Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng với sự phát triển thần kỳ sau Thế chiến và có nền văn hóa độc đáo, hiện đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: “nhà bỏ hoang”. Theo dữ liệu thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ và Truyền thông, số lượng nhà bỏ hoang ở Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh trong năm 2023 và ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan mà còn mang lại nhiều thách thức về kinh tế và xã hội của đất nước này.
MỤC LỤC
Có đến 9 triệu căn nhà bị bỏ hoang “Akiya”
Các căn nhà bị bỏ hoang ở Nhật được gọi là “空き家 – Akiya”, ngày xưa nó chỉ xuất hiện ở các khu vực nông thôn hẻo lánh ít dân cư, nhưng ngày nay nó đang dần xuất hiện nhiều hơn ngay cả ở những khu vực thành thị. Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với Nhật Bản, khi chính phủ đang chật vật để đối phó với tình trạng dân số già đi và số lượng trẻ em sinh ra mỗi năm giảm một cách đáng báo động.
Theo dữ liệu thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ và Truyền thông, tính đến tháng 10 năm 2023, số lượng nhà bỏ hoang ở Nhật Bản đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 9 triệu căn. Với 9 triệu căn, quá đủ để cung cấp cho mỗi người dân ở Sài Gòn một ngôi nhà.
Hiện trạng nhà bỏ hoang ở Nhật Bản
So với năm 2018, số lượng nhà bỏ hoang đã tăng 510 nghìn căn và tỷ lệ nhà bỏ hoang trên tổng số nhà ở Nhật Bản cũng đạt mức cao kỷ lục với 13,8%. Những con số này bao gồm những căn nhà thứ hai và những căn nhà bị bỏ hoang vì nhiều lý do khác, bao gồm cả những căn nhà tạm thời bị bỏ trống trong khi chủ sở hữu của chúng đang sinh sống ở nước ngoài.
Nhìn vào biểu đồ trên, có thể thấy chỉ trong vòng hơn 50 năm, tổng số lượng nhà bỏ hoang ở Nhật Bản đã tăng hơn 2 lần. Xét theo khu vực, tỉnh Wakayama và Tokushima có tỷ lệ nhà bỏ hoang cao nhất lên đến 21,2%, tiếp theo là tỉnh Yamanashi với 20,5%, tỉnh Kagoshima với 20,4% và tỉnh Kochi là 20,3%. Những tỉnh thành này đều có đặc điểm chung là kinh tế trì trệ, dân số ngày càng giảm do thanh niên thường di chuyển đến các khu vực thành thị để học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm.
Phân loại nhà bỏ hoang
Ở Nhật Bản, các căn nhà bỏ hoang được định nghĩa khác nhau và phân loại thành bốn loại như sau: Nhà cho thuê, Nhà để bán, Nhà thứ hai và Nhà loại khác.
Phân loại | Định nghĩa | Số nhà bỏ hoang (2023) |
Nhà cho thuê | Những căn nhà bị bỏ hoang với mục đích cho thuê mà không phân biệt nhà cũ hay mới. | 4.432.600 căn |
Nhà để bán | Những căn nhà bị bỏ hoang với mục đích để bán mà không phân biệt nhà cũ hay mới. | 327.000 căn |
Nhà thứ hai | Một căn nhà thường không có người ở, chẳng hạn như biệt thự hoặc nơi mà mọi người đôi khi chỉ ngủ qua đêm ngoài căn nhà nơi họ đang sống. | 383.000 căn |
Nhà loại khác | Những căn nhà không có người ở ngoài những căn nhà liệt kê ở trên, chẳng hạn như những căn nhà đã lâu ngày vắng bóng chủ do nằm viện, di cư, v.v. hoặc những căn nhà có dự kiến sẽ phá dỡ. | 3.852.700 căn |
Những căn nhà bỏ hoang được bảo trì kém không chỉ làm hỏng cảnh quan mà còn sụp đổ, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Về mặt kinh tế, nó gây tác động tiêu cực đến giá cả của bất động sản nói chung tại khu vực đó.
Lý do có nhiều nhà bỏ hoang ở Nhật Bản
Gốc rễ chính của vấn đề nhà bỏ hoang là suy giảm dân số ở các khu vực nông thôn. Ngoài ra, sự khó khăn trong việc thừa kế tài sản cũng gây ra áp lực khiến nhà bỏ hoang tăng lên. Theo khảo sát của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, hơn 80% nguyên nhân nhà bỏ hoang là do di dời đến nơi ở khác hoặc do đã qua đời và không có người thừa kế.
Xem thêm: Dân số Nhật Bản giảm xuống còn 125 triệu dân
Nhiều người đang gặp khó khăn trong việc xử lý ngôi nhà ở nông thôn do cha mẹ để lại. Mặc dù để nguyên và không có ai ở thì họ vẫn phải đóng thuế tài sản cố định “固定資産税 – Koteishisanzei”. Nếu họ không thể quản lý được căn nhà đó và nó trở nên nguy hiểm đến mức gây tác động tiêu cực cho khu vực xung quanh, thì việc phá dỡ là một lựa chọn. Tuy nhiên, chi phí phá dỡ có thể lên tới vài triệu yên, gây áp lực lên tài chính của họ.
Dân số Nhật Bản đã giảm kể từ khi đạt đỉnh điểm 128 triệu dân vào khoảng năm 2008 và dự kiến số lượng hộ gia đình sẽ bắt đầu giảm từ năm 2024 trở đi. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã dao động quanh mức 1,3% trong nhiều năm, khác xa so với mức cần thiết để duy trì dân số ổn định là 2,1%. Ngoài ra, số trẻ em dưới 15 tuổi đã giảm năm thứ 43 liên tiếp xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Ở Nhật Bản, nhiều căn nhà thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng với tỷ lệ sinh giảm mạnh, nhiều gia đình không có người để thừa kế. Ngay cả khi thế hệ tiếp theo kế thừa, họ có thể đã chuyển đến khu vực thành thị và cảm thấy rất ít giá trị khi quay trở lại khu vực nông thôn. Một số căn nhà bị bỏ hoang mà thậm chí không biết chủ nhân của chúng là ai, vì lưu trữ hồ sơ không đầy đủ. Điều khó hiểu là chuyện như vậy lại có thể xảy ra ở Nhật Bản, một đất nước mà người dân rất tỷ mỉ và coi trọng giấy tờ.
Người nước ngoài quan tâm nhà bỏ hoang ở Nhật Bản
Thông thường, những ngôi nhà ở Nhật Bản sẽ giảm giá trị theo thời gian và cuối cùng trở nên vô giá trị. Đây là di sản văn hóa hình thành từ những thay đổi về tiêu chuẩn kiến trúc, xây dựng sau Thế chiến thứ hai và chỉ có giá trị của khu đất được bảo tồn. Chủ nhà có ít động lực để bảo trì những ngôi nhà cũ và người mua thường phải phá bỏ chúng và tìm cách sử dụng mới cho chúng.
Chính sách ngân hàng nhà hoang – Akiya Bank
Về việc xử lý những căn nhà bỏ hoang này, hầu hết các chính quyền địa phương ở Nhật sẽ bán đấu giá lại cho những ai đang cần nhà ở. Kể từ năm 2005, các ngân hàng nhà hoang Akiya Bank lần lượt xuất hiện.
Mục đích chính của Akiya Bank là giúp giảm thiểu số lượng nhà bỏ hoang ở Nhật Bản bằng cách kết nối những người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà với các chủ sở hữu nhà bỏ hoang. Các “Akiya Bank” này hoạt động như một cơ sở dữ liệu trực tuyến, liệt kê các căn nhà bỏ hoang có sẵn, thường với giá rất thấp hoặc thậm chí miễn phí, kèm theo điều kiện người mua sẽ cải tạo và sử dụng chúng.
“Ngân hàng nhà hoang 0 Yên” do Thị trấn Kamiichi ở tỉnh Toyama điều hành, cho đến nay đã hoàn tất giao dịch miễn phí đối với 16 căn nhà bỏ hoang. Chủ sở hữu của những ngôi nhà bỏ hoang có thể nhận được khoản hỗ trợ lên tới 100.000 yên từ thị trấn để xử lý những món đồ không cần thiết. Ngược lại, những người mua chúng có thể nhận được khoản trợ cấp lên tới 500.000 yên từ thị trấn cho các chi phí ban đầu như tu sửa, mua sắm các thiết bị cần thiết.
Xem thêm: Tìm hiểu quá trình và thủ tục mua nhà ở Nhật Bản
Người nước ngoài quan tâm
Những căn nhà bỏ hoang ở Nhật Bản đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ nước ngoài. Các dịch vụ giới thiệu nhà trống cho người nước ngoài ngày càng được biết đến rộng rãi và số lượng hợp đồng dịch vụ “AKIYA & INAKA” do Parthenon Japan (trụ sở Chiyoda, Tokyo) triển khai vào năm 2020, ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, hầu hết các căn nhà bỏ hoang sẽ không được bán cho người nước ngoài không giao tiếp được tiếng Nhật.
Nhiều tầng lớp người già ở Nhật cho rằng: “Nếu chúng ta tiếp tục làm như vậy, văn hóa Nhật Bản sẽ bị mất đi. Khi nhìn từ góc độ quốc tế hoặc qua con mắt của người nước ngoài, đồ Nhật phải có sự độc đáo và giá trị riêng.”