Vào ngày 3/6, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch cho biết đã nhận được báo cáo về gian lận chứng nhận trong việc sản xuất từ 5 hãng xe ô tô lớn ở Nhật Bản bao gồm Toyota, Honda, Mazda, Yamaha, và Suzuki.
Ngay lập tức Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch đã tiến hành kiểm tra thực địa các hãng ô tô này vào ngày 4/6, dựa trên Luật Phương tiện Vận tải Đường bộ.
Gian lận chứng nhận sản xuất ô tô trên 38 mẫu xe ở Nhật Bản
Gian lận được phát hiện trong tổng số 38 mẫu xe của 5 hãng xe lớn bao gồm Toyota Motor Corporation, Mazda Motor Corporation, Yamaha Motor Corporation, Honda Motor Co., Ltd. và Suzuki Motor Corporation liên quan đến chứng nhận “型式指定 = Kiểu thức chỉ định”. Cụ thể là 5 hãng xe này đã gian lận làm giả các tài liệu liên quan đến các quá trình thử nghiệm va chạm cũng như các tiêu chuẩn an toàn và môi trường.
Kiểu thức chỉ định đề cập đến quá trình chứng nhận một mẫu xe ô tô cụ thể theo các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật được quy định bởi cơ quan quản lý nhà nước cụ thể là Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch.
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch đã ra lệnh đình chỉ sản xuất 6 mẫu xe hiện đang được sản xuất bởi Toyota, Mazda và Yamaha Motor cho đến khi có thể xác nhận rằng chúng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Quy mô của vụ gian lận chứng nhận lần này lên tới hơn 5 triệu chiếc xe trên khắp 5 công ty, bao gồm cả những mẫu xe đã ngừng sản xuất. Vấn đề gian lận chứng nhận trước đó được phát hiện tại Daihatsu Motor và Toyota Industries, nay đã lan rộng sang các nhà sản xuất lớn khác trong nước.
38 mẫu xe gian lận quá trình chứng nhận | |||
Hãng xe | Số mẫu xe | Số chiếc | Ngưng sản xuất |
Toyota | 7 mẫu xe | 1.700.000 chiếc | Corolla Fielder Corolla Axio Yaris Cross |
Mazda | 5 mẫu xe | 150.000 chiếc | Roadster RF Mazda 2 |
Honda | 22 mẫu xe | 3.250.000 chiếc | – |
Yamaha | 3 mẫu xe | 7.500 chiếc | YZF-R1 |
Suzuki | 1 mẫu xe | 26.000 chiếc | – |
Đối với Toyota, hãng ô tô lớn nhất Nhật Bản đã gửi dữ liệu sai lệch về các cuộc thử nghiệm bảo vệ người đi bộ đối với ba mẫu xe hiện đang được sản xuất, bao gồm cả Yaris Cross, Corolla Fielder và Corolla Axio. Trong năm tài chính 2023, Toyota đã bán ra tổng cộng khoảng 120.000 chiếc đối với ba mẫu xe này.
Điểm chung của Toyota và Honda là thái độ tự mình thay đổi nội dung các bài kiểm tra, tin rằng không có vấn đề gì miễn là họ vượt qua các bài kiểm tra trong những điều kiện khắt khe hơn yêu cầu của hệ thống kiểu thức chỉ định.
Ngoài ra, Bộ cũng phát hiện được 6 hình thức gian lận bao gồm làm giả chiếc xe sử dụng trong quá trình thử nghiệm va chạm, đối với dòng xe Crown đã được sản xuất trước đây.
Bê bối liên tục khiến người dùng mất lòng tin
Vụ bê bối gian lận quá trình chứng nhận này có quy mô lớn tại nhiều hãng xe đã làm tổn hại niềm tin vào ô tô Nhật Bản, một phần quan trọng của nền kinh tế xứ sở hoa anh đào. Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch nhấn mạnh “các hành vi gian lận làm xói mòn lòng tin của người dùng và làm xói mòn nền tảng của hệ thống chứng nhận ô tô là điều vô cùng đáng tiếc”.
Akio Toyoda chủ tịch tập đoàn Toyota cũng lập tức mở cuộc họp báo và phát biểu rằng: “Là người phụ trách tập đoàn Toyota, tôi xin chân thành xin lỗi khách hàng, những người yêu thích ô tô cũng như tất cả bên liên quan vì điều này”. Chủ tịch Toyota Akio Toyoda đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng gian lận tái diễn tại Daihatsu và các công ty khác trong tập đoàn. Vào tháng 1 năm nay, ông ấy đã làm rõ rằng không có thêm hành vi gian lận nào trong tập đoàn mà ông ấy biết. Lần này, hành vi gian lận bị phát hiện ở Toyota, và tại cuộc họp báo vào ngày 3, ông Toyoda đã vô cùng thất vọng.
Mặc dù mỗi công ty đều giải thích rằng gian lận không ảnh hưởng đến lĩnh vực an toàn nhưng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch lại tỏ ra khó chịu với thực tế là các thủ tục đã không được tuân thủ đúng cách. Một quan chức cấp cao cho biết: “Hệ thống chứng nhận là cần thiết để đạt được sự công nhận lẫn nhau với nước ngoài và nếu bị bỏ qua, nó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu”.
Ảnh hưởng đến kinh tế như thế nào
Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản là một trong những ngành công nghiệp quan trọng và có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Nếu việc đình chỉ sản xuất và xuất khẩu tiếp tục kéo dài có thể trở thành gánh nặng cho nền kinh tế Nhật Bản vốn đang phục hồi chậm chạp.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, giá trị xuất xưởng của ngành công nghiệp ô tô chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất xưởng của toàn ngành sản xuất. Chi phí R&D, bao gồm cả linh kiện, chiếm gần 30%, đứng đầu ngành sản xuất. Dự kiến sẽ ảnh hưởng đến khoảng 5,5 triệu người lao động, bao gồm cả những người làm trong các ngành liên quan đến ô tô ở Nhật Bản.
Theo Teikoku Databank, tổng số công ty trong chuỗi cung ứng của 8 nhà sản xuất ô tô tính đến tháng 5 là 59.193 công ty và tổng giá trị giao dịch ước tính lên đến 41.997 tỷ yên (khỏng 7% tổng GDP quốc nội). Chỉ riêng Tập đoàn ô tô Toyota đã có 39.113 công ty khách hàng và tổng giá trị giao dịch là 20.714 tỷ Yên.
Trước đó, vụ bê bối gian lận chất lượng tại Daihatsu Motor Co., Ltd. xảy ra vào năm 2023 cũng dẫn đến việc đình chỉ sản xuất và xuất khẩu ô tô, nó trở thành nguyên nhân chính khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng âm trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3. Trong khi nhiều người mong đợi sự tăng trưởng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, thì vấn đề gian lận chứng nhận ô tô lần này lại phủ bóng đen lên kỳ vọng đó.
Xem thêm: CHI PHÍ NUÔI XE Ô TÔ Ở NHẬT BẢN
Bắt đầu từ ngày 6, Toyota sẽ đóng cửa hai dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Miyagi Ohira (làng Ohira, Tỉnh Miyagi) và Nhà máy Iwate (Thị trấn Kanegasaki, Tỉnh Iwate) do công ty con sản xuất Toyota Motor East Japan điều hành.
Mặt khác, nếu cuộc điều tra của Bộ không phát hiện thêm gian lận nào thì việc sản xuất và bán xe có thể sẽ được nối lại sớm hơn. Yoshitaka Shinke thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Dai-ichi Life cho biết: “Vẫn còn quá sớm để dự đoán tác động đến nền kinh tế, nó còn tùy thuộc vào số lượng nhà sản xuất và mẫu ô tô bị đình chỉ xuất kho và thời gian tạm dừng sẽ kéo dài bao lâu”.
Data: Nikkei News