Financial Planning – Kế hoạch tài chính là gì? 8 bước thiết lập

Postdate: 355 lượt xem

kế hoạch tài chính là gì
Kế hoạch tài chính là gì?

Trong cuộc sống hối hả ngày nay, việc duy trì và phát triển tài chính cá nhân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đối mặt với những thách thức không ngừng và biến động của thị trường tài chính, việc có một kế hoạch tài chính chặt chẽ không chỉ là một yếu tố lựa chọn, mà là chìa khóa quan trọng giúp chúng ta kiểm soát tình hình và định hình tương lai của mình. Vậy kế hoạch tài chính là gì và làm như thế nào để thiết lập nó?

Kế hoạch tài chính là gì? Vai trò và lợi ích của nó

Kế hoạch tài chính cá nhân (trong tiếng Anh là Financial Planning) là một bản đồ chi tiết về tài chính, dựa trên kế hoạch cuộc đời. Dựa vào kế hoạch tài chính, bạn có thể mô phỏng được khoản thu chi hàng năm từ nay cho đến tương lai, xoay quanh các khoản khác nhau như thu nhập tiền lương, tiền hưu, chi phí nhà ở, chi phí giáo dục, chi phí dưỡng già ,v.v.

Kế hoạch tài chính không chỉ là việc quản lý tiền bạc mà còn là một chiến lược tổng thể giúp định hình và bảo vệ tương lai tài chính của bạn. Nó không chỉ dành cho những người giàu có mà còn là cơ hội cho mọi người để xây dựng một cuộc sống tài chính khoa học và ổn định hơn.

Khi bạn có một kế hoạch tài chính, bạn đang xây dựng nền móng cho sự thành công và an ninh tài chính. Lợi ích của việc này không chỉ là về mặt tài chính mà còn bao gồm sự yên bình tinh thần và khả năng đối phó với những thách thức không mong muốn.

Ba chi phí chính đóng vai trò quan trọng

Ở Nhật Bản, chi phí nhà ở, chi phí giáo dục và chi phí dưỡng già được gọi là “ba chi phí chính = 3大支出” khi xem xét đến kế hoạch tài chính. Việc lấy ba chi phí chính này làm chuẩn, sẽ có thể đưa ra đánh giá tính ổn định của một kế hoạch tài chính. Hiểu rõ về chúng sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa nguồn lực và đưa ra quyết định thông minh về tiền bạc.

  • Chi phí nhà ở: Bao gồm tiền thuê nhà hoặc vay mua nhà, chi phí bảo trì, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm động đất và phí sử dụng viện dưỡng lão khi về già.
  • Chi phí giáo dục: Bao gồm tổng các chi phí phát sinh trong và ngoài trường học. Từ mẫu giáo đến đại học, nếu học trường công sẽ tốn khoảng 7,8 triệu yên/người và 22 triệu yên/người nếu học toàn bộ ở trường tư. Trường hợp nếu học trường công đến hết cấp ba và học đại học ở trường tư thì sẽ tốn khoảng 10 triệu yên/người.
  • Chi phí dưỡng già: Bao gồm các khoản chi phí sinh hoạt khi về hưu, và sẽ sử dụng tiền lương hưu, tiền tiết kiệm, hay lãi suất đầu tư để chi trả. Theo thống kê khảo sát ngân sách hộ gia đình, trung bình một đôi vợ chồng ngoài 65 tuổi, sẽ cần đến khoảng 260.000 yên để chi trả phí sinh hoạt hàng tháng.

8 bước thiết lập kế hoạch tài chính

Lập kế hoạch tài chính là một quá trình liên tục xem xét toàn bộ tình hình tài chính của bạn để tạo ra các chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn. Ngoài ra việc lập kế hoạch tài chính cụ thể còn có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng về tiền bạc.

Sau đây là 8 bước để thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân, hy vọng nó sẽ giúp bạn có một cái nhìn khách quan và từ đó sẽ tạo ra cho mình một bản đồ chi tiết để ổn định tài chính hơn trong tương lai.

