Việc phân vân không biết mua cổ phiếu gì để đầu tư là vấn đề chung của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới. Có hơn 3.738 cổ phiếu niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán trong nước Nhật (tính đến đầu tháng 12/2020), và việc lựa chọn cổ phiếu phù hợp nhất trong số này thật sự khá khó khăn. Bài viết này mình sẽ giới thiệu với mọi người một số tiêu chí lựa chọn cổ phiếu để đầu tư mà mình đã học được và đang áp dụng trong suốt quá trình đầu tư. Hy vọng nó sẽ trở thành tài liệu tham khảo và có ích với những người mới bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán.
MỤC LỤC
Tiêu chí 1: Tiềm năng tăng trưởng 成長性
Tiềm năng tăng trưởng là ” tiềm năng để một công ty phát triển trong tương lai “. Một trong những mục đích đầu tư vào cổ phiếu của chúng ta, đó là thu được lợi nhuận khi giá cổ phiếu tăng lên. Vì vậy việc đầu tư vào một công ty có tiềm năng tăng trưởng cao là điều kiện cần thiết để kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư cổ phiếu.
Tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí lựa chọn cổ phiếu hàng đầu được nhà đầu tư chứng khoán Mỹ Philip Arthur Fisher khuyên bảo. Vậy làm thế nào để kiểm tra tiềm năng tăng trường của một công ty?
Có nhiều chỉ số khác nhau để đo lường tiềm năng tăng trưởng của một công ty, nhưng các chỉ số quan trọng nhất là “doanh thu 売上 lợi nhuận 利益 và tiền mặt 現金.” Cách tính tỷ lệ tăng trưởng của ba chỉ số này như sau:
- Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu = ((Doanh thu gộp của kỳ này – Doanh thu gộp của kỳ trước) ÷ Doanh thu gộp của kỳ trước) ✕ 100.
- Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh = ((Lợi nhuận kinh doanh của kỳ này – Lợi nhuận kinh doanh của kỳ trước) ÷ Lợi nhuận kinh doanh của kỳ trước) ✕ 100.
- Tỷ lệ tăng trưởng tiền mặt = ((Số dư tiền mặt của kỳ này – Số dư tiền mặt của kỳ trước) ÷ Số dư tiền mặt của kỳ trước )✕ 100.
Tóm tắt tiêu chí 1
Ở Nhật Bản, một công ty nằm ở mức độ an toàn thường có tỷ lệ tăng trưởng nằm trong khoảng từ 0~5%. Các công ty siêu xuất sắc thường có tỷ lệ tăng trưởng từ 6~20%, điển hình như M3(2413). Ngoài ra chúng ta có thể dễ dàng đo lường tiềm năm tăng trưởng của một công ty bằng cách kiểm tra kết quả thu nhập cả năm(通期業績) của họ trên 四季報 hoặc các ứng dụng như yahoo finance , kabutan hay nikkei ..v.v.
Tóm lại chúng ta chỉ cần để ý tới hai chỉ số phía dưới thì sẽ dễ dàng nhận biết được tiềm năng tăng trưởng của một doanh nghiệp.
- Kết quả thu nhập cả năm(通期業績) đang tăng lên: ít nhất 3~5 năm.
- Tỷ lệ tăng trưởng(doanh thu, lợi nhuận kinh doanh, tiền mặt) đều lớn hơn 5%.
- Chỉ số EPS cao hơn so với các năm trước.
- PER < 15 và PBR < 2.
Tiêu chí 2: Khả năng sinh lời(収益力) và tính ổn định(安定性)
Để kiểm tra một công ty hay doanh nghiệp có khả năng sinh lời và có ổn định hay không, chúng ta cần phân tích hai thành phần chính đó là “doanh thu – 売上” và “vốn chủ sở hữu – 自己資本“. Cả hai thành phần này đều có trong “Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh P&L” của công ty đó.
Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu(売上高利益率) là chỉ số đo lường mức lợi nhuận so với doanh số bán hàng mà một công ty đã thực hiện được trong một chu kỳ hay một năm. Đôi khi được gọi tắt là「利益率」. Khi so sánh công ty này với công ty khác, rất khó để so sánh lợi nhuận vì quy mô bán hàng khác nhau, nhưng nếu bạn tính toán tỷ suất lợi nhuận này, bạn có thể dễ dàng so sánh để đưa ra kết quả.
