Tập đoàn SoftBank lỗ nặng 2 năm liên tiếp và kỳ vọng IPO 10 tỷ đô

Update: 1644 lượt xem

Lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn công nghệ đa quốc gia SoftBank Group (SBG) tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong năm thứ 2 liên tiếp. Kết thúc năm tài khoá 2022, tập đoàn SoftBank đã ghi nhận mức lỗ ròng 970 tỷ yên, mặc dù mức thua lỗ đã được thu hẹp so với năm trước nhưng đây là mức thâm hụt lớn thứ 2 kể từ trước đến nay của tập đoàn này. Điều gì đang xảy ra với tập đoàn từng dẫn đầu trong nước về giá trị lợi nhuận ròng?

Giới thiệu về tập đoàn SoftBank Group

SoftBank Group là một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Khoảng 40 năm trước vào năm 1981, Masayoshi Son (hiện là chủ tịch SBG) đã thành lập SoftBank Japan để bán phần mềm cho máy tính cá nhân. Khoảng ba tháng sau khi thành lập, Masayoshi Son đã thúc đẩy hợp đồng mua bán độc quyền với công ty phần mềm trò chơi Hudson với số tiền đặt cọc là 30 triệu yên.

Thăng hoa trong thời kỳ bong bóng IT

Đến năm 1990, Masayoshi Son đổi tên công ty thành SoftBank Corporation và bắt đầu đầu tư vào Yahoo! Không dừng lại ở đó, Masayoshi Son tiếp tục thành lập SoftBank Holdings Inc. tại Mỹ vào tháng 3 năm 1994. SoftBank gặp thời, cưỡi được làn sóng công nghệ thông tin bùng nổ và đã tăng trưởng một cách nhanh thần kỳ.

Năm 2000, SoftBank đầu tư vào Tập đoàn Alibaba và đã đưa Alibaba trở thành công ty thương mại điện tử (EC) lớn nhất Trung Quốc. Sau đó, SoftBank đã mua lại Japan Telecom (công ty viễn thông lớn thứ 3 Nhật Bản tại thời điểm đó) và mua lại một công ty con của Vodafone ở Anh Quốc để tham gia kinh doanh điện thoại di động. Trong thời kỳ bong bóng IT (dot-com bubble), tên tuổi của SoftBank Group đã được lan rộng với một công ty viễn thông tổng hợp.

Vào năm 2013, SoftBank tiếp tục mua lại công ty di động Sprint của Mỹ và tiếp tục hoạt động kinh doanh nghiêng về lĩnh vực viễn thông. Khi đó Masayoshi Son đã phát ngôn khiến toàn cầu kinh ngạc.

Chúng ta sẽ thay đổi thế giới viễn thông và ghi tên mình trong sách giáo khoa sau 100 năm nữa.

Masayoshi Son

Ra mắt quỹ đầu tư Vision Fund quy mô 10K tỷ yên

Vào tháng 7 năm 2015, sau khi được thông qua tại Đại hội cổ đông (được tổ chức vào tháng 6 cùng năm) SoftBank chính thức đổi tên thành SoftBank Group. Đối mặt với bối cảnh thị trường viễn thông trong nước chững lại, Masayoshi Son đã quay trở lại đầu tư vào lĩnh vực internet, đồng thời cũng cố hình ảnh của một công ty đầu tư.

Tháng 5 năm 2017, tập đoàn SoftBank cho ra mắt Quỹ Tầm nhìn “SoftBank Vision Fund = SVI” với quy mô 10 nghìn tỷ yên, để đầu tư vào các công ty công nghệ khởi nghiệp có tiềm năng trên toàn cầu như AI hay IoT, EV. Các công ty công nghệ nổi tiếng mà SoftBank Vision Fund đã đầu tư bao gồm Uber, WeWork, Slack, DoorDash, ByteDance (công ty mẹ của TikTok), Nvidia và nhiều công ty khác trên khắp thế giới.

Từng là công ty có lãi lớn nhất ở Nhật Bản

tập đoàn softbank lỗ nặng
SoftBank ghi nhận lãi khủng trong năm 2021 (Trích từ thuyết minh BCTC của SBG)

Có thời điểm, Quỹ tầm nhìn đã thua lỗ do ảnh hưởng của gã khổng lồ văn phòng chia sẻ ở Mỹ là WeWork. Tuy nhiên trong thời kỳ CoVid-19 bùng nổ, với bối cảnh Ngân hàng các nước thực hiện nới lỏng tiền tệ, tập đoàn SoftBank đã thu về lợi nhuận khủng từ nhờ sự tăng giá cổ phiếu của các công ty công nghệ mà họ đã đầu tư.

Cụ thể, trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 3 năm 2021, tập đoàn SoftBank đã ghi nhận mức lãi ròng lên đến 4.988 tỷ yên (gần 45 tỷ USD, tỷ giá USD/JPY = 112), mức lãi lớn nhất từ trước đến nay đối với một công ty ở Nhật Bản.

Lỗ nặng trong 2 năm liên tiếp

Theo kết quả báo cáo tài chính mới nhất được công bố vào ngày 11/5/2023, tập đoàn SoftBank đã ghi nhận mức lỗ ròng 970 tỷ yên, đánh dấu năm lỗ nặng thứ 2 liên tiếp. Theo BCTC hợp nhất, Quỹ Tầm nhìn đã lỗ nặng với 5.323 tỷ yên, thâm hụt nhiều hơn năm trước gần 1.700 tỷ yên.

Trước đó, tập đoàn SoftBank rơi vào tình trạng lỗ nặng nhất từ trước đến nay với giá trị thâm hụt lên tới 1.708 tỷ yên. Đằng sau điều này là các Ngân hàng Trung ương ở Mỹ và châu Âu thắt chặt tiền tệ với tốc độ nhanh để ngăn chặn lạm phát quá nóng.

tập đoàn softbank
Doanh thu và lợi nhuận của SBG (Tool: Monex Sec)

Tính đến cuối tháng 3 năm 2023, SBG đã đầu tư vào khoảng 440 công ty trên toàn cầu. Lạm phát và lãi suất tăng cao đã làm giảm lợi nhuận và giá cổ phiếu của các công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp mà SBG đầu tư, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của tập đoàn SoftBank. Ảnh hưởng nặng nề nhất đến từ việc rớt giá của các cổ phiếu như gã khổng lồ CNTT ở Indonesia là Goto, DoorDash – công ty công nghệ và giao hàng ở Mỹ hay tập đoàn thương mại điện tử Coupang ở Hàn Quốc.

Để cũng cố tài chính, trong năm tài khoá 2022 tập đoàn SoftBank đã hy sinh nhiều lần bán ra cổ phiếu của Alibaba và ghi nhận lợi nhuận (trước thuế) từ khoản đầu tư này là 4.840 tỷ yên. Cuối tháng 3 năm 2023, tỷ lệ sở hữu cổ phần Alibaba của tập đoàn SoftBank xuống còn 13,7% (một năm trước là 24,4%).

Kỳ vọng vào đợt IPO của Arm

Vào tháng 7 năm 2016, tập đoàn SoftBank đã mua lại toàn bộ cổ phần của Arm Holdings, một công ty thiết kế chất bán dẫn đến từ nước Anh. Đây là một thoả thuận mua bán trị giá khoảng 32 tỷ đô la Mỹ, tạo nên một thương vụ lớn và thu hút nhiều quan tâm trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu. Vào năm 2020, SoftBank đã thông báo rằng họ sẽ bán lại Arm Holdings cho tập đoàn NVIDIA (một công ty chuyên về vi xử lý đồ họa) trong một thỏa thuận trị giá khoảng 40 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, thương vụ này không thành công vì một vài vấn đề.

Xem thêm: Cách mua IPO ở Nhật Bản

Sau 2 năm thua lỗ nặng liên tiếp, tập đoàn SoftBank đã phần lớn tạm dừng các khoản đầu tư mới trong năm tài khoá 2023. Tập đoàn SoftBank đã bắt đầu xem xét nhu cầu của nhà đầu tư đối với đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Arm. Theo Bloomberg, quy mô của đợt IPO có thể lên tới 10 tỷ USD (khoảng 1,35 nghìn tỷ Yên), có thể lớn nhất Thế giới trong năm 2023.

Vào tháng 4, ban lãnh đạo của Arm đã nộp đơn đăng ký niêm yết tại New York và Goldman Sachs Group Inc., JPMorgan Chase & Co., Barclays Inc. và Mizuho Financial Group Inc. là những ngân hàng dẫn đầu IPO trong hồ sơ. Nếu không có gì trục trặc, tập đoàn SoftBank có thể đưa Arm lên sàn tại New York sớm nhất vào tháng 9 năm nay. Nếu Arm lên sàn, nó có thể thay thế vị trí của Alibaba trong danh mục đầu tư của SoftBank Group.

Cổ phiếu của SoftBank Group đang được định giá rẻ?

tập đoàn softbank group
NAV giảm hơn 20% (Trích từ thuyết minh BCTC của SBG)

Hiện nay vốn hoá thị trường của tập đoàn SoftBank với giá trị khoảng 8,7 nghìn tỷ yên và đã bị loại khỏi top 10 ở Nhật Bản. Mặt khác, tại thời điểm cuối tháng 3/2023 giá trị tài sản ròng (NAV = Net Asset Value) của SBG chỉ hơn 14 nghìn tỷ yên (năm 2022 là 18.500 tỷ yên), tức là chỉ bằng gần một nửa tài sản được đánh giá trên thị trường chứng khoán. Chỉ số P/B (Tỷ lệ giá thị trường/giá trị sổ sách) của SBG cũng đã thấp hơn 1, nhiều nhà đầu tư cho rằng giá cổ phiếu của SBG đang bị đánh giá thấp hơn so với giá trị sổ sách.

Sau khi Arm công bố giải pháp mới nhất cho điện thoại thông minh “TSC23” cùng với việc các công ty chứng khoán nâng mức giá mục tiêu, cổ phiếu của SoftBank Group đã tăng hơn 10% kể từ ngày 29 tháng 5.

Data: SoftBank IR, Bloomberg, Nikkei

5/5 - (3 bình chọn)

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

văn hoá làm việc của người nhật

Tìm hiểu văn hóa làm việc của người Nhật Bản: Điểm khác biệt

Văn hóa làm việc của người Nhật đã trải qua nhiều thập kỷ, họ tôn trọng giá trị truyền thống, đặc biệt là tính kỷ luật và tinh thần hợp tác.

yếu tố ảnh hưởng đến yên nhật

Đặc điểm đồng Yên – Các yếu tố ảnh hưởng đến đồng Yên Nhật

Đồng yên được coi là tài sản trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư. Cùng tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến đồng yên Nhật đặc biệt là lãi suất.

phúc lợi cổ đông ở nhật bản

Chương trình phúc lợi cổ đông ở Nhật Bản, hấp dẫn trong đầu tư

Phúc lợi cổ đông là một chương trình độc đáo chỉ có ở Nhật Bản nhằm khuyến khích cổ đông đầu tư và nắm giữ cổ phiếu lâu dài.

giao dịch margin chứng khoán ở nhật

Hướng dẫn giao dịch ký quỹ Margin Trading chứng khoán ở Nhật

Hướng dẫn cách đăng ký tạo tài khoản giao dịch ký quỹ và cách sử dụng margin trong chứng khoán ở Nhật Bản qua công ty chứng khoán Rakuten Shoken.

quy tắc 50 30 20

Áp dụng quy tắc 50/30/20 để quản lý tài chính tốt hơn khi ở Nhật

Quy tắc 50/30/20 gợi ý chia thu nhập sau thuế của bạn thành ba loại: nhu cầu, mong muốn, tiết kiệm và phân bổ chúng theo tỷ lệ 5:3:2.

Chào các bạn! Mình là Anh, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã ở Nhật hơn 10 năm, đang sống ở Saitama và công việc chính hiện tại của mình là SE . Sở thích của mình là chơi thể thao, đi du lịch và đọc sách. Câu nói mà mình yêu thích nhất:”Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà Hạnh Phúc là một con đường” của thiền sư “Thích Nhất Hạnh”. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người.

error: Xin đừng copy em !!!