Vào ngày 25 tháng 12, hãng xe ô tô hàng đầu Nhật Bản – Toyota Motor Corporation đã nâng chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) mục tiêu lên gấp đôi, tức là 20%. Con số này vượt xa mức trung bình của các công ty niêm yết ở Nhật Bản (trung bình khoảng 9% trong năm tài chính 2023), đồng thời nằm trong nhóm hàng đầu của các hãng xe trên toàn thế giới. Bằng cách đổi mới mô hình kinh doanh, cung cấp các dịch vụ cho xe sau khi bán, và tăng cường lợi ích cho cổ đông, Toyota đang thúc đẩy làn sóng tập trung vào hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp Nhật Bản.
Dao động ROE của Toyota
ROE (Return on Equity, tiếng Nhật là 自己資本利益率) hay “Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu” là một chỉ số tài chính quan trọng dùng để đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp dựa trên số vốn mà cổ đông đã đầu tư. ROE được tính theo công thức:
ROE = (Lợi nhuận ròng / Vốn chủ sở hữu) x 100%
ROE của Toyota trong những năm gần đây dao động trong khoảng 9~16%. Dự báo của thị trường cho năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm 2025 là khoảng 11%. Trước đây, Toyota chưa đưa ra mục tiêu cụ thể về ROE. Việc nâng cao chỉ số ROE, một tiêu chuẩn quan trọng về quản lý hiệu quả và được các nhà đầu tư quan tâm, sẽ cải thiện đánh giá của thị trường đối với Toyota.
Một lãnh đạo cấp cao của Toyota chia sẻ với tờ báo Nikkei rằng: “Để cạnh tranh toàn cầu, Toyota cần duy trì mức ROE ổn định ở khoảng 20%. Điều này đòi hỏi tạo ra doanh thu lớn từ các tài sản nhỏ.” Mặc dù chưa công bố thời điểm đạt được mục tiêu này, nhưng dự kiến là khoảng năm 2030.
Theo dự báo thị trường năm 2024 của QUICK FactSet, trong số 10 hãng xe lớn nhất thế giới, chỉ có BYD của Trung Quốc dự kiến đạt ROE trên 20%. Tesla được dự báo chỉ đạt 11%. Trước đây, các hãng xe thường có xu hướng tích lũy tiền mặt để tăng cường ổn định tài chính do quy mô tài sản lớn, điều này đã khiến định giá của họ trên thị trường chứng khoán thấp.
Việc Toyota đặt mục tiêu nâng ROE lên 20%, cao hơn mức trung bình ngành và thế giới, không chỉ thể hiện tham vọng tối ưu hóa hiệu quả vốn, mà còn đặt Toyota vào vị trí hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu ROE 20% không phải dễ dàng. Nếu vốn chủ sở hữu trung bình trong kỳ trước là 31 nghìn tỷ yên, thì lợi nhuận ròng cần phải vượt 6 nghìn tỷ yên. Với vốn chủ sở hữu là 35 nghìn tỷ yên, lợi nhuận ròng cần đạt 7 nghìn tỷ yên. Việc cải thiện mức lợi nhuận thông qua đổi mới mô hình kinh doanh, sử dụng hiệu quả tài sản, và tối ưu hóa vốn chủ sở hữu sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu này.
Đổi mới mô hình kinh doanh
Một trong những biện pháp để Toyota đạt được mục tiêu trên chính là “cải tiến mô hình kinh doanh“. Thay vì phụ thuộc vào việc bán xe mới, Toyota sẽ cung cấp nhiều hơn các dịch vụ cho xe sau khi bán. Với khoảng 300 triệu xe Toyota đang lưu thông trên toàn cầu, tiềm năng nhu cầu là rất lớn. Hiện nay, Toyota đã triển khai các dịch vụ như thay thế phụ tùng, kiểm tra định kỳ, và cung cấp mảng tài chính mua bán xe. Phó chủ tịch Yoichi Miyazaki cho biết, “Lợi nhuận hoạt động từ các dịch vụ này đã tăng hơn 100 tỷ yên mỗi năm.”
Toyota cũng đang tăng cường công nghệ phần mềm để phát triển dịch vụ bổ sung các tính năng qua kết nối không dây cho xe đã bán, như hỗ trợ lái xe và ngăn ngừa tai nạn. Dịch vụ này, được gọi là “Xe định nghĩa bằng phần mềm” (SDV), đã được Tesla triển khai. Vì phần mềm đóng vai trò trung tâm, dịch vụ này hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao. Toyota đang tích cực phát triển công nghệ và thực hiện các thử nghiệm thực tế!
Tăng cường phúc lợi cổ đông
Toyota cũng đang mở rộng các chính sách ưu đãi cho cổ đông. Hãng Toyota đã tích cực mua lại cổ phần (自社株買い) của mình sau khi các tổ chức tài chính giảm tỷ lệ sở hữu (bán ra cổ phần của họ). Vào tháng 9 năm nay, Toyota đã tăng 20% giới hạn trần cho việc mua lại cổ phần đến tháng 4 năm 2025, tương đương với giá trị 1,2 nghìn tỷ yên.
Ngoài ra, chính sách trả cổ tức cũng ổn định tăng lên, với tổng cổ tức trong năm tài chính 2023 vượt 1 nghìn tỷ yên. Tỷ lệ hoàn vốn tổng thể (bao gồm cổ tức và mua lại cổ phiếu) trong năm tài chính này (kết thúc vào tháng 3 năm 2025) cũng dự kiến vượt 50%.
Toyota hiện đang nắm giữ tổng lượng vốn (không bao gồm hoạt động tài chính, tiền mặt và tiền gửi) đạt 15 nghìn tỷ yên trong năm tài chính 2023, chiếm gần 20% tổng tài sản 90 nghìn tỷ yên của họ. Lượng vốn này đã tăng 30% so với năm trước đó. Nếu bao gồm cả hoạt động tài chính, tiền mặt và tiền gửi thì tổng lượng vốn chủ sở hữu của Toyota là 34,2 nghìn tỷ yên (tăng 20.76% so với năm tài chính 2022).
Mặc dù đã bắt đầu giảm quy mô vốn này, nhưng Toyota vẫn nắm giữ nhiều cổ phần chính sách (政策保有株) và cổ phần nhóm (グループ株 ). Làm thế nào để tối ưu hóa tài sản dư thừa này, vẫn sẽ là một thách thức lớn đối với Toyota.
Đánh giá
Toyota đặt mục tiêu nâng ROE lên 20%, điều này không chỉ thể hiện tham vọng mà còn nhằm tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư toàn cầu. ROE cao hơn sẽ cải thiện định giá của công ty trên thị trường chứng khoán, đặc biệt trong ngành công nghiệp vốn có ROE thấp như ô tô.
Kết thúc năm tài chính 2023, nợ có lãi thuần (純有利子負債) tăng 11% lên 22 nghìn tỷ yên, cho thấy Toyota đã vay thêm tiền để phục vụ các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, mức tăng nợ không quá lớn, và với tỷ lệ D/E (nợ/vốn chủ sở hữu) là 0.45 lần, thì hãng xe này vẫn duy trì một mức nợ hợp lý so với vốn chủ sở hữu. Mặc dù là một hãng xe ô tô lớn, nhưng Toyota có cấu trúc nợ khá an toàn, cho thấy công ty ít phụ thuộc vào nợ và có thể duy trì sự ổn định tài chính trong dài hạn. Điều này giúp Toyota giảm thiểu rủi ro tài chính, đặc biệt trong các giai đoạn kinh tế bất ổn, hầu như là họ không có nguy cơ vỡ nợ ngay lập tức.
Ngay sau khi Toyota công bố nâng mục tiêu ROE lên 20%, thị trường chứng khoán đã có phản ứng tích cực. Giá cổ phiếu của Toyota (mã TYO:7203) đã tăng mạnh và Breakout khỏi vùng tích lũy kéo dài hơn 4 tháng qua. Sự bứt phá cho thấy nhà đầu tư đã thay đổi quan điểm, từ thận trọng sang lạc quan, tin rằng Toyota có thể đạt được những mục tiêu chiến lược đã công bố.
Các công ty Nhật Bản trước đây chủ yếu tập trung vào báo cáo kết quả kinh doanh, ít chú trọng đến bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, gần đây, việc cải thiện hiệu quả vốn đã khiến các công ty chú ý hơn đến việc sử dụng hiệu quả tổng thể bảng cân đối kế toán, bao gồm tiền mặt, tài sản dư thừa, và nợ phải trả. Toyota là một công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất ở Nhật Bản, họ đóng vai trò như một hình mẫu, thúc đẩy các công ty Nhật Bản khác.
Data: Nikkei, Toyota IR, Quick FactSet