Tỷ số lợi nhuận trên doanh thu = (Lợi nhuận ròng (hoặc lợi nhuận sau thuế) ÷ Doanh thu)×100
売上高利益率=(利益÷売上高)×100
Tiếp theo đó là 2 chỉ số ROA và ROE, mà mình đã giới thiệu ở bài viết Kỹ năng phân tích cơ bản lần trước.
Tóm tắt tiêu chí 2
Để đo lường chính xác khả năng sinh lời và mức độ ổn định của một công ty, cần đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu(売上高利益率) > 10%
- ROE > 10% và ROA > 5%
Tiêu chí 3: Sức mạnh tài chính 財務健全性
Sức mạnh tài chính hay còn gọi là “sức khỏe của một công ty”. Một công ty có sức mạnh tài chính càng cao thì khả năng phá sản càng ít và càng dễ dàng tồn tại lâu hơn.
Bạn đang có ý định mua một con ngựa đua để đi thi đấu. Lúc này, giả sử có hai con ngựa, một con rất khỏe mạnh và một con ngựa ốm yếu. Bạn sẽ mua con ngựa nào? Đương nhiên là con ngựa khỏe mạnh đúng không nào. Lý do rất đơn giản đó là những con ngựa khỏe mạnh có thể chạy nhanh hơn và có nhiều khả năng sống lâu hơn so với con ngựa ốm yếu kia.
Chỉ số để kiểm tra sức mạnh tài chính
Để kiểm tra sức mạnh tài chính của một công ty chúng ta cần chý ý đến ba điểm chính nguồn vốn, tài sản, tình hình vay nợ, cụ thể là các chỉ số sau.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn cổ phần (自己資本比率) là một chỉ số để kiểm tra xem công ty có bao nhiêu tiền mà không phải trả nợ. Nói chung, tỷ lệ vốn chủ sở hữu 50% trở lên được coi là một công ty tốt và hoàn toàn có thể đầu tư giá trị. Tuy nhiên một số ngành như ngân hàng, chứng khoán hay bảo hiểm thường có chỉ số này thấp hơn vì số tiền mà họ nhận từ khách hàng ủy thác được coi là khoản nợ phải trả.
Tỷ số thanh khoản hiện thời(流動比率) là một chỉ số cho biết “liệu các khoản nợ phải trả trong vòng một năm có được trang trải bằng tài sản lưu động hay không”. Hay nói cách khác tỷ số thanh khoản hiện thời cho biết khả năng hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn mà không phải phụ thuộc vào việc bán tài sản dự trữ của công ty.
Nợ phải trả có lãi(有利子負債) là các khoản nợ phải trả bằng lãi suất hoặc trái phiếu công ty. Cụ thể là các khoản vay từ ngân hàng, trái phiếu hay trái phiếu của doanh nghiệp. Khoản nợ phải trả có lãi này càng lớn thì áp lực về lợi nhuận của công ty cũng tăng theo.
Tóm tắt tiêu chí 3
Bằng cách phân tíc và đánh giá tình hình tài chính của một công ty, bạn sẽ giảm thiểu được rủi ro thua lỗ trong quá trình đầu tư.
- Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn cổ phần(自己資本比率) > 40%.
- Tỷ số thanh khoản hiện thời(流動比率) > 200%. Có nghĩa là tài sản lưu động tương đương với gấp đôi số nợ ngắn hạn.
- Nợ phải trả có lãi(有利子負債) = 0 hoặc có nhưng ít.
Tiêu chí 4: Giá trị vốn hóa thị trường 時価総額
Giá trị vốn hóa thị trường(時価総額) là thước đo quy mô của một công ty, được tính bằng giá hiện tại của cổ phiếu nhân với lượng cổ phiếu đã phát hành. Hay nói cách khác giá trị vốn hóa thị trường là tổng giá trị thị trường của một công ty, được xác định bằng giá tiền bỏ ra để mua lại toàn bộ công ty này trong bối cảnh hiện tại.
