Lý do giá yên giảm mạnh, ưu và nhược điểm khi yên thấp

Update: 3342 lượt xem

Thông qua “tỷ giá hối đoái thực tế” cho thấy sức mạnh tổng thể của đồng yên, đang ở mức thấp nhất trong khoảng 50 năm. Vậy lý do nào khiến giá yên giảm mạnh trong một khoảng thời gian ngắn như vậy? Khi giá yên thấp thì sẽ có những ưu và nhược điểm như thế nào đối với nền kinh tế Nhật Bản và người tiêu dùng cá nhân?

lý do giá yên giảm mạnh

Tỷ giá hối đoái USDJPY đã được giao dịch ở mức 115 yên/1 đô la Mỹ trong một thời gian sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, nhưng kể từ giữa tháng 3 giá yên đã giảm mạnh, đến ngày 28 tháng 3 tạm thời đạt mức 125 yên. Sau đó, đồng yên đã quay trở lại một chút, nhưng áp lực bán ra của đồng yên vẫn tiếp diễn mạnh mẽ và đến sáng ngày 20 tháng 4 đã chạm mức thấp nhất sau 20 năm là 129.399 yên trên 1 đô la.

3 lý do chính khiến giá yên giảm mạnh trong thời gian qua

1. Do sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản với Mỹ và châu Âu

Giá yên Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua so với đồng đô la của Mỹ, nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư quan ngại về sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản với Mỹ và châu Âu. Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ kèm theo mức chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản với quốc gia khác ngày càng gia tăng, đã gây áp lực bán tháo đồng yên để mua ngoại tệ.

lý do yên giảm giá
Vị thế bán khống đồng yên(Image: Bloomberg)

Hơn nữa, lạm phát ở Hoa Kỳ đang gia tăng, với tỷ lệ CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) tăng vượt quá 8% trong tháng 3. Để đối phó với lạm phát Fed (Cục Dự trữ Liên bang) đã lên kế hoạch tăng lãi suất khoảng 2% trong năm nay và cho thấy lập trường thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ, ví dụ như chính sách QT. Điều này đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm (là một chỉ báo về lãi suất dài hạn ở Hoa Kỳ) tăng vọt từ phạm vi 1,6% lên mức 2,8% kể từ khi đầu năm nay.

POINT

QT tên tiếng Anh đầy đủ là Quantitative Tightening, dịch sang tiếng Việt là “thắt chặt định lượng“. Đây là chính sách mà FRB sẽ giảm dần bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương bằng cách ngừng tái đầu tư số trái phiếu chỉnh phủ đã mua khi đến hạn hoặc bán ra tài sản đang nắm giữ.

Mặt khác, Nhật Bản là một quốc gia đang rơi vào tình trạng “giảm phát“, CPI trong tháng 2 năm 2022 chỉ ở mức 0,6%, bất chấp việc giá xăng dầu và giá thực phẩm đều tăng vọt. Thực tế tỷ lệ lạm phát không tăng ở Nhật Bản không phải là vấn đề của mặt bằng lãi suất, mà là vấn đề cơ cấu của nền kinh tế Nhật Bản. Mặc dù lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm (vốn là một chỉ báo của lãi suất dài hạn) đã tăng lên mức giữa 0,2%, nhưng sau đó Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục kìm hãm đà tăng bằng cách tiến hành hoạt động mua trái phiếu “指値オペ” chính phủ không giới hạn tại 0,25% vào cuối tháng 3.

https://twitter.com/goto_finance/status/1516586378347237377?s=20&t=zNXDqNWewYYLjCtMDeLuhQ
Chuyển động của đồng yên, trái phiếu 10 năm trong nước và ở Mỹ

Trên thực tế dòng tiền có xu hướng chảy từ loại tiền tệ có lãi suất thấp sang loại tiền tệ có lãi suất cao. Sự chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và nước ngoài ngày càng lớn, nên dòng tiền đầu cơ đã được chuyển sang loại tiền tệ có lãi suất cao hơn, cụ thể là đồng đô la Mỹ.

2. Do sự suy thoái tài khoản vãng lai và thâm hụt thương mại

Mặc dù, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong tháng 2 đã vượt ngoài mức dự báo đạt 1648,3 tỷ yên, tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn 42,5% so với tháng 2 năm trước, do ảnh hưởng của giá năng lượng tăng vọt như dầu thô ,v.v. Mặt khác, theo số liệu thống kê thương mại năm 2021 do Bộ Tài chính công bố ngày 20 cho thấy, cán cân thương mại thâm hụt 5374,8 tỷ yên và kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vẫn phục hồi chậm chạp.

cán cân thương mại nhật bản
Cán cân thương mại của Nhật Bản trong tháng 3(Image: Bloomberg)

Lý do khiến cán cân thương mại thâm hụt đó là kim ngạch nhập khẩu lớn hơn kim ngạch xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, sau khi bàn giao hàng hóa cho đối tác kinh doanh ở nước ngoài, doanh nghiệp sẽ nhận được ngoại tệ từ đối tác. Ở Nhật Bản không thể sử dụng ngoại tệ để giao dịch hay trả chi phí nhân công trong nước, nên doanh nghiệp sẽ phải đổi ngoại tệ sang đồng yên. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, họ sẽ phải thanh toán cho đối tác ở nước ngoài bằng ngoại tệ để nhận hàng hoá. Để có thể thanh toán bằng ngoại tệ cho đối tác, họ sẽ phải bán đồng yên để mua ngoại tệ.

Khi xuất khẩu từ Nhật Bản giảm đi, tức là nhu cầu mua vào đồng yên cũng sẽ giảm theo. Tóm tại, cán cân thương mại thâm hụt cũng thể hiện rằng nhu cầu mua vào đồng yên sẽ ít đi, và đây cũng là một lý do khiến giá yên tiếp tục giảm mạnh trên thị trường ngoại hối.

3. Do giá nhiên liệu tăng vọt

Giá hàng hóa như dầu thô đã tăng vọt sau khi xảy ra chiến sự giữa Nga với Ukraine. Nhật Bản vốn là một quốc gia không có tài nguyên nên họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào nhập khẩu dầu từ nước ngoài. Các loại ngoại tệ như đô la hay euro là bắt buộc để nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, do đó phong trào bán đồng yên mua ngoại tệ được diễn ra mạnh mẽ hơn so với thông thường.

Trên thực tế, giá dầu thô không ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá hối đoái vì mối quan hệ với kho dự trữ, nhưng với bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản phục hồi chậm trễ như hiện tại thì nó cũng là một yếu tố ảnh hưởng ít nhiều lên tỷ giá yên.

Ngoài 3 lý do trên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chính phủ Nhật Bản đã áp dụng biện pháp đóng cửa biên giới và lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản giảm mạnh. Đây cũng là một lý do khiến nhu cầu mua đồng yên của người nước ngoài giảm xuống.

Đồng yên bắt đầu giảm giá từ khi nào?

Như đã nhiều lần đề cập, sự mất giá của đồng yên không phải là vấn đề mới bắt đầu gần đây. Sự giảm giá của đồng yên đã bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 2013, khi chính sách kinh tế Abenomics đã bắt đầu. Điều đó nghe có vẻ như chính sách Abenomics tệ hại, nhưng không phải vậy. Nguyên nhân khiến đồng yên bắt đầu suy yếu là do “sự tháo chạy vốn của các công ty Nhật Bản“, tức là sự gia tăng nhanh chóng của đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Lý do khiến các công ty Nhật Bản chuyển dịch cơ sở sản xuất ra nước ngoài đó là chuỗi cung ứng đã bị thay đổi sau trận Động đất ở miền Đông Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011. Việc này đã khiến cơ cấu thương mại của Nhật Bản thay đổi mạnh mẽ, biến nước này thành một quốc gia không thể thu được thặng dư thương mại lớn bất kể đồng yên ở mức nào.

Ưu điểm khi đồng yên giảm giá

Trước đó ông Kuroda, thống đốc ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho rằng “đồng yên thấp sẽ có lợi đối với nền kinh tế Nhật Bản nói chung“. Tuy nhiên, vào ngày 19 tại Ủy ban Quyết toán ngân sách và giám sát hành pháp của Hạ viện ông đã sửa đổi quan điểm của mình rằng “Mặc dù đồng yên thấp có lợi đối với nền kinh tế Nhật Bản, nhưng việc đồng yên giảm ngột có thể sẽ gây ra nhiều rủi ro“.

Trên thực tế, khi đồng yên yếu nền kinh tế Nhật Bản sẽ nhận được các ưu thế như sau:

1. Lợi nhuận các doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, người tiêu dùng ở nước nhập khẩu (nước ngoài) sẽ đánh giá giá trị của hàng hóa bằng cách so sánh chúng với sản phẩm ở đất nước mình. Sau khi so sánh thiết kế và chức năng của sản phẩm thì giá cả là yếu tố cuối cùng để quyết định ký kết hợp đồng rồi giao dịch.

tại sao giá yên giảm
Biểu đồ thể hiện kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản(Image: Yahoo Finance)

Khi giá yên thấp, đồng nghĩa với các mặt hàng mà họ dự định nhập khẩu từ Nhật Bản cũng sẽ rẻ hơn, nên nhu cầu nhập hàng hoá từ Nhật Bản sẽ tăng lên. Đồng thời, giá của các sản phẩm xuất khẩu từ Nhật Bản sẽ cao hơn. Giả sử rằng tỷ giá USDJPY tăng từ 100 yên lên 120 yên trên một đô la, nếu doanh nghiệp ABC xuất khẩu một sản phẩm CBA có giá trị 10 đô la Mỹ, thì doanh thu mà họ sẽ nhận được là 1200 yên/1 sản phẩm, lợi nhuận đạt được cao hơn so với thông thường.

Vì vậy nếu đồng yên giảm giá, các công ty xuất khẩu ở Nhật Bản sẽ có được vị trí thuận lợi trong điều kiện cạnh tranh về giá với nước nhập khẩu, dẫn đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, điều này cũng góp phần vào tăng trưởng GDP của Nhật Bản.

2. Cải thiện môi trường làm việc

Khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản ở nước ngoài tăng lên, các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng sản lượng sản xuất và cứ như thế kết quả hoạt động kinh doanh cũng sẽ được cải thiện. Đối với những doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc giá yên thấp, họ sẽ tăng lương hoặc tiền thưởng cho nhân viên. Mặc dù giá hàng hóa trong nước đã tăng lên do tác động của giá nhập khẩu, nhưng tiền lương sẽ tăng tương ứng, nên có thể nói môi trường làm việc của ngành xuất khẩu sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, trong năm 2022 đối với lĩnh vực sản xuất ô tô, do phía Trung Quốc đã lockdown một vài thành phố để chống dịch khiến chuỗi cung ứng bị đình trệ và các công ty sản xuất ô tô lớn trong nước như Toyota,Mazda ,v.v. đã phải tạm ngừng hoạt động một vài nhà máy đồng thời cắt giảm sản lượng sản xuất trong năm 2022.

3. Chứng khoán trong nước tăng giá

Nếu đồng yên giảm giá, các doanh nghiệp xuất khẩu dự kiến sẽ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Khi đó, dòng tiền trên thị trường sẽ tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến xuất khẩu, đặc biệt là dòng tiền từ nước ngoài.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản vốn dĩ đang được định giá rẻ, kèm theo bối cảnh đồng yên thấp thì đây là thời điểm mà các nhà đầu tư từ nước ngoài sẽ tập trung vào tổng thể, mà không phải chỉ riêng mỗi lĩnh vực xuất khẩu.

Tuy nhiên theo quá khứ, sau khi thị trường chứng khoán tăng giá nhờ có dòng tiền mạnh mẽ từ nước ngoài, giá yên sẽ bắt đầu tăng trở lại vào khoảng thời gian này.

4. Tăng khả năng cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu

Nếu như đồng yên mạnh, giá mua vào các mặt hàng nhập khẩu có xu hướng rẻ hơn, do đó việc hạ giá các sản phẩm trong nước cũng trở nên cần thiết nhằm mục đích cạnh tranh giá cả. Ngược lại, khi đồng yên yếu, các các mặt hàng sản xuất trong nước cũng sẽ trở nên cạnh tranh hơn mà không cần phải hạ giá.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất trong nước đã chuyển cơ sở, nhà máy sản xuất ra nước ngoài để tránh rủi ro đồng yên tăng giá. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất này không được hưởng lợi từ việc đồng yên giảm giá.

5. Giá trị các tài sản ngoại quốc như cổ phiếu, trái phiếu Mỹ sẽ được tăng lên

Đối với các tổ chức đầu tư hay nhà đầu tư cá nhân, nếu nắm giữ các tài sản ngoại quốc như cổ phiếu, quỹ ETF hay trái phiếu ,v.v. thì họ sẽ được hưởng lợi khi giá yên giảm giá. Mặc dù kể từ đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Mỹ đã bước vào giai đoạn điều chỉnh, nhưng các nhà đầu tư ở Nhật Bản đã sử dụng đồng yên để đầu tư (đổi yên sang đô la và sau đó mua chứng khoán Mỹ) vì vậy họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì khoản lỗ đã được bù đắp một phần bởi lãi ngoại hối do đồng yên giảm giá.

Nhược điểm khi đồng yên giảm giá

Có vẻ như người dân trong nước và người lao động nước ngoài khá bất bình trước việc đồng yên mất giá. Điều đó được phản ánh trong các bản tin trên tivi hay trên các trang mạng xã hội, và sự mất giá của đồng yên đang ẩn mình trong bóng tối.

1. Lợi nhuận các doanh nghiệp nhập khẩu giảm đi

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, lợi nhuận của họ sẽ xấu đi khi đồng yên giảm giá. Nếu giá mua vào các mặt hàng nhập khẩu tăng lên do đồng yên giảm giá, thì bắt buộc họ phải tăng giá bán để duy trì doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu giá ra bán tăng cao thì nhu cầu mua hàng hoá từ người tiêu dùng hay doanh nghiệp cũng sẽ giảm xuống, điều này khiến doanh số bán hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên xấu đi, thậm chí là thâm hụt và thua lỗ nếu không thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí doanh nghiệp.

Nếu đồng yên yếu và đồng đô la mạnh thì ngay cả khi giá dầu thô không biến động giá mua vào dầu thô sẽ tăng lên. Việc giá mua vào dầu thô tăng lên sẽ không chỉ làm tăng giá xăng và dầu hỏa mà còn làm tăng giá năng lượng nói chung, chẳng hạn như điện và khí đốt.

2. Nhu cầu chi tiêu có xu hướng chậm lại

Như đã đề cập ở trên, khi đồng yên giảm giá, giá cả hàng hoá nhập khẩu sẽ tăng lên. Do đó, giá thành của các sản phẩm nội địa cũng sẽ tăng lên theo. Khi giá cả của hàng hóa tăng theo một chuỗi như vậy, người tiêu dùng không muốn chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ và hàng chất lượng ngoài những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.

Tóm lại, nếu đồng yên giảm giá mà doanh nghiệp không tăng lương cho người lao động, điều này có thể làm suy giảm tiêu dùng và gây nên tình trạng giảm sút tăng trưởng nền kinh tế trong tương lai.

Dữ liệu tham khảo từ: BOJ, Bloomberg, Nikkei, Reuters

5/5 - (6 bình chọn)

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

cách làm thẻ ponta online

Ponta là gì? Cách làm thẻ Ponta online trên điện thoại

Thẻ Ponta là một loại thẻ tích điểm ở Nhật Bản, được sử dụng rộng rãi tại nhiều cửa hàng như Lawson và Showa Shell.

mua trả góp trên apple store

Cách mua điện thoại trả góp trên Apple Store ở Nhật mới nhất 2020

Ở Nhật có rât nhiều địa điểm để mua điện thoại,nhưng để mua trả góp với lãi suất 0% thì phải mua trực tiếp trên Apple Store.

thuế bán vàng ở nhật

Thuế sẽ được tính như thế nào sau khi bán vàng ở Nhật Bản

Khoản lợi nhuận thu được sau khi bán vàng ở Nhật vàng sẽ được liệt kê vào mục “Lãi về vốn” và mức thuế suất sẽ khác nhau tùy từng trường hợp.

đầu tư bitcoin ở nhật

Đầu tư bitcoin ở Nhật Bản như thế nào?

Bitcoin và Blockchain là gì? Đầu tư bitcoin ở Nhật như thế nào? Nếu bạn có hứng thú với tiền mã hóa cryptocurrency, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

thuê nhà ở nhật

Những điều cần lưu ý khi ký hợp đồng thuê nhà ở Nhật

Việc thuê nhà ở Nhật quả là một việc không hề dễ dàng đặc biệt là những người mới. Khi ký hợp đồng thuê nhà ở Nhật, chúng ta cần nên lưu ý những gì?

Chào các bạn! Mình là Anh, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã ở Nhật hơn 10 năm, đang sống ở Saitama và công việc chính hiện tại của mình là SE . Sở thích của mình là chơi thể thao, đi du lịch và đọc sách. Câu nói mà mình yêu thích nhất:”Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà Hạnh Phúc là một con đường” của thiền sư “Thích Nhất Hạnh”. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người.

error: Xin đừng copy em !!!