Thị trường chứng khoán Nhật Bản là một trong những thị trường hàng đầu Thế giới với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Với quy mô vốn hóa thị trường lớn, tính thanh khoản cao và nền kinh tế phát triển, thị trường chứng khoán Nhật Bản được xem là một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Tuy nhiên, để đạt được thành công trong việc đầu tư vào thị trường này, nhà đầu tư cần hiểu rõ cơ cấu, quy mô và xu hướng của thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng như các yếu tố kinh tế và chính trị ảnh hưởng đến thị trường này. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về lịch sử phát triển, xu hướng và tiềm năng của thị trường chứng khoán Nhật Bản để giúp nhà đầu tư có được cái nhìn tổng quan và nắm bắt được những cơ hội đầu tư tiềm năng trên thị trường này.
MỤC LỤC
Tổng quan về thị trường chứng khoán Nhật Bản
Thị trường chứng khoán Nhật Bản là một trong những thị trường tài chính lớn trên Thế giới, với quy mô vốn hóa thị trường lên đến hàng nghìn tỷ đô la Mỹ. Thị trường này có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản và trên thế giới, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ của đất nước này.
Lịch sử và phát triển của thị trường chứng khoán Nhật Bản
Giao dịch chứng khoán ở Nhật Bản bắt đầu theo một cách hoàn toàn khác so với các nước ở phương Tây. Vào cuối thế kỷ 17, một thị trường gạo (米会所=Komekaisho) bắt đầu tự phát giữa các thương nhân gạo ở Dojima, Osaka và đây được coi là nguồn gốc của giao dịch chứng khoán Nhật Bản.
Lịch sử của thị trường chứng khoán chính thức ở Nhật Bản bắt đầu từ thời Minh Trị Duy Tân, và vào năm 1870, chính phủ Minh Trị đã phát hành trái phiếu chính phủ đầu tiên tại thị trường LonDon. Sau đó các sở giao dịch chứng khoán được thành lập ở Tokyo và Osaka ngay sau khi “Sắc lệnh giao dịch chứng khoán” được ban hành vào năm 1878, nhưng các sở giao dịch này không áp dụng hệ thống thành viên như ở Châu Âu và Hoa Kỳ, mà thay vào đó là hình thức của các công ty cổ phần.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, thị trường chứng khoán Nhật Bản bắt đầu phục hồi và trở thành một trong những thị trường lớn nhất Thế giới. Tuy nhiên, vào những năm 1990, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã trải qua một thời kỳ suy thoái kéo dài đến giữa năm 2000 do sự sụp đổ của thị trường bất động sản, tình trạng nợ quá tải. Sau đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2012-2019 nhờ chính sách Abenomics và đang tiếp tục phát triển đến ngày nay.
Các chỉ số chứng khoán quan trọng và phản ánh thị trường Nhật Bản
Dưới đây là một số chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Chỉ số Nikkei Index 225
Chỉ số Nikkei 225 (日経平均株価 = にっけいへいきんかぶか) được coi là chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Chỉ số này bao gồm 225 công ty hàng đầu, có tính thanh khoản cao được niêm yết trên phân khúc Tokyo Prime Market của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE). Giá của chỉ số Nikkei 225 được tính toán bằng cách chia tổng giá trị của 225 công ty cho hệ số chia, và đưa ra mức giá trung bình của 225 công ty này. Chỉ số này cung cấp cho nhà đầu tư một cái nhìn tổng thể về tình hình thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Chỉ số TOPIX
Chỉ số TOPIX (Tokyo Stock Price Index) được tính dựa trên giá trị của tất cả các cổ phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE). TOPIX được sử dụng để đánh giá tình hình thị trường chứng khoán Nhật Bản như thế nào và có sự thay đổi ra sao. Nó là một chỉ số trung bình có trọng số, với trọng số được xác định bởi tổng giá trị vốn hóa thị trường của từng công ty niêm yết. Các công ty lớn hơn có trọng số lớn hơn trong chỉ số TOPIX.
Chỉ số JPX-Nikkei Index 400
Chỉ số JPX-Nikkei Index 400 bao gồm 400 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (Tokyo Securities Exchange – TSE) và Sở giao dịch chứng khoán Osaka (Osaka Securities Exchange – OSE). Chỉ số này được thiết kế để phản ánh các công ty có hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt và có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Điểm khác biệt của thị trường chứng khoán Nhật Bản so với các thị trường khác
Thị trường chứng khoán Nhật Bản có những điểm khác biệt so với các thị trường khác trên thế giới. Điểm đáng chú ý nhất có lẽ là cách thức hoạt động của các công ty Nhật Bản. Trong khi các công ty Mỹ thường tập trung vào mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, các công ty Nhật Bản lại tập trung vào việc giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty Nhật Bản thường có mức độ nợ thấp hơn so với các công ty Mỹ.
Một điểm khác biệt tiếp theo của thị trường chứng khoán Nhật Bản so với các thị trường khác đó là mức độ phụ thuộc vào các công ty lớn. Nhật Bản có một số công ty đa quốc gia lớn như Toyota, Sony, Mitsubishi và Panasonic, điều này dẫn đến việc một số chỉ số chứng khoán của Nhật Bản được chi phối bởi những công ty này. Điều này có thể gây ra rủi ro đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là khi các công ty này đối mặt với các vấn đề kinh doanh hoặc chính trị.
Những điểm mạnh và điểm yếu của thị trường chứng khoán Nhật Bản
Thị trường chứng khoán Nhật Bản là một trong những thị trường lớn nhất thế giới và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, thị trường này cũng đối diện với nhiều thách thức và có những điểm mạnh và điểm yếu như sau:
Điểm mạnh
- Quy mô lớn: Thị trường chứng khoán Nhật Bản là một trong những thị trường lớn nhất thế giới về vốn hóa thị trường, với khoảng 6,6, tỷ USD (tại thời điểm tháng 3 năm 2023). Các công ty niêm yết tại TSE được phân lại theo ba phân khúc thị trường chính: Prime, Standard và Growth.
- Sự ổn định và minh bạch: Thị trường chứng khoán Nhật Bản có tính thanh khoản cao, đa dạng hóa về ngành và lĩnh vực đầu tư, giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro . Ngoài ra, Nhật Bản có hệ thống pháp lý rõ ràng giúp bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư và tăng tính minh bạch trong các hoạt động niêm yết trên sàn giao dịch.
- Nền tảng hạ tầng phát triển: Thị trường chứng khoán Nhật Bản có nền tảng hạ tầng phát triển tốt và một hệ thống giao dịch hiện đại, bao gồm hệ thống thông tin và kỹ thuật phần mềm, điều này cho phép giao dịch diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
- Chế độ đầu tư miễn thuế: Chế độ đầu tư miễn thuế (NISA và Tsumitate NISA) là một trong những chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán Nhật Bản, giúp tăng cường sự cạnh tranh với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực và trên thế giới.
Điểm yếu
- Xu hướng giảm giá kéo dài: Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã trải qua một thời kỳ giảm giá kéo dài, với đỉnh cao vào những năm 1980 và 1990. Điều này có ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế của Nhật Bản.
- Công ty quá tập trung vào việc giữ dòng tiền: Một số công ty lớn ở Nhật Bản đang được cho là đang quá tập trung vào việc giữ dòng tiền và không đầu tư đủ cho nghiên cứu và phát triển, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nổi tiếng ở Nhật Bản đã mở rộng đầu tư điển hình như lĩnh vực EV hay chip bán dẫn.
- Sự cạnh tranh: Thị trường chứng khoán Nhật Bản đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường khác, đặc biệt là từ các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Việc tìm cách giữ vững thị phần và cạnh tranh trong thị trường là thách thức lớn đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, xét về tính ổn định và minh bạch thì thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn là lựa chọn số 1 trong khu vực châu Á.
Cơ cấu thị trường chứng khoán Nhật Bản
Thị trường chứng khoán Nhật Bản gồm có hai sàn giao dịch chính là Sàn chứng khoán Tokyo (Tokyo Stock Exchange – TSE) và Sàn chứng khoán Osaka (Osaka Stock Exchange – OSE), cùng với một số sàn nhỏ khác như Sàn chứng khoán Nagoya (Nagoya Stock Exchange) hay Sàn chứng khoán Fukuoka (Fukuoka Stock Exchange).
Các sàn giao dịch chứng khoán chính tại Nhật Bản
Sàn chứng khoán Tokyo (TSE) được coi là sàn chứng khoán lớn nhất Nhật Bản và cũng là một trong những sàn lớn nhất thế giới. TSE được thành lập năm 1949 và có trụ sở chính tại trung tâm thương mại Tokyo. TSE có hơn 3.800 công ty niêm yết và vốn hóa thị trường của TSE khoảng 5,7 nghìn tỷ USD đứng thứ 5 trên thế giới (tính đến thời điểm cuối tháng 2 năm 2023).
Sàn chứng khoán Osaka (OSE) được thành lập vào năm 1878, là sàn chứng khoán lâu đời nhất tại Nhật Bản. OSE chủ yếu tập trung vào các công ty địa phương và các công ty nổi tiếng trong ngành công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, do TSE chiếm ưu thế, OSE đã sáp nhập với Sàn chứng khoán Tokyo vào năm 2013 và hiện tại cả hai sàn giao dịch này được hoạt động thông qua việc giám sát của Japan Exchange Group (JPX)
Các phân khúc trên thị trường được niêm yết tại TSE
Kể từ ngày 4 tháng 4 năm 2022, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo – Nhật Bản đã thay đổi cấu trúc từ năm phân khúc thị trường trước đó thành ba phân khúc thị trường mới.
- Tokyo Prime Market: Bao gồm các công ty có vốn hóa thị trường và tính thanh khoản cao
- Tokyo Standard Market: Bao gồm các công ty có giá trị vốn hóa thị trường nhất định, tính thanh khoản tạm ổn
- Tokyo Growth Market: Tập hợp nhiều công ty mới mẻ có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng có thể mạo hiểm và chứa ẩn nhiều rủi ro
Xem thêm: CẤU TRÚC MỚI CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NHẬT BẢN