Theo Tokyo Keizai, giá trị vốn hóa thị trường từ 100 tỷ yên trở xuống được phân loại là cổ phiếu vốn hóa nhỏ(Small Cap) 小型株, 100 tỷ đến 230 tỷ yên được phân loại là cổ phiếu trung bình(Mid-Cap) 中型株 và 230 tỷ yên trở lên được xếp vào loại cổ phiếu vốn hóa lớn(Big Cap) 大型株.
- Big Cap: Tỷ lệ an toàn và tính thanh khoản cao do đó sẽ được kỳ vọng trong tương lai nhưng biến động giá cả chậm chạp.
- Small Cap: Có nguy cơ bị hủy niêm yết nếu hoạt động kinh doanh kém, tuy nhiên nếu có doanh thu và lợi nhuận ổn định thì giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh hơn so với Big Cap.
- Mid-Cap: Nằm giữa Big Cap và Small Cap.
Tóm tắt tiêu chí 4
Tiêu chí lựa chọn cổ phiếu dựa trên giá tị vốn hóa thị trường là tiêu chí luôn đi kèm với mục đích đầu tư của mỗi cá nhân. Nếu muốn đầu tư dài hạn và an toàn thì nên chọn những công ty có vốn hóa thị trường lớn như Toyota, còn nếu muốn đầu tư trung hạn thì có thể chọn những công ty có vốn hóa ở mức trung bình. Ví dụ dưới đây là hai điều kiện mà mình áp dụng để lựa chọn cổ phiếu đầu tư trung hạn, trong đó có マークラインズ(3901) và ラクス(3923).
- Giá trị vốn hóa thị trường < 3,000億円.
- Lên sàn chứng khoán(上場) chưa đầy 10 năm.
Tiêu chí 5: Lợi tức 配当・優待
Một trong những điểm hấp dẫn khác nữa của đầu tư chứng khoán đó là cổ tức (配当) và cổ đông ưu đãi(優待).
Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của một công ty cổ phần. Các công ty thường chi trả cổ tức bằng tiền hoặc cổ phiếu với biên độ một hoặc hai lần trong năm(thậm chí là 4 lần) sau khi tất toán tài khoản. Tuy nhiên, nếu lợi nhuận và tình hình tài chính của công ty không được tốt, thì có thể nhà đầu tư sẽ không được nhận cổ tức.
Cổ đông ưu đãi là dịch vụ trao tặng sản phẩm hay phiếu quà tặng cho những cổ đông sở hữu cổ phần của mình. Có rất nhiều ưu đãi dành cho cổ đông như vé vào cửa các công viên giải trí, vé đi du lịch hay vé đi tàu Shinkansen..v.v.
Tóm tắt tiêu chí 5
Một công ty chi trả cổ tức đều đặn, giúp các nhà đầu tư có thể tạo ra thu nhập trong thời khoảng thời gian đầu tư mà không phái bán ra cổ phiếu họ đang nắm giữ, đặc biệt là đầu tư trung và dài hạn.
- Có chi trả cổ tức đều đặn ít nhất trong vòng 3 năm hoặc có ưu đãi cổ đông.
Kết luận
Trên đây là 5 tiêu chí sàng lọc, lựa chọn cổ phiếu để đầu tư mà mình luôn luôn áp dụng trong quá trình đầu tư. Hy vọng nó sẽ có ích với những ai đang phân vân chưa biết chọn cổ phiếu nào để đầu tư. Tuy nhiên, bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo chứ không áp đặt phải thực hiện theo, vì mỗi người đều có chiến lược đầu tư khác nhau.
- Bài viết tham khảo
- CÁCH KIẾM POINT MIỄN PHÍ VỚI RAKUTEN CHECK
- CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN NGẮN HẠN
- CÁCH ĐỌC BÁO CÁO TÀI CHÍNH Ở NHẬT
Hơn nữa ngay cả khi bạn chọn được cổ phiếu tốt chưa chắc nó đã đem về lợi nhuận cho bạn. Để chính xác hơn, cần phải phân tích thêm về mặt kỹ thuật để chọn đúng thời điểm giao dịch cũng như chuẩn bị tâm lý vững vàng mới là chìa khóa cốt lõi giúp bạn thành công trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán.