Tập đoàn Rakuten liệu có thể phục hồi sau 4 năm lỗ nặng?

Update: 2248 lượt xem

Tháng 8 vừa qua, tập đoàn Rakuten Group(TYO:4755) đã công bố BCTC nửa đầu năm 2023 với kết quả tiếp tục lỗ ròng gần 140 tỷ yên. Dù mức thâm hụt đã được thu hẹp hơn so với cùng kỳ năm ngoài, nhưng đây là năm thứ 4 tập đoàn này chìm trong sắc đỏ. Việc Rakuten Group lần lượt đưa các công ty con như Rakuten Bank, Rakuten Securities HD lên sàn để huy động vốn có thể giúp họ vượt qua được vực thẳm không?

Lịch sử tập đoàn Rakuten

26 năm liên tiếp ghi nhận tăng trưởng doanh thu (Data: Rakuten)

Rakuten Group được biết đến như một gã khổng lồ thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến ở Nhật Bản. Nguồn gốc của Rakuten nằm ở “MDM Co., Ltd.” , một công ty điều hành trung tâm thương mại điện tử được thành lập bởi Hiroshi Mikitani vào tháng 2 năm 1997 tại thành phố Tokyo. Đến tháng 5 cùng năm, trang web thương mại điện tử đầu tiên của Nhật Bản “Rakuten Ichiba” đã ra đời, với khao khát tạo ra một thị trường mua sắm sôi động qua mạng internet.

Đến tháng 6 năm 1999, tập đoàn này chính thức đổi tên thành Rakuten. Vào ngày 19 tháng 4 năm 2000, Rakuten được niêm yết và giao dịch công khai trên JASDAQ với mã chứng khoán 4755. Sau đó Rakuten mở rộng phạm vi kinh doanh thông qua hoạt động M&A và liên doanh, lần lượt cho ra đời các dịch vụ nổi tiếng như sau:

  • Năm 2001: Dịch vụ du lịch Rakuten Travel
  • Năm 2003: Dịch vụ giao dịch chứng khoán online Rakuten Securities thông qua việc mua lại 96,67% cổ phần của DLJ.
  • Năm 2004: Dịch vụ thẻ tín dụng Rakuten Card, thông qua việc mua lại cổ phần từ Aozora Bank và tập đoàn Orix.
  • Năm 2009: Dịch vụ ngân hàng trực tuyến Rakuten Bank, thông qua việc mua lại cổ phần của eBank.
  • Năm 2020: Chính thức ra mắt dịch vụ mạng di động ảo hoá toàn phần Rakuten Mobile

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh của tập đoàn Rakuten

tập đoàn rakuten
Cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của Rakuten theo phân khúc (Data: Monex Sec)

Tính đến thời điểm hiện tại, tập đoàn Rakuten có hơn 30 công ty con hợp nhất trong và ngoài nước. Tuy nhiên lĩnh vực kinh doanh của họ bao gồm 3 phân khúc chính:

  • Phân khúc dịch vụ internet(chiếm khoảng 50%): Thương mại điện tử, Quảng cáo tiếp thị và đầu tư.
  • Phân khúc công nghệ tài chính Fintech(chiếm khoảng 30%): Chứng khoán, ngân hàng, thẻ tín dụng, bảo hiểm, hệ thống tích điểm, thanh toán QR code.
  • Phân khúc di động(chiếm khoảng 17%): Internet cáp quang, mạng điện thoại di động, năng lượng, TV

Phân khúc dịch vụ internet

Theo BCTC mới nhất của Rakuten, doanh thu đến từ phân khúc dịch vụ internet chiếm hơn 50% và tăng trưởng trung bình khoảng 10% kể từ năm 2018. Trong năm tài chính 2022, mặc dù tiếp tục lỗ nặng nhưng tập đoàn Rakuten đã ghi nhận mức doanh thu kỷ lục với 1.928 tỷ yên (tăng trưởng 14,6%) trong đó doanh thu đến từ phân khúc dịch vụ internet lên đến 1.086 tỷ yên. Con số này cho thấy phân khúc dịch vụ internet đang là xương sống của gã thương mại điện tử khổng lồ này.

Phân khúc dịch vụ internet được chia thành 3 nhóm với các mệnh danh nổi tiếng như sau:

  • Thương mại điện tử trong nước: Rakuten Ichiba, Rakuten Fashion, Rakuten Book, Rakuten 24, Rakuten Seiyu, Rakuten Bic, Rakuma, Rakuten Travel, Rakuten Car, Rakuten Delivery ,v.v.
  • Tiếp thị và quảng cáo: Super Point Screen, Rakuten Kobo, Rakuten Magazine, Rakuten Insight, Rakuten LINKSHARE, Rakuten Marketing Platform, Rakuten Super Mini Job, Rakuten Advertising ,v.v.
  • Đầu tư, Incubator: Rakuten NFT, Rakuten Capital, Rakuten AirMap, Rakuten Drone, Rakuten Farm

Phân khúc công nghệ tài chính

Phân khúc công nghệ tài chính cũng mang lại cho Rakuten mức lợi nhuận ổn định dao động từ khoảng 80 đến 100 tỷ yên hàng năm và chiếm hơn 30% cơ cấu doanh thu với 663,4 tỷ yên trong năm tài chính 2022.

FY2022 Doanh thu
(Tỷ yên)
Tăng trưởng Lợi nhuận KD
(Tỷ yên)
Tăng trưởng
Rakuten Card 295,6 +5,6% 44 +10,9%
Rakuten Bank 112,2 +9,3% 38 +28,5%
Chứng khoán 95,8 +6,5% 18,7 +3,3%
Bảo hiểm 99,7 -1,2% 10 +10,4%
Rakuten Payment 51,4 +37,3% -5,1 -0,8%
Dịch vụ khác 8,5 +5% -7 -4%
TỔNG CỘNG 663,4 +7,2% 98,7 +10,8%

Trong phân khúc công nghệ tài chính, dịch vụ thẻ tín dụng Rakuten Card vẫn là trụ cột trong phân khúc này, tuy nhiên mức tăng trưởng đã chậm lại so với mấy năm trước vì ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường chẳng hạn như PayPay Card ,v.v. Theo kết quả khảo sát của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tính đến cuối năm 2022, thị phần thẻ tín dụng Rakuten Card chiếm khoảng 23% trong nước với số lượng tài khoản người dùng vượt quá 28 triệu thẻ.

Ngoài ra, dịch vụ ngân hàng trực tuyến Rakuten Bank cũng mang về mức lợi nhuận 38 tỷ yên trong năm 2022 (tăng trưởng 28,5%). Tại thời điểm cuối tháng 3 năm 2023, đã có hơn 14 triệu tài khoản ngân hàng được mở tại Rakuten Bank và số dư tiền gửi lên đến 9.100 tỷ yên (9兆1000億円), đứng đầu trong số các ngân hàng trực tuyến trong nước Nhật. Rakuten Bank đã tận dụng hệ thống sinh thái khu kinh tế Rakuten và thực hiện chế độ hoàn điểm thưởng để thu hút người dùng.

Phân khúc di động

Trái ngược lại với phân khúc dịch vụ internet và Fintech, phân khúc Mobile thua lỗ nặng nề trong 4 năm liên tiếp. Kể từ khi chính thức tham gia mạng di động với tư cách là một nhà mạng viễn thông thứ 4 trong nước, Rakuten Mobile đã chìm trong sắc đỏ khi thua lỗ 227 tỷ yên trong năm 2020, đến năm 2021 mức lỗ tiếp tục gia tăng lên 421,2 tỷ yên và thua lỗ nặng nhất vào năm 2022 với âm 493 tỷ yên.

Năm 2020, Rakuten Mobile chính thức tham gia mạng di động MNO với tư cách là nhà mạng lớn thứ 4 ở Nhật Bản và họ phải tốn khá nhiều khoản đầu tư như trạm sóng, đường truyền, nhân lực, phát triển mạng ảo hoá toàn phần và đặc biệt là cho khách hàng dùng thử 1 năm miễn phí. Hiện nay, mạng Rakuten Mobile đã phủ sóng 99,9% trong nước Nhật khi kết hợp thuê đường truyền của KDDI để hỗ trợ những khu vực chưa có sóng của Rakuten.

Xem thêm: GÓI CƯỚC SAIKYO PLAN VÔ GIỚI HẠN CỦA RAKUTEN MOBILE

Theo kết quả BCTC mới nhất mức thua lỗ phân khúc di động đã thu hẹp xuống còn âm 82,4 tỷ yên trong Q2 năm 2023, mặt khác ARPU vẫn đang tiếp tục tăng theo thời gian và đã đạt mức 2.089 yên trong tháng 6 năm 2023. ARPU của các nhà mạng lớn Docomo, au và SoftBank là khoảng 4.000 yên, nhưng Rakuten Mobile gia nhập thị trường với các plan giá rẻ nhằm phá vỡ thành trì của 3 nhà mạng này.

rakuten nhật bản
ARPU của Rakuten (Data: Rakuten)

Ngoài ra, tập đoàn Rakuten đựa ra dự báo mạnh mẽ rằng phân khúc di động sẽ chấm dứt tình trạng thua lỗ và tạo ra lợi nhuận kể từ năm 2024 với kế hoạch cắt giảm chi phí khoảng 15 tỷ yên hàng tháng. Trước đó, Rakuten Mobile đã chi 296 tỷ yên cho khoản đầu tư thiết bị và dự khiến khoảng 300 tỷ yên cho năm 2023, đây sẽ là đỉnh điểm và khoản tiền chi cho đầu tư thiết bị sẽ giảm mạnh kể từ năm 2024 trở đi.

Các công ty con lần lượt IPO

Ngày 21/4/2023, ngân hàng Rakuten Bank đã được niêm yết chính thức trên phân khúc Thị trường Prime của TSE (TYO:5838) thông qua hình thức IPO. Sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tiên, giá cổ phiếu của Rakuten Bank đã đóng cửa ở mức 1930 yên, cao hơn 30% so với giá chào bán công khai là 1.400 yên/cổ phiếu.

Thông qua đợt IPO này, tập đoàn Rakuten đã ra bán hơn 30% cổ phần của mình (khoảng hơn 50 triệu cổ phiếu) ) và huy động được 71,7 tỷ yên nhằm đảm bảo tài chính doanh nghiệp một cách khẩn trương khi mà họ đã đối mặt với 4 năm lỗ nặng liên tiếp. Để trấn an cổ đông, chủ tịch Mikitani đã công bố với truyền thông rằng “hiện tại Rakuten Group không có dự định bán thêm cổ phần của Rakuten Bank.

Kế tiếp Rakuten Bank, vào ngày 4/7/2023 tập đoàn Rakuten cũng đã nộp đơn đăng ký IPO lên TSE đối với công ty chứng khoán trực tuyến – Rakuten Secutities HD. Hiện tại, Rakuten Securities HD chưa chính thức lên sàn nhưng Rakuten đã bán khoảng 20% cổ phần của mình lại cho tập đoàn tài chính Mizuho FG. Lý do đằng sau quyết định bán cổ phần trước khi niêm yết cũng là do tình hình tài chính của tập đoàn Rakuten Group đang suy yếu do hoạt động kinh doanh phân khúc di động chìm trong sắc đỏ. Ngoài ra, vào ngày 29/9/2023, Rakuten Securities HD đã thực hiện chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 1:500 (1 cổ phiếu → 500 cổ phiếu).

POINT

Rakuten Securities có nguồn gốc từ DLJ Direct SFG Securities, được thành lập vào năm 1999 và được Rakuten mua lại vào năm 2003 và trở thành một tập đoàn. Rakuten Securities trước đây là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Rakuten Card. Vào tháng 10 năm 2022, Rakuten Securities HD được thành lập với tư cách là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Rakuten Group và được tổ chức lại bao gồm 2 bộ phận là Rakuten Securities và Rakuten Investment Management, Inc.

Tổng số tài khoản chứng khoán tại Rakuten Securities đã vượt quá 9 triệu và trở thành công ty chứng khoán trực tuyến lớn thứ hai ở Nhật Bản, sau SBI Securities. Kết thúc năm tài chính 2022, Rakuten Securities đạt doanh thu 95 tỷ yên và lợi nhuận ròng 9,3 tỷ yên (tăng 3% so với năm trước).

Tình hình tài chính doanh nghiệp

Khi thực hiện đầu tư thiết bị cho hoạt động kinh doanh phân khúc di động của mình, phần lớn Rakuten đã dựa vào việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thay vì vay vốn từ ngân hàng. Cho đến nay, Rakuten đã phát hành hơn 20 loại trái phiếu, khởi đầu là vào cuối năm 2018 với quy mô 182 tỷ yên.

Sau đây là danh sách trái phiếu doanh nghiệp do Rakuten phát hành. Bao gồm cả việc mua lại trái phiếu thứ cấp trước hạn, dự kiến Rakuten sẽ phải thanh toán một khoản tiền rất lớn, vượt quá 1.200 tỷ yên trong vòng 5 năm tới. Rakuten đã phát hành “trái phiếu không đảm bảo lần 22 = 第22回無担保社債” có biệt danh là “Rakuten Mobile Bonds” với thời hạn 2 năm và lãi suất 3,3%/năm(trước thuế). Đây là loại trái phiếu dành cho các nhà đầu tư cá nhân, nên đơn vị mua tối thiểu được đặt ở mức 500.000 yên.

Update 20/10/2023: Rakuten đã công bố mua lại trái phiếu doanh nghiệp không đảm bảo (Loại Hybrid) với giá trị 68 tỷ yên mà họ đã phát hành vào tháng 12 năm 2018, trước thời hạn. Trước đó, vào tháng 5 Rakuten đã huy động được khoảng 300 tỷ yên, nên họ đã sử dụng một phần để mua lại trái phiếu này.

Theo số liệu từ B/S (bảng cân đối kế toán) mới nhất Q2 FY23, tiền mặt và các khoản tương đương của Rakuten Group trên cơ sở hợp nhất là khoảng 5 nghìn tỷ yên (5兆円). Thoạt nhìn, có vẻ doanh nghiệp này nhiều tiền nhưng phần lớn trong đó là tiền thu được bởi ngân hàng Rakuten Bank với khoảng 4 nghìn 308 tỷ yên và riêng tập đoàn Rakuten (không hợp nhất) chỉ có khoảng gần 300 tỷ yên.

Ngoài ra, dòng tiền hoạt động kinh doanh (OCF) của các phân khúc phi tài chính vẫn ở mức âm hơn 300 tỷ yên. Ngay cả khi việc đầu tư thiết bị cho phân khúc di động kết thúc, Rakuten vẫn khó có thể dừng lại việc dòng vốn chảy ra khỏi tập đoàn một cách dễ dàng.

Liệu Rakuten Group có thể phục hồi?

Mối quan tâm lớn nhất của giới đầu tư là liệu Rakuten, tập đoàn đang ghi nhận mức thâm hụt lớn nhất từ ​​trước đến nay, có thể phục hồi sau những chuỗi ngày đen tối hay không. Chìa khoá chính là Khu kinh tế Rakuten “楽天経済圏”, được tập đoàn Rakuten gọi là “Hệ sinh thái Rakuten – Rakuten Ecosystem”.

hệ sinh thái rakuten
Người dùng hệ sinh thái Rakuten (Data: Rakuten)

Số người dùng hoạt động hàng tháng của Rakuten Group gần đây nhất đã vượt quá 40 triệu người (chiếm khoảng 1/3 dân số Nhật Bản) tại thời điểm tháng 6 năm 2023, tăng 8,2% so với năm trước. Khu kinh tế Rakuten có đặc điểm là phần lớn người dùng sẽ sử dụng các dịch vụ khác trong hệ sinh thái Rakuten, số lượng người dùng sử dụng nhiều hơn 2 dịch vụ chiếm hơn 75%.

Tính đến cuối năm 2022 có hơn 28 triệu người dùng thẻ Rakuten Card, thì khoảng một nửa trong số đó là 13,4 triệu người có tài khoản liên kết với ngân hàng Rakuten Bank và khoảng 30% hay 8,6 triệu người có tài khoản chứng khoán Rakuten Securities. Công cụ kết nối những người dùng này là Rakuten Point, công cụ đứng đầu ngành về mức độ hài lòng của người dùng. Khi người dùng sử dụng nhiều dịch vụ trong Khu kinh tế Rakuten thì họ sẽ càng kiếm được nhiều điểm thưởng.

Đặc biệt, tại thời điểm cuối tháng 8 năm 2023, số lượng hợp đồng dịch vụ mạng di động Rakuten Mobile tăng mạnh trở lại và đã vượt quá 5 triệu đường truyền. Gói cước mới không giới hạn dung lượng và phủ sóng toàn quốc mang tên “Saikyo Plan” được ra mắt kể từ tháng 6 cùng năm chính đã thu hút người dùng đến với Rakuten Mobile.

Mặc dù, hiện nay Rakuten Mobile vẫn chưa trở thành vũ khí lợi hại trong hệ sinh thái Rakuten, nhưng rất có thể tương lai của Rakuten Group sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt khi các khoản đầu tư vào phân khúc di dộng giảm bớt kèm theo số lượng người dùng tăng lên.

Có nhiều quan điểm cho rằng việc Rakuten Group thua lỗ kỷ lục 372,8 tỷ yên sẽ khiến họ phá sản, tuy nhiên trên thực tế KPI của Rakuten không đến mức tồi tệ. Nếu Rakuten Mobile hiện thực hoá được kế hoạch cắt giảm chi phí và gia tăng người dùng mới thì lợi nhuận của Rakuten Group sẽ sớm quay trở lại.

5/5 - (1 bình chọn)

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

lý do giá yên giảm mạnh

Lý do giá yên giảm mạnh, ưu và nhược điểm khi yên thấp

Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ kèm theo mức chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản với quốc gia khác ngày càng gia tăng, đã gây áp lực bán tháo đồng yên.

thuật ngữ chứng khoán tiếng nhật

Thuật ngữ chứng khoán bằng tiếng Nhật cần ghi nhớ

Thuật ngữ chứng khoán bằng tiếng Nhật, tuy căn bản và sơ khai nhưng nếu không hiểu ý nghĩa của nó là gì thì sẽ gặp khó khăn trong quá trình đầu tư.

thuế chứng khoán nhật bản

Những điều nên biết về thuế chứng khoán ở Nhật Bản

Bài viết này sẽ giới thiệu các loại thuế liên quan đến chứng khoán ở Nhật Bản mà nhà đầu tư cá nhân nên biết để tránh gặp rắc rối.

đầu tư chứng khoán ở nhật

Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán ở Nhật Bản

Với 5 năm nghiên cứu và đầu tư chứng khoán thì hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn cách bắt đầu và kinh nghiệm đầu tư chứng khoán ở Nhật.

biên độ chứng khoán nhật

Biên độ dao động giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán ở Nhật Bản

Biên độ dao động giá chứng khoán ở Nhật Bản khác với ở Việt Nam, phạm vi giới hạn trần (sàn) hàng ngày sẽ được quy định dựa trên giá cơ sở.

Chào các bạn! Mình là Anh, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã ở Nhật hơn 10 năm, đang sống ở Saitama và công việc chính hiện tại của mình là SE . Sở thích của mình là chơi thể thao, đi du lịch và đọc sách. Câu nói mà mình yêu thích nhất:”Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà Hạnh Phúc là một con đường” của thiền sư “Thích Nhất Hạnh”. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người.

error: Xin đừng copy em !!!