Tổng quan về giao dịch ký quỹ chứng khoán ở Nhật và điểm lưu ý

Update: 5489 lượt xem

giao dịch ký quỹ chứng khoán
Giao dịch ký quỹ chứng khoán ở Nhật

Dù bạn là người mới bắt đầu đầu tư hay người đang có dự định đầu tư, thì chắn hẳn bạn đã từng nghe thuật ngữ “giao dịch ký quỹ” hay “margin trading” rồi đúng không nào? Giao dịch ký quỹ trong chứng khoán ở Nhật là một công cụ kiếm tiền tuyệt vời ngày cả khi bạn chỉ có số vốn ít ỏi, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi đầy nguy hiểm.

Giao dịch ký quỹ chứng khoán ở Nhật là gì?

Giao dịch ký quỹ(margin trading) trong tiếng Nhật có tên gọi đầy đủ là 「信用取引-しんようとりひき」. Đây là hình thức đầu tư ký quỹ bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu mà bạn đang nắm giữ vào công ty chứng khoán để thế chấp vay tiền hoặc cổ phiếu từ họ rồi sau đó thực hiện các giao dịch mua hoặc bán. Hay nói đơn giản hơn “đây là hình thức vay tiền từ công ty chứng khoán để đầu tư.“

Một trong những khó khăn trong giai đoạn đầu của các nhà đầu tư cá nhân(như tôi) thường gặp phải, đó là “nguồn vốn tự có“. Nhưng với hình thức giao dịch ký quỹ, bạn có thể vay và giao dịch cổ phiếu nhiều hơn 30% giá trị tiền mặt và cổ phiếu đã được ký quỹ. Nếu giao dịch càng lâu, độ uy tín của bạn được tăng lên thì giá trị mà bạn có thể vay càng cao theo.

Ví dụ

Giả sử giá thị trường hiện tại của một cổ phiếu là 3.000 yên và đơn vị tối thiểu là 100 cổ phiếu. Vì vậy để mua cổ phiếu bằng hiện vật(現物), cần có ít nhất 300.000 yên tiền mặt trong tài khoản chứng khoán.
Tuy nhiên, đối với hình thức giao dịch ký quỹ, chỉ cần ký quỹ khoảng 100.000 yên làm tài sản thế chấp với công ty chứng khoán, bạn sẽ có thể giao dịch cổ phiếu đó.

Tại sao lại có giao dịch ký quỹ?

Trong giao dịch ký quỹ, chỉ cần ký quỹ tiền mặt hoặc cổ phiếu vào công ty chứng khoán, bạn có thể giao dịch gấp 3,3 lần giá trị số tiền đó. Vậy tại sao lại có hệ thống giao dịch ký quỹ?

Trong trường hợp giao dịch hiện vật trên thị trường chứng khoán, bạn không thể mua một cổ phiếu nào đó mà không đủ tiền hoặc bạn không thể bán nó ra nếu bạn chưa có chứng chỉ. Điều này sẽ làm hạn chế số lượng nhà đầu tư có thể tham gia vào thị trường chứng khoán, bởi vì không phải ai cũng có đủ nguồn vốn tự có. Do đó, chỉ với một khối lượng giao dịch nhỏ lẻ cũng có khả năng làm giá cổ phiếu biến động mạnh trên thị trường.

Chính vì vậy, hệ thống giao dịch ký quỹ ra đời để khắc phục và giải quyết những vấn đề đó. Với hệ thống giao dịch ký quỹ này, bằng cách sử dụng tiền mặt hoặc cổ phiếu đang nắm giữ để thế chấp, thì nhà đầu tư sẽ có thể tham gia giao dịch nhiều hơn số vốn hiện có. Do đó, khối lượng giao dịch sẽ tăng lên và biến động giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ ổn định hơn.

Cơ chế hoạt động của giao dịch ký quỹ

giao dịch ký quỹ chứng khoán là gì
Cơ chết hoạt động của giao dịch ký quỹ(楽天証券)

Sau đây, mình sẽ giải thích sâu hơn một chút về cách thức hoạt động của hệ thống giao dịch ký quỹ ở Nhật Bản. Có hai phương pháp giao dịch chính trong giao dịch ký quỹ đó là:

  • 買建(かいだて):Mua ký quỹ hay còn gọi là Buying on Margin
  • 売建(うりだて):Bán khống hay còn gọi là Short Selling

Đối với những ai đã từng giao dịch bằng hiện vật thì sẽ dễ dàng lý giải được phương pháp mua ký quỹ. Tuy nhiên bán khống là một khái niệm hoàn toàn khác và để lý giải được cách thức hoạt động của nó chắc hẳn chúng ta sẽ phải tốn kha khá thời gian. Để kiếm được lợi nhuận với hệ thống giao dịch ký quỹ thì điều quan trọng nhất là sử dụng đúng cách 2 phương pháp giao dịch thay vì chỉ giao dịch đơn phương một phương pháp.

1. Mua ký quỹ 買建

Mua ký quỹ trong tiếng Nhật được gọi là 「買建-かいだて」 là phương pháp vay tiền từ công ty chứng khoán để mua vào cổ phiếu với giá trị lớn hơn tiền vốn đã có. Tương tự như giao dịch bằng hiện vật thông thường, việc giao dịch ký quỹ cũng bắt đầu bằng hình thức mua cổ phiếu và kết thúc bằng hình thức bán cổ phiếu.

Cách hoàn trả

Đối với giao dịch mua ký quỹ, bạn có hai sự lựa chọn để hoàn trả số tiền đã vay, đó là:

  • 返済売り-へんさいうり:Hoàn trả tiền đã vay bằng cách bán ra cổ phiếu như thông thường.
  • 現引-げんびき:Thanh toán số tiền đã vay và tiếp tục nắm giữ cổ phiếu đó bằng hiện vật.

Ví dụ về cách mua ký quỹ

giao dịch ký quỹ ở nhật
Ví dụ về giao dịch ký quỹ(楽天証券)

Giả sử bạn có vốn 100,000 yên và mua ký quỹ 100 cổ phiếu của Công ty ABC với giá 3,000 yên trên mỗi cổ phiếu. Sáu tháng sau, giá cổ phiếu đó tăng lên 4,000 yên trên mỗi cổ phiếu và bạn quyết định bán ra cổ phiếu đó với giá 400,000 yên(100 cổ phiếu) . Sau khi thực hiện xong giao dịch bán ra, công ty chứng khoán sẽ tự động trừ 300,000 yên đã vay ban đầu kèm theo phí giao dịch và lãi suất cho vay. Do đó, lợi nhuận mà bạn thu được sẽ khoảng xấp xỉ dưới 100,000 yên.

Ngược lại, sáu tháng sau nếu giá cổ phiếu giảm xuống còn 2,000 yên trên một cổ phiếu. Trường hợp nếu bạn cắt lỗ tại thời điểm này thì bạn sẽ lỗ hơn 100,000 yên, tức là mất 100% số tiền vốn ban đầu kèm theo phí giao dịch và lãi suất cho vay. 

2. Bán khống 売建

Một phương pháp khác trong giao dịch ký quỹ đó là “bán khống“.

Bán khống trong tiếng Nhật được gọi là 「売建-うりだて」hoặc 「空売-からうり」. Đây là một phương pháp giao dịch kiếm lời bằng cách vay cổ phiếu từ công ty chứng khoán rồi bán ra thị trường. Sau đó, nếu giá cổ phiếu thấp hơn so với lúc bán thì các nhà đầu tư sẽ hoàn trả lại cổ phiếu đã vay cho công ty chứng khoán và kiếm được lợi nhuận từ khoản chênh lệch giá. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu cao hơn so với lúc vay thì có nghĩa là nhà đầu tư sẽ thua lỗ.

Cách hoàn trả

Tương tự như giao dịch mua ký quỹ, “bán khống” cũng có hai phương pháp để hoàn trả cổ phiếu đã vay đó là:

  • 返済買-へんさいがい:Mua lại cổ phiếu đã vay
  • 現渡-げんわたし:Trả lại cổ phiếu đã vay bằng hiện vật và thu lợi nhuận bằng tiền mặt

Ví dụ về bán khống

giao dịc ký quỹ ở nhật
Ví dụ về giao dịch ký quỹ(楽天証券)

Ngược lại ví dụ ở trên, giả sử lần này bạn vay 100 cổ phiếu của Công ty ABC và bán ra thị trường với giá 3,000 yên trên mỗi cổ phiếu. Sáu tháng sau, giá cổ phiếu đó giảm xuống còn 2,000 yên trên mỗi cổ phiếu và bạn quyết định trả lại 100 cổ phiếu đó, tức là 200,000 yên . Sau khi thực hiện xong giao dịch bán ra, công ty chứng khoán sẽ tự động trừ giá của 100 cổ phiếu đã vay ban đầu với mức giá hiện tại là 200,000 yên kèm theo phí giao dịch và lãi suất cho vay. Do đó, lợi nhuận mà bạn thu được sẽ khoảng xấp xỉ dưới 100,000 yên.

Ngược lại, sáu tháng sau nếu giá cổ phiếu giảm tăng lên 4,000 yên trên một cổ phiếu. Trường hợp nếu bạn trả lại 100 cổ phiếu đó tại thời điểm này thì bạn sẽ lỗ hơn 100,000 yên, tức là mất 100% số tiền vốn ban đầu kèm theo phí giao dịch và lãi suất cho vay. 

Ưu điểm của giao dịch ký quỹ

Thông qua những chia sẻ trên của mình, có lẽ phần nào các bạn đã nhận ra ưu điểm của phương pháp giao dịch kỹ quý rồi đúng không nào? Sau đây là 2 ưu điểm mà mình cảm thấy nổi bật nhất của giao dịch ký quỹ:

  • Có thể giao dịch nhiều hơn nguồn vốn tự có.
  • Có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi giá thị trường giảm xuống.

1. Có thể giao dịch nhiều hơn nguồn vốn tự có

Bạn đã từng tiếc nuối “khi nhận thấy tín hiệu mua của một mã cổ phiếu tốt nào đó, nhưng trong tài khoản không đủ tiền” chưa?

Để thực hiện các giao dịch ký quỹ, bạn sẽ phải ký quỹ tiền mặt và cổ phiếu phải tại một công ty chứng khoán để làm tài sản đảm bảo. Sau đó bạn sẽ có thể giao dịch với mức định giá gấp khoảng 3,3 lần tài sản thế chấp đó. Ví dụ, bạn có 30,000 yên trong tài khoản chứng khoán thì sẽ có thể giao dịch ký quỹ lên tới 100,000 yên.

Vì vậy, dù bạn chỉ có một số tiền nhỏ nhưng bạn vẫn có thể giao dịch các cổ phiếu có giá thị trường cao hơn số tiền vốn của bạn.

2. Có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi giá thị trường giảm xuống

Với phương pháp “bán khống” mà mình đã giới thiệu ở trên, chúng ta có thể kiếm được lợi nhuận ngay cả khi giá thị trường giảm xuống. Khi giá cổ phiếu được định giá là quá cao và dự kiến ​​sẽ giảm xuống, các nhà đàu tư sẽ vay cổ phiếu và bán khống ra thị trường. Sau khi giá cổ phiếu đã xuống đáy thì họ sẽ mua lại hoặc hoàn trả cho công ty chứng khoán để kiếm lời.

Ngoài ra, bán khống còn được ví như một hàng rào để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư, trong tiếng Nhật gọi là 「両建-りょうだて」. Ví dụ, bạn đang nắm giữ một cổ phiếu mà bạn không thể nào buông bỏ, nhưng do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như dịch Covid-19 làm giá cổ phiếu đó giảm xuống. Trong trường hợp này, nếu kết hợp với “bán khống” bạn sẽ giảm thiểu được rủi ro phần nào.

Nhược điểm của giao dịch ký quỹ

Giao dịch ký quỹ có những lợi ích quá hấp dẫn, nhưng thực tế nó cũng chứa đầy tiềm ẩn rủi ro ở phía sau.

  • Có khả năng thua lỗ nhiều hơn tiền vốn.
  • Có thể xảy ra trường hợp ký quỹ bổ sung.
  • Tốn chi phí và lãi suất vay mượn.

1. Có khả năng thua lỗ nhiều hơn tiền vốn

Đây là mặt trái to lớn nhất của giao dịch ký quỹ mà chúng ta cần nắm rõ đặc biệt là bán khống. Trong trường hợp mua ký quã, khoản lỗ sẽ ở mức hạn chế khi giá cổ phiếu giảm xuống còn 0. Nhưng đối với bán khống, giá cổ phiếu có thể sẽ tăng vô hạn, vì vậy nếu không hoàn trả kịp thời khả năng thua lỗ cũng là vô hạn.

Ví dụ

Giả sử trong trường hợp bạn sử dụng tiền vốn hiện có là 100,000 yên để đầu tư bằng hiện vật. Nếu giá cổ phiếu giảm xuống còn 1/2 so với ban đầu thì bạn vẫn còn 50,000 yên trong tài khoản.
Mặt khác, trong trường hợp bạn giao dịch mua ký quỹ với đòn bẩy gấp 3 lần số vốn hiện có. Nếu giá cổ phiếu giảm xuống còn 1/2 so với ban đầu thì khoản lỗ sẽ là 150,000 yên vì bạn đã mua ký quỹ 300,000 yên. Vì số vốn tự có trên thực tế là 100,000 yên. nên bạn sẽ mất hoàn toàn số vốn đó và phải gánh thêm khoản nợ 50,000 yên.

2. Có thể xảy ra trường hợp ký quỹ bổ sung

Ký quỹ bổ sung trong tiếng Nhật được gọi là 「追証-おいしょう」viết tắt của thuật ngữ 「追加保証金-ついかほしょうきん」, là khoản tiền mà nhà đầu tư cần nộp bổ sung vào tài khoản chứng khoán để đưa số dư ký quỹ về mức ký quỹ ban đầu. Do đó, ký quỹ bổ sung sẽ phát sinh khi số tiền ký quỹ giảm xuống dưới mức tối thiểu của tỷ lệ duy trì tiền ký gửi 「委託保証金維持率-いたくほしょうきんいじりつ」. Mức tối thiểu của tỷ lệ duy trì ký gửi của các công ty chứng khoán ở Nhật thường được thiết lập ở mức 25% và có công thức tính như sau.

委託保証金維持率 =(委託保証金-建玉評価損)÷建玉総額×100

Ví dụ, số tiền ký quỹ ban đầu của bạn là 150,000 yên và bạn mua ký quỹ cổ phiếu của công ty ABC với giá 450,000 yên. Nếu cổ phiếu của công ty ABC giảm xuống còn 400,000 yên, thì công ty chứng khoán sẽ yêu cầu bạn nộp vào 50,000 yền tiền ký quỹ bổ sung.
(150,000¥ – 50,000¥) ÷ 450,000¥ ×100=22.3%

Vì vậy, để không xảy ra trường hợp ký quỹ bổ sung cần phải “kìm hãm đòn bẩy” hoặc “để dư ra một ít tiền mặt trong tài khoản” và nên hạn chế giao dịch tập trung vào một mã cổ phiếu nào đó.

3. Tốn chi phí và lãi suất vay mượn

Như các ví dụ ở trên, chúng ta thấy giao dịch ký quỹ mang lại lợi nhuận cao, nhưng ngoài chi phí giao dịch thông thường còn phát sinh thêm lãi suất đối với mua ký quỹ và phí cho vay cổ phiếu đối với bán khống.

Trong cả hai trường hợp trên, các điều kiện khác nhau tùy thuộc vào từng công ty chứng khoán, nhưng đó là chi phí mà chắc chắn sẽ phát sinh. Vì vậy điều quan trọng là phải hiểu rõ và kiểm soát các cơ chế này khi tiến hành giao dịch.

Những lưu ý khi giao dịch ký quỹ ở Nhật

Giao dịch ký quỹ là hình thức vay tiền từ công ty chứng khoán để đầu tư, vì vậy cần cẩn trọng và phải có chiến lược đầu tư cũng như kỹ luật nghiêm khắc với bản thân để tránh những rủi ro không đáng có.

1. Không nên bắt đáy và cần cắt lỗ kịp thời

Bắt đáy” là một hành vi giao dịch được khá nhiều nhà đầu tư cá nhân yêu thích, nhưng lại cực kỳ mạo hiểm đặc biệt là trong giao dịch ký quỹ. Trong trường hợp giao dịch hiện vật, nếu giá của cổ phiếu giảm hơn so với khi bắt đáy, thì bạn có thể chịu đựng và đợi nó tăng giá trở lại trong tương lai. Tuy nhiên, trong giao dịch ký quỹ nếu bắt đáy không thành công và giá cổ phiếu tiếp tục giảm thì khoản lỗ sẽ tăng lên và phát sinh ký quỹ bổ sung.

Hơn nữa, giao dịch ký quỹ chỉ thích hợp với đầu tư ngắn hạn, do đó để an toàn hơn trong việc đầu tư bạn cần kiên định lập trường mua cổ phiếu khi đang có xu hướng tăngbán ra khi xu hướng tăng đã ngưng hoặc có xu hướng giảm.

2. Kiểm tra Dư mua ký quỹ và Dư bán ký quỹ

Trước khi thực hiện giao dịch ký quỹ, bạn nên kiểm tra hai chỉ số “dư mua ký quỹ” và “dư bán ký quỹ”.

Dư mua ký quỹ trong chứng khoán ở Nhật, có tên gọi là 「信用買い残-しんようかいざん」, là số dư(số lượng cổ phiếu) đã được mua ký quỹ và chưa được tất toán hay chuyển giao. Mua ký quỹ là phương thức giao dịch kiếm lời khi giá cổ phiếu đi lên, vì vậy số dư mua ký quỹ tồn đọng nhiều đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu có khả năng giảm xuống do nhiều đợt bán trong tương lai.

Dư bán ký quỹ trong chứng khoán ở Nhật, có tên gọi là 「信用売り残-しんよううりざん」, là số dư(số lượng) đã được bán khống và chưa được tất toán hay chuyển giao. Bán khống là một phương thức giao dịch kiếm lời khi giá cổ phiếu đi xuống, vì vậy việc số dư bán ký quỹ tồn đọng nhiều đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu có khả năng sẽ tăng lên do nhiều đợt mua lại trong tương lai.

POINT

Để kiểm tra cung và cầu trên thị trường như thế nào chúng ta chỉ cần lấy số dư mua ký quỹ chia cho số dư bán ký quỹ. Nếu hệ số này(倍率-ばいりつ) lớn hơn 1 có nghĩa là có nhiều người đang mua ký quỹ. Ngược lại, nếu con số này nhỏ hơn 1 có nghĩa là có nhiều người đang bán khống.

3. Thời hạn hoàn trả và lãi suất

Khi giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán ở Nhật, bạn có thể chọn “không thời hạn”, “6 tháng” hoặc “hoàn trả trong ngày”. Nếu không kịp hoàn trả và thanh toán, bạn sẽ bị cưỡng chế tự động thanh toán bởi công ty chứng khoán và phát sinh thêm phí dịch vụ rất cao. Dưới đây là lãi suất và phí cho vay cổ phiếu của công ty chứng khoán Rakuten đối với thời hạn 6 tháng(※ chưa tính phí giao dịch). Các bạn có thể xem thêm chi tiết TẠI ĐÂY.

  • Lãi suất đối với mua ký quỹ: 2.8%/năm(ngoại trừ day trade). Tuy nhiên nếu bạn giao dịch nhiều và được tín nhiệm thì sẽ được hưởng chế độ ưu đãi「優遇金利」với lãi suất khoảng 2.28%.
    Hơn nữa, nếu giao dịch ký quỹ và hoàn trả trong ngày(いちにち信用) với mức tiền từ 1 triệu yên trở lên sẽ không mất lãi suất vay ký quỹ, nếu mức tiền giao dịch dưới 1 triệu yên thì lãi suất cho vay ký quỹ là 1.8%.
  • Phí cho vay cổ phiếu đối với bán khống: 1.10%/năm(ngoại trừ day trade).
    Hơn nữa, nếu giao dịch bán khống và hoàn trả trong ngày(いちにち信用) với mức tiền từ 1 triệu yên trở lên sẽ không mất lãi suất vay ký quỹ, nếu mức tiền giao dịch dưới 1 triệu yên thì lãi suất cho vay ký quỹ là 1.8%.

Tóm tắt

Đối với những người am hiểu về thị trường và đã có dày dặn kinh nghiệm thì giao dịch ký quỹ là một công cụ để kiếm lợi nhuận tuyệt vời nhưng cũng chúa đầy rủi ro. Vì vậy những người mới bắt đầu đầu tư chứng khoán chưa nên bắt tay vào giao dịch ký quỹ để tránh những rủi ro không đáng có nhé.

Hy vọng một chút kiến thức ít ỏi và kinh nghiệm về giao dịch ký quỹ chứng khoán ở Nhật vày của mình sẽ một phần nào đó giúp các bạn hiểu rõ hơn về phương pháp giao dịch này. Và đừng quên tham khảo những bài viết khác liên quan tới chứng khoán ở phía dưới nhé.

Đánh giá

Tài trợ


RELATED POST/BÀI VIẾT QUAN TÂM

Comment

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hướng dẫn cách đọc bảng báo giá chứng khoán Order Book ở Nhật Bản

Bảng báo giá chứng khoán ở Nhật hay còn gọi là sổ lệnh, giúp chúng ta nhanh chóng nhận biết được có bao nhiêu giao dịch đang đợi khớp lệnh.

ảnh hưởng của boj đến thị trường chứng khoán

Mối quan hệ, ảnh hưởng của BOJ đến Thị trường chứng khoán Nhật

Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán Nhật Bản thông qua các chính sách tiền tệ và can thiệp ngoại hối.

lợi nhuận toyota

Lợi nhuận Toyota cao kỷ lục, DN đầu tiên ở Nhật vượt 5K tỷ yên

Tập đoàn Toyota Motor công bố ghi nhận mức lãi ròng cao kỷ lục và là doanh nghiệp đầu tiên ở Nhật Bản có lợi nhuận KD vượt quá 5 nghìn tỷ yên.

rút tiền từ tài khoản chứng khoán

Hướng dẫn rút tiền từ tài khoản chứng khoán Rakuten Shoken

Sau khi nộp tiền vào tài khoản và bắt tay vào đầu tư thì rất nhiều người băn khoăn và lo lắng về vấn đề “rút tiền về tài khoản ngân hàng như thế nào”

ưu điểm ngân hàng paypay

Ưu và nhược điểm của ngân hàng trực tuyến PayPay Bank ở Nhật

PayPay Bank là một trong những ngân hàng trực tuyến đầu tiên đưa ra các giải pháp để đối phó với bảo mật. Ngân hàng PayPay có những ưu điểm sau đây.

Chào các bạn! Mình là Anh, người phát triển và quản lý trang web Japan Life Guide Blog này. Mình đã ở Nhật hơn 10 năm, đang sống ở Saitama và công việc chính hiện tại của mình là SE . Sở thích của mình là chơi thể thao, đi du lịch và đọc sách. Câu nói mà mình yêu thích nhất:”Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc mà Hạnh Phúc là một con đường” của thiền sư “Thích Nhất Hạnh”. Tại blog này mình sẽ chia sẻ tới mọi người những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân về các chủ đề như học tập hay quản lý tài chính ,v.v.  Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích đối với mọi người.

error: Xin đừng copy em !!!