tắc giao dịch cũng giống như giao dịch cổ phiếu Mỹ thông thường. Hơn nữa, ADR cũng có thể được giao dịch thông qua tài khoản đặc định (特定口座) hoặc tài khoản NISA hệ thống miễn thuế đầu tư ở Nhật Bản, nên rất được ưa chuộng ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty niêm yết tại Ấn Độ đều phát hành ADR. Do đó, cơ hội đầu tư sẽ giới hạn trong các doanh nghiệp lớn như Infosys, Tata Motors hoặc ICICI Bank.
Kết luận
Chứng khoán Ấn Độ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, một nền kinh tế đa dạng và tiềm năng tăng trưởng dài hạn, đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư toàn cầu.
Chỉ cần thông qua các kênh gián tiếp như quỹ đầu tư tín thác, ETF hoặc ADR niêm yết tại Mỹ, ngay cả khi đang ở Nhật Bản vẫn có thể tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này. Mỗi kênh đầu tư đều có ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với từng mục tiêu và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Nhìn chung, Ấn Độ là một thị trường không thể bỏ qua đối với những ai đang tìm kiếm cơ hội tại các nền kinh tế mới nổi. Điều quan trọng là cần cân nhắc kỹ lưỡng chiến lược đầu tư, chọn lựa công cụ phù hợp và theo dõi sát sao các yếu tố vĩ mô để tối ưu hóa lợi nhuận.