Bước 1: Đặt mục tiêu tài chính

Đặt mục tiêu tài chính là bước quan trọng nhất trong việc xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân. Nếu bạn tiếp cận việc lập kế hoạch tài chính từ quan điểm xem tiền có thể mang lại lợi ích gì cho bạn, thì việc kiếm tiền và tiết kiệm sẽ trở nên có chủ đích hơn.

Hãy tự hỏi: Bản thân mình mong muốn cuộc sống như thế nào sau 5, 10, 20 hay 50 năm sau? Sau này khi về già mình sẽ lấy gì để trang trải chi phí sinh hoạt?

Để có thể đặt mục tiêu tài chính một cách khoa học, bạn có thể áp dụng mô hình SMART dưới đây.

  • Specific (Cụ thể): Mô tả rõ ràng và chi tiết về mục tiêu của bạn với quy tắc 5W.
  • Measurable (Khả năng đo lường): Đặt ra các chỉ số hoặc tiêu chí để đo lường mức độ đạt được của mục tiêu, chẳng hạn như cần bao nhiêu tiền để nuôi con và dưỡng già thoải mái.
  • Achievable (Tính khả thi): Mục tiêu nên là thách thức nhưng vẫn khả thi với nỗ lực và tài nguyên hiện có, nhằm tránh tình trạng chán nản rồi bỏ cuộc giữa chừng.
  • Relevant (Liên quan): Mục tiêu phải liên quan trực tiếp đến kế hoạch tài chính và ước lượng đúng với hoàn cảnh của bạn.
  • Timely (Thời hạn): Việc đặt một khung thời gian cụ thể để đạt được mục tiêu sẽ giúp tăng tính cấp bách và ưu tiên.

Khi bạn đã đặt mục tiêu tài chính theo mô hình SMART, bạn sẽ dễ dàng theo dõi, đánh giá, và thúc đẩy sự phát triển của mình trên con đường tài chính.

Bước 2: Theo dõi tình hình tài chính hiện tại

Để xây dựng một kế hoạch tài chính mạnh mẽ, việc hiểu rõ và theo dõi chặt chẽ dòng tiền vào ra hiện tại là không thể thiếu. Đây là bước quan trọng giúp bạn có cái nhìn toàn diện về nguồn thu nhập, chi tiêu, và nợ của mình. Bằng cách biết tiền của bạn đang đi đâu, nó có thể sẽ giúp bạn phát triển các kế hoạch trước mắt, trung hạn và dài hạn.

Quy tắc 50/30/20 là một phương pháp hữu ích để giúp bạn quản lý và theo dõi chi tiêu của mình một cách hiệu quả.

  • 50% cho nhu cầu: 50% thu nhập của bạn nên được dành cho các khoản chi tiêu cố định tất yếu như nhà ở, ăn uống, chi phí điện thoại, và các khoản thanh toán định kỳ khác.
  • 30% cho mong muốn: 30% thu nhập nên được cấp phát cho các khoản chi tiêu liên quan đến mong muốn như đi ăn ngoài, giải trí, và mua sắm.
  • 20% cho tiết kiệm và trả nợ: 20% còn lại nên được dành cho việc tiết kiệm và thanh toán nợ. Điều này bao gồm việc tiết kiệm cho tương lai và giảm nợ hiện tại.

Xem thêm: Cách lập ngân sách gia đình khi ở Nhật với quy tắc 50/30/20

Bước 3: Xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp

Cuộc sống luôn chứa đựng những bất ngờ không lường trước, và chúng ta phải đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau. Do đó, việc chuẩn bị cho những thách thức bất ngờ là vô cùng quan trọng. Không ai có thể dự đoán được khi nào một sự kiện không mong muốn sẽ xuất hiện, có thể là vấn đề về sức khỏe, mất việc đột ngột, thiên tai, hoặc thậm chí là xe hỏng. Để đối mặt với những tình huống khẩn cấp như vậy, việc xây dựng một quỹ dự phòng khẩn cấp là cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự ổn định trong cuộc sống của chúng ta.

Quỹ dự phòng khẩn cấp là một khoản tiền được đặc biệt dành để đối mặt với những tình huống không ngờ. Nó có thể ở dạng tiền mặt hoặc được giữ trong tài khoản tiết kiệm, sẵn sàng để rút ra mỗi khi cần thiết. Điều này giúp đảm bảo rằng bạn luôn sẵn sàng và có an ninh tài chính khi đối mặt với những thách thức không mong muốn.

Số tiền cần thiết cho quỹ dự phòng khẩn cấp sẽ thay đổi tùy theo từng người, nhưng lý tưởng nhất là khoản tiền tương đương với chi phí sinh hoạt từ 3 đến 6 tháng. Lý do là ở Nhật Bản, có khá nhiều thủ tục pháp lý rườm rà, để nhận được tiền trợ cấp, đền bù hay bồi thường bạn phải chờ đợi trong một khoảng thời gian nhất định.

Bước 4: Loại bỏ chi tiêu không cần thiết, thanh toán nợ có lãi cao

Trong thời đại ngày nay, việc mua sắm sẽ hoàn tất chỉ cần một cú nhấp vào chiếc điện thoại thông minh của bạn. Tuy nhiên, nếu không thực hiện việc đánh giá chi tiêu hàng ngày và lên kế hoạch mua sắm, nguy cơ rơi vào tình trạng mua sắm quá mức là rất cao. Để loại bỏ chi tiêu không cần thiết bạn cần xác định mức độ ưu tiên của nhu cầu và mong muốn, sau đó lập ngân sách cụ thể hàng tháng.

Tại Nhật Bản, việc mở thẻ tín dụng trở nên đơn giản đến khó tin. Những công ty phát hành thẻ tín dụng thậm chí còn mời rủ bạn sử dụng phương thức thanh toán trả góp với mức lãi suất lên đến 15%/năm. Điều đặc biệt là phương thức thanh toán trả góp quay vòng, tạo ra sự thuận tiện khi bạn có thể tự điều chỉnh số tiền thanh toán hàng tháng theo ý muốn. Tuy nhiên, đằng sau sự thuận tiện đó là thách thức lớn, khiến bạn mất rất nhiều thời gian để trả hết cả gốc lẫn lãi suất tích tụ.

Xem thêm: Thanh toán quay vòng thẻ tín dụng là gì? Có nên sử dụng không?

Nếu bạn đang đối mặt với nhiều khoản nợ tín dụng, việc quản lý tốt nhất là liệt kê cẩn thận mọi khoản nợ và ưu tiên thanh toán những nơi có lãi suất cao nhất. Điều này không chỉ giúp giảm tổng chi phí lãi suất mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoát khỏi bế tắc tài chính và dần dần tái lập sự ổn định trong quản lý nguồn lực tài chính của bạn.

Bước 5: Lập kế hoạch nghỉ hưu

Sau khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu không có nguồn thu nhập khác ngoài tiền lương thì thu nhập của bạn sẽ thấp hơn so với những năm tháng bạn làm việc. Để chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu, trước tiên bạn nên kiểm tra và tính toán chi phí và thu nhập hưu trí của bạn.

kế hoạch tài chính là gì
Kế hoạch tài chính là gì?

Ở Nhật Bản, hệ thống lương hưu “年金 = Nenkin” sẽ gửi thông báo định kỳ “ねんきん定期便 = Nenkin Teikibin” tới người đang tham gia, để họ có thể tự kiểm tra được tình trạng đăng ký và số tiền hưu trí của mình. Đối với những người dưới 50 tuổi, số tiền lương hưu ước tính (ở mục số 3) sẽ được tính dựa trên phí bảo hiểm Nenkin đã đóng cho đến thời điểm đó. Mặt khác, đối với những người trên 50 tuổi, số tiền lương hưu ước tính mà họ sẽ nhận được nếu tiếp tục đóng phí bảo hiểm cho đến tuổi 60 sẽ được liệt kê.

POINT

“ねんきん定期便 = Nenkin Teikibin” sẽ được gửi một năm một lần, vào tháng sinh nhật của bạn. Nếu đăng ký Nenkin Net bạn có thể kiểm tra online và bảo quản một cách thuận tiện hơn.

Dưới đây là kết quả thu nhập lương hưu trung bình thực tế trong năm tài khoá 2022 tại Nhật Bản, do Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi cung cấp. Theo ước tính, nếu sống đến 100 tuổi ở Nhật Bản, chúng ta cần ít nhất 20 triệu yên để dưỡng già. Với mức lạm phát khoảng 2% như hiện nay, khi về già chúng ta không thể nào trang trải chi phí sinh hoạt chỉ bằng thu nhập lương hưu.

Độ tuổi Loại bảo hiểm hưu trí
国民年金
Hưu trí quốc dân
厚生年金
Hưu trí người lao động
60 – 64 43,094円 74,688円
65 – 69 57,829円 144,322円
70 – 74 57,084円 142,779円
75 – 79 56,205円 146,092円
80 – 84 56,139円 154,860円
85 – 89 56,044円 159,957円
Từ 90 trở lên 51,974円 158,753円

Bước 6: Biện pháp đối phó với thuế

Ở Nhật Bản, hệ thống thuế phức tạp kèm theo mức thuế suất cao, nên việc hiểu rõ và áp dụng những biện pháp hợp lý để giảm thiểu gánh nặng thuế là vô cùng quan trọng. Ngay cả sau này khi về già, nếu thu nhập lương hưu vượt quá mức quy định, bạn sẽ bị đánh thuế thu nhập với mức thuế suất từ 5.1% đến 45% tuỳ theo tổng thu nhập.

Xem thêm: CẢI CÁCH THUẾ 2024, AI CŨNG NÊN BIẾT

Mặc dù thuế suất ở Nhật Bản khá cao, nhưng ngược lại chúng ta có thể được hưởng những khoản khấu trừ để được giảm bớt thuế, chẳng hạn như khấu trừ người phụ thuộc, khấu trừ thua lỗ khi đầu tư, khấu trừ vay trả góp mua nhà ,v.v.

Xem thêm: KHẤU TRỪ CHUYỂN TIẾP KHI ĐẦU TƯ THUA LỖ

Bước 7: Tăng thu nhập, đầu tư

Nếu chỉ dựa vào thu nhập chính là tiền lương, thì rất khó để ổn định tài chính cá nhân. Vì vậy việc kiếm thêm một nguồn thu nhập khác ngoài tiền lương cũng vô cùng quan trọng. Với thời buổi internet phát triển vượt bậc như hiện nay, cơ hội để bạn kiếm thêm thu nhập bằng chuyên môn của mình đầy rẫy trước mắt.

Ngoài ra, việc đầu tư tích sản cũng là một phương pháp giúp bạn ổn định và gia tăng tài sản một cách khoa học. Ở Nhật Bản, hệ thống đầu tư miễn thuế NISA đã được cải cách kể từ năm 2024. Với NISA 2024, bạn có thể đầu tư tối đa 360 man yên/năm và được miễn thuế lợi nhuận vô thời hạn.

Ví dụ: Nếu bạn sử dụng tài khoản NISA để đầu tư tích trữ, với số tiền đầu tư hàng tháng là 5 man yên và mức lãi suất kỳ vọng hàng năm là 5%. Nhờ hiệu ứng lãi kép, sau 30 năm giá trị khoản đầu tư này của bạn sẽ vượt quá 4.000 man/yên, trong đó tiền gốc là 1.800 man yên và lãi suất đầu tư khoảng hơn 2.300 man yên.

Xem thêm: TÌM HIỂU VỀ NEW NISA 2024

Bước 8: Lập kế hoạch bảo vệ tài sản

Hãy đảm bảo tài sản của bạn được bảo vệ một cách toàn diện bằng cách xây dựng một chiến lược bảo hiểm chặt chẽ và hiệu quả. Lập kế hoạch bảo vệ tài sản không chỉ giúp bạn tránh mất mát lớn khi đối mặt với các sự kiện bất ngờ mà còn đảm bảo rằng cuộc sống của bạn luôn ổn định và an toàn.

Đầu tiên, hãy nhìn nhận và xác định các nguy cơ tiềm ẩn mà tài sản của bạn có thể phải đối mặt. Các yếu tố như thiên tai, bệnh tật, mất mát tài sản, hoặc rủi ro tài chính đều có thể gây ra tổn thất lớn. Từ nhận thức này, bạn có thể chọn lựa gói bảo hiểm phù hợp như bảo hiểm nhà ở, bảo hiểm ô tô, bảo hiểm y tế, và nhiều loại bảo hiểm khác.

Tuy nhiên, hãy tận dụng một cách thông minh và hiệu quả nhất để bảo vệ tài sản của bạn một cách toàn diện, tránh mua những loại bảo hiểm không cần thiết gây ra lãng phí.

Tóm tắt

Kế hoạch tài chính không chỉ đơn thuần là việc quản lý tiền bạc mà còn là công cụ quan trọng giúp xây dựng một tương lai tài chính ổn định và an toàn. Việc thiết lập kế hoạch tài chính như trên đây sẽ giúp bạn có một bản đồ chi tiết, từ việc đặt mục tiêu cho đến bảo vệ tài sản, để hướng dẫn hành trình của mình đến ổn định tài chính cá nhân.

Hy vọng qua bài viết Kế hoạch tài chính là gì này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức và công cụ cần thiết để đối mặt với mọi thách thức, đồng thời tận hưởng một cuộc sống tài chính ổn định và thịnh vượng!

Đánh giá

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

cổ phiếu nhật bản

Cổ phiếu Nhật Bản tăng mạnh nhất Thế giới trong tháng 5

Chỉ số chứng khoán Nikkei đại diện cho 225 cổ phiếu hàng đầu ở Nhật Bản, đã tăng trưởng mạnh nhất Thế giới trong tháng 5 với mức tăng 7%.

tiền mới của nhật bản

Tiền mới của Nhật Bản sẽ phát hành từ năm 2024, thay đổi sau 20 năm

Ngân hàng và Bộ Tài chính sẽ phát hành 3 loại tiền giấy mới của Nhật Bản vào tháng 7 năm 2024, đây là thay đổi đầu tiên sau 20 năm.

tiêu chí chọn bảo hiểm ô tô ở nhật

Các tiêu chí lựa chọn bảo hiểm ô tô ở Nhật Bản

Đối với những người sở hữu và lái xe ô tô, việc lựa chọn gói bảo hiểm xe ô tô như thế nào để được bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn hay sự cố là chủ đề được nhiều người quan tâm.

hàng không nhật bản

Ngành hàng không Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ sau dịch

Kết thúc năm tài chính 2023, 2 hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là JAL và ANA Holdings đều công bố mức doanh thu khủng nhất từ trước đến nay.

ảnh hưởng của boj đến thị trường chứng khoán

Mối quan hệ, ảnh hưởng của BOJ đến Thị trường chứng khoán Nhật

Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán Nhật Bản thông qua các chính sách tiền tệ và can thiệp ngoại hối.

Chào các bạn! Mình là Anh, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã ở Nhật hơn 10 năm, đang sống ở Saitama và công việc chính hiện tại của mình là SE . Sở thích của mình là chơi thể thao, đi du lịch và đọc sách. Câu nói mà mình yêu thích nhất:”Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà Hạnh Phúc là một con đường” của thiền sư “Thích Nhất Hạnh”. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người.

error: Xin đừng copy em !!!