Chứng khoán Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ đạt mức cao nhất sau 33 năm, điều này đã làm dấy lên dư luận và thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên khắp toàn cầu. Trong tháng 5, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 Index đã tăng gần 7%, cao nhất so với 15 chỉ số chứng khoán đại diện cho các thị trường có vốn hoá hàng đầu Thế giới. Cổ phiếu một công ty sản xuất chip bán dẫn lớn ở Nhật Bản là Advantest đã tăng vọt khoảng 70% chỉ trong tháng 5 và dẫn đầu lĩnh vực chip trên toàn Thế giới về tốc độ tăng giá.
Tại sao cổ phiếu chip Nhật Bản tăng mạnh?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/5, mặc dù chỉ số Nikkei 225 đại diện cho thị trường chứng khoán Nhật Bản đã giảm 1,4% nhưng vẫn đứng vị trí đầu bảng với gần 7% cao hơn Taiwan Weighted (+5,6%) và Nasdaq (+5,92%) trong tháng 5. Đây là lần đầu tiên sau 1 năm 8 tháng, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 xếp hạng đầu bảng về tốc độ tăng giá. Ngoài ra trong ngày 31, giá trị giao dịch trên phân khúc thị trường Prime của TSE đã tăng gấp 2,3 lần so với hôm trước, lên gần 7 nghìn tỷ yên và ghi nhận khối lượng giao dịch cao kỷ lục.
Xem thêm: TÌM HIỂU THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NHẬT BẢN
Trong số 225 cổ phiếu nằm trong chỉ số chứng khoán Nikkei, Advantest (chuyên sản xuất các thiết bị kiểm tra và đo lường tự động cho ngành công nghiệp bán dẫn) là cổ phiếu hoạt động tốt nhất với mức tăng 70% trong tháng 5. Tiếp theo, với mức tăng 33% là SCREEN Holdings (sản xuất thiết bị bán dẫn) và thứ ba là Renesas Electronics (sản xuất thiết bị bán dẫn cho ngành công nghiệp ô tô) với mức tăng 29%.
Một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của cổ phiếu bán dẫn ở Nhật Bản đó là những mập mờ và rủi ro ở Trung Quốc. Các công ty lớn trên toàn cầu như Micron Technology của Mỹ hay Samsung Electronics của Hàn Quốc đã lần lượt công bố kế hoạch đầu tư và thành lập các cơ sở nghiên cứu và mở rộng phát triển. Mục đích là để ngăn chặn sự gián đoạn nguồn cung ở Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp, điều này dẫn đến kỳ vọng về nhu cầu đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn, vốn là một thế mạnh của các nhà sản xuất đến từ Nhật Bản.
Điểm khác biệt giữa doanh nghiệp Nhật và Mỹ
Mỹ là một đất nước sở hữu nền tảng công nghệ thông tin nổi trội, vì vậy các doanh nghiệp ở Mỹ không mang nhiều gánh nặng về đầu tư vốn như thiết bị, máy móc ,v.v. Mặt khác, Nhật Bản là một quốc gia bị chi phối bởi ngành chế tạo sản xuất, có đặc thù khó tạo ra tiền mặt do ảnh hưởng của các khoản đầu tư thiết bị và hàng tồn kho.
Trên thực tế, khi so sánh 500 doanh nghiệp hàng đầu ở Nhật Bản với Mỹ, có thể thấy rằng dòng tiền tự do (Free Cash Flow) của các doanh nghiệp ở Mỹ đã tăng gấp đôi sau 10 năm, trong khi ở Nhật Bản lại giảm đi 30%. Để thu hút các nhà đầu tư từ nước ngoài, lợi nhuận thôi là chưa đủ mà doanh nghiệp Nhật Bản cần phải cải thiện và tăng khả năng tạo ra tiền mặt. Đây sẽ là chìa khóa vàng để thúc đẩy cổ phiếu Